Điều gì xảy ra với cơ thể khi bị nhiễm COVID-19?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Hơn 1.300 người đã chết và hơn 59.000 người bị nhiễm virus corona mới, tên chính thức là COVID-19. Vậy chính xác thì điều gì sẽ xảy ra với cơ thể khi bị nhiễm loại virus này.
Vì căn bệnh này chỉ được các cơ quan y tế chú ý vào cuối năm ngoái khi nó bắt đầu khiến một loạt người lao động bị bệnh tại khu chợ bán buôn hải sản ở trung tâm thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, các chuyên gia đang không ngừng tìm hiểu về đặc điểm của nó.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nơi đã tuyên bố COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng, bệnh giống như mọi căn bệnh hô hấp khác và có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như chảy nước mắt, đau họng, ho và sốt. Nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây viêm phổi, cũng như các vấn đề về hô hấp. "Hiếm gặp hơn, bệnh có thể gây tử vong", WHO cho biết.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí JAMA tuần trước, một nhóm các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ về cơ chế ảnh hưởng đến người của thành viên mới thuộc họ virus coronavirus này, dựa trên đánh giá tình trạng của 138 bệnh nhân bị viêm phổi sau khi nhiễm COVID-19. Các bệnh nhân nhân được điều trị tại Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán, tại thành phố đang là tâm điểm của dịch. Mặc dù virus đã lan đến hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng, ngoại trừ 2 trường hợp, còn thì tất cả số ca tử vong đều xảy ra ở Trung Quốc đại lục, chủ yếu là ở Hồ Bắc.
Hầu hết các bệnh nhân, có độ tuổi trung bình là 56, bị sốt, cảm thấy mệt mỏi và ho khan. Một số người cũng bị đau cơ và khó thở. Ít gặp hơn là đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn.
Trung bình, thời gian từ khi có các triệu chứng đầu tiên đến khi xuất hiện khó thở là 5 ngày, và thời gian từ khi nhập viện là 7 ngày. Ở những người bị, hội chứng suy hô hấp cấp tính thường diễn ra sau 8 ngày.
Trên hình ảnh X quang của phổi bệnh nhân, tất cả đều cho thấy những đám mờ và/hoặc bóng mờ kính (GGO), mô tả mức độ mờ ở phổi trên phim chụp. Trung bình, bệnh nhân nằm viện 10 ngày.
Vì hiện chưa có thuốc điều trị, nhân viên y tế chỉ phải quản lý các triệu chứng của bệnh nhân. Trong số 36 bệnh nhân nặng cần điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu (ICU), hầu hết là nam giới cao tuổi (trung bình 66 tuổi) và dễ có các bệnh nền như huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh tim và bệnh mạch não bệnh, ảnh hưởng đến các mạch máu.
"Điều này gợi ý tuổi tác và bệnh đi kèm có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến kết quả xấu", các tác giả của nghiên cứu viết.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy khả năng phải vào khoa hồi sức cấp cứu của bệnh nhân nam và nữ là như nhau, một điểm khác so với báo cáo trước đây cho rằng bệnh nhân nam dễ bị biến chứng nghiêm trọng hơn. Họ giải thích phát hiện ban đầu có thể bị sai lệch bởi thực tế hầu hết các bệnh nhân đầu tiên là lao động nam tại chợ hải sản, và đó là dữ liệu có sẵn tại thời điểm đó. Điều này nhấn mạnh hiểu biết của chúng ta về căn bệnh này đang phát triển nhanh như thế nào.
Trong một nghiên cứu khác được công bố trên The Lancet, nghiên cứu 41 trường hợp viêm phổi đầu tiên do COVID-19, các nhà nghiên cứu cũng có phát hiện tương tự: bệnh nhân bị sốt, ho khan, mệt mỏi và có dấu hiệu nhiễm trùng phổi khi chụp.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu vắc-xin chống COVID-19, nhưng không thể phát triển ngay để ngăn chặn dịch bệnh vào lúc này. Để phòng chống sự lây lan của căn bệnh, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ yêu cầu người dân tuân thủ những các bước thông thường để ngăn chặn sự lây lan của virus đường hô hấp.
Các bước này bao gồm thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi. Khi hắt hơi hoặc ho, che miệng bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay và vứt khăn giấy đi ngay lập tức. Cố gắng không chạm vào mắt, mũi hoặc miệng khi tay chưa rửa sạch. Ở nhà nếu bạn bị ốm, và nếu khỏe, hãy tránh những người bị ốm. Các vật thể và bề mặt phải được làm sạch và khử trùng thường xuyên bằng bình xịt hoặc khăn lau.
( C. H sưu tầm)