Nhật Bản đang trở thành một trong những vùng bùng phát dịch Covid-19. Số bệnh nhân được báo cáo chính thức được cho chỉ là "phần nổi của tảng băng", báo hiệu dịch sẽ lây lan rộng hơn nhiều.
Ngày 29/2, Nhật Bản có khoảng 200 ca dương tính nCoV, không tính các ca bệnh trên tàu Diamond Princess. Tại Hàn Quốc, số bệnh nhân cũng tăng lên chóng mặt, đạt hơn 2.000 sau khi chính phủ tiến hành kiểm tra trên diện rộng để có được bức tranh toàn cảnh về dịch Covid-19.
Điều mà các chuyên gia và cộng đồng quan tâm hơn cả là phương pháp chẩn đoán của Nhật Bản.
|
Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc họp tại Nhật Bản vào ngày 27/2. Ảnh: AFP
|
Masahiro Kami, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quản trị Y tế ở Tokyo, cho biết: "Đằng sau mỗi trường hợp dương tính được phát hiện là hàng trăm ca bệnh nhẹ bị bỏ qua".
Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này có khả năng thực hiện 3.800 xét nghiệm mỗi ngày. Song theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato, kể từ ngày 18 đến 23/2, chỉ có 5.700 bệnh nhân thực sự được chẩn đoán, bao gồm cả các hành khách trên du thuyền Diamond Princess.
Số ca dương tính được xác nhận khá thấp khiến Thủ tướng Nhật Shinzo Abe duy trì lập trường tương đối "thoải mái" về dịch bệnh với Trung Quốc, nơi có hơn 80.000 bệnh nhân và 2.700 ca tử vong.
Khác với các quốc gia trong khu vực, Nhật Bản không áp dụng lệnh cấm du lịch với công dân từ các khu vực tâm dịch như Trung Quốc. Nước này cũng chưa hủy bỏ các sự kiện cộng đồng lớn. Nhiều người Tokyo tiếp tục đi làm trên những chuyến tàu chật cứng.
Bộ trưởng Kato cho biết các cơ sở y tế công cộng phải từ chối kiểm tra một số người nghi nhiễm virus, lo ngại rằng họ không đủ nguồn lực vật tư. Nhiều trung tâm chăm sóc trẻ em ban ngày và câu lạc bộ sau giờ học vẫn mở cửa, ngay cả khi trường học trên toàn quốc chuẩn bị cho học sinh nghỉ.
Trước đó, Nhật cũng nhận nhiều chỉ trích vì không xét nghiệm hành khách trên tàu Diamond Princess một cách kỹ lưỡng hơn và bỏ sót hai người dương tính. Các bệnh nhân biểu hiện triệu chứng khi trở về nhà. Cả hai đều đã sử dụng các phương tiện công cộng trong quá trình di chuyển.
Nhật Bản thậm chí để mất dấu một số trường hợp dương tính. Nhà chức trách chưa thể xác định mối liên hệ giữa những ca bệnh ở đảo phía bắc Hokkaido, khu vực đã phát triển thành ổ dịch lớn nhất cả nước với 54 bệnh nhân nhiễm nCoV.
Nhiều người cho rằng Nhật Bản tỏ ra lúng túng trong đợt bùng phát Covid-19 bởi thiếu kinh nghiệm ứng phó với dịch SARS và MERS trước đó. Nước này chưa được trang bị đầy đủ để đối mặt với virus corona mới.
Khác với Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Việt Nam, Nhật Bản không có Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Như vậy, nhiệm vụ dập dịch nằm trong tay giới chức y tế với sự hỗ trợ của một nhóm chuyên gia. Dù quốc gia có tiêu chuẩn chung về cách xét nghiệm virus, tiêu chí đánh giá giữa các thành phố vẫn khác nhau ít nhiều.
|
Trẻ em tại Tokyo tụ tập vui chơi giữa mùa dịch. Ảnh: Reuters
|
Theo hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế Nhật Bản, những người có triệu chứng nhẹ cần tự cách ly tại nhà. Bệnh nhân biểu hiện nghiêm trọng được yêu cầu liên hệ với một đường dây nóng để chuyển tiếp đến cơ sở điều trị phù hợp. Trường hợp nghi nhiễm virus corona sẽ được xét nghiệm tại trung tâm y tế công cộng địa phương.
Song một số trung tâm ở các khu vực như thành phố Tokyo, thành phố Nagoya và quận Wakayama không có nguồn cung dụng cụ xét nghiệm đáp ứng đủ các yêu cầu. Riêng Wakayama đã ghi nhận 11 trường hợp nhiễm virus, đang phải sử dụng các tham số riêng để quyết định khi nào bệnh nhân cần xét nghiệm.
Các bệnh viện và phòng khám nhỏ cũng tỏ ra lo lắng, bởi nếu phát hiện một trường hợp dương tính, họ buộc phải đóng cửa để khử trùng.
Động thái của Nhật Bản trong vụ tàu Diamond Princess đã làm suy yếu lòng tin của cộng đồng vào khả năng xử lý khủng hoảng của giới chức nước này. Sau khi phát hiện các trường hợp dương tính đầu tiên, chính phủ đã lệnh phong tỏa con tàu với hơn 3.700 thuyền viên và hành khách trong vòng 14 ngày. Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng chính điều này đã khiến virus lây lan nhanh chóng hơn.
Bộ trưởng Kato cho biết đang nghiên cứu một hệ thống hỗ trợ các cơ sở tư nhân xét nghiệm Covid-19 để nhiều người có cơ hội kiểm tra và không bỏ sót các trường hợp dương tính.
Kenji Shibuya, Giám đốc Viện Sức khỏe Dân số tại Đại học Hoàng gia London, cựu giám đốc chính sách y tế WHO cho biết: "Về mặt khoa học, nên lấy bệnh nhân làm mục đích và ưu tiên. Song hiện tại chúng ta cũng đang đối mặt với sự sợ hãi của công chúng. Để giải quyết vấn đề đó, cần tạo cơ hội cho tất cả mọi người được xét nghiệm".
Thục Linh (Theo Bloomberg)