Bài học về chi phí điều trị Covid-19

Ngày đăng: 08:25 09/04/2020 Lượt xem: 327

                   Bài học về chi phí điều trị Covid-19

                                                        Nguồn: Báo Điện tử VnExpress

Bệnh nhân nghèo sẽ ngại ngần khám chữa nếu phải trả viện phí cao, khiến bệnh không được phát hiện và dịch phát tán nghiêm trọng. 
 

Italy ghi nhận 10.000 ca bệnh, vượt qua Hàn Quốc, trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai sau Trung Quốc. Mỹ báo cáo thêm nhiều ca nhiễm mới sau khi chính sách về điều kiện được xét nghiệm có sự thay đổi.

Ở Trung Quốc, nơi khởi phát dịch, Covid-19 đang suy yếu. Số ca nhiễm mới mỗi ngày một thấp. Bài học quan trọng trong thành quả dập dịch của Trung Quốc là miễn phí xét nghiệm và điều trị cho các bệnh nhân.

Một xét nghiệm nCoV chi phí khoảng 370 nhân dân tệ (53 USD) tại Trung Quốc. Ở thành phố Thâm Quyến, chi phí điều trị trung bình từ 23.000 nhân dân tệ cho bệnh nhân cao tuổi đến khoảng 5.600 nhân dân tệ cho người trẻ hơn, theo báo cáo trên tạp chí Chinese Hospital Management ngày 28/2.

bai hoc ve chi phi dieu tri covid 19
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tại bệnh viện dã chiến Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Một số phương pháp điều trị như hô hấp màng ngoài cơ thể (giúp cung cấp oxy vào máu của bệnh nhân trong một thời gian nhất định) rất tốn kém đều được chính phủ chi trả.

Trung Quốc đã chi khoảng 110 tỷ nhân dân tệ phục vụ cho việc điều trị, hỗ trợ đội ngũ nhân lực và thiết bị y tế.

Khi Mỹ ghi nhận 25 ca tử vong trong số 696 bệnh nhân, người dân bắt đầu lo lắng về chi phí xét nghiệm.

Chính phủ Mỹ không thu phí xét nghiệm nCoV tại những nơi được chỉ định. Song một lần đi khám kéo theo nhiều loại chi phí khác, có thể lên tới 3.200 USD. Nhóm vận động hành lang về bảo hiểm của Mỹ cho biết mỗi cá nhân cần kiểm tra kỹ với các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm của họ để biết mức chi trả liên quan đến Covid-19.

Tính đến ngày 9/3, có 1.707 người được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) xét nghiệm. Con số thực tế có thể lớn hơn do các xét nghiệm thực hiện ở phòng lab cấp dưới, tuy nhiên vẫn là không đủ. Một nghiên cứu của Cedars-Sinai ước tính đến ngày 1/3 có từ 1.000 đến 9500 người Mỹ nhiễm virus.

Tháng 1, Hàn Quốc tuyên bố rằng chính phủ và các công ty bảo hiểm chi trả khoản phí liên quan đến việc khám, cách ly và điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nước này cũng tăng cường các trung tâm cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh và thực hiện khoảng 15.000 xét nghiệm mỗi ngày.

Tháng 2, Nhật Bản xác định Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ có trách nhiệm chi trả viện phí liên quan tới các ca lây nhiễm trong nước.

Tại Anh, khoảng 18.000 người đã được xét nghiệm miễn phí kể từ tháng trước và 373 người được chẩn đoán dương tính.

Giáo sư Dirk Pfeiffer, người đứng đầu One Health tại Trường Thú y và Khoa học Tự nhiên Jockey Club cho biết tiền xét nghiệm hoặc khám chữa sẽ cản trở những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

"Rõ ràng, ở những nơi bạn phải trả tiền cho dịch vụ y tế, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, thậm chí là nặng ở nhóm thu nhập thấp sẽ ngần ngại đến cơ sở y tế. Tình trạng này sẽ làm dịch bệnh phát tán", giáo sư Pfeiffer nói.

bai hoc ve chi phi dieu tri covid 19
Người dân Hong Kong đeo khẩu trang đi làm vào giờ cao điểm để phòng tránh dịch Covid-19. Ảnh: SCMP

Nhưng ông cũng cho rằng việc xét nghiệm tích cực là không khả thi với hầu hết quốc gia và việc hạn chế tiếp xúc đông người sẽ tiếp tục là biện pháp giảm thiểu rủi ro cốt yếu.

Giáo sư Pfeiffer nói rằng trong các nước dân chủ phương Tây, việc hạn chế tiếp xúc đông người chủ yếu dựa trên sự tuân thủ tự nguyện. Trái ngược với Trung Quốc, nơi việc xét nghiệm là bắt buộc, tuân theo các quy định kiểm soát bệnh truyền nhiễm quốc gia.

"Hệ quả của sự khác biệt này là ở các quốc gia chỉ tự nguyện hạn chế tiếp xúc đông người, dịch bệnh sẽ kéo dài hơn", ông nói.

Ni Feng, giám đốc Viện nghiên cứu về Mỹ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Mỹ có các điều kiện khác nhau dẫn tới việc sử dụng chiến lược khác nhau. Thành công của đại lục trong việc kiểm soát dịch bệnh có thể là cơ hội tốt để cả hai nước cùng hợp tác.

"Đây là vấn đề ít nhạy cảm nhất. Có rất nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác. Chúng ta đã chứng kiến sự hợp tác vững chắc trong quá khứ với dịch SARS, H5N1 và H7N9, nhưng chưa phải lần này", ông Ni cho biết.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan