Những điều cần biết khi đo huyết áp

Ngày đăng: 08:21 26/05/2020 Lượt xem: 355
Những điều cần biết khi đo huyết áp
BS. Nguyễn Thị Thu Hà - 09:31 24/05/2020 GMT+7
 
 
Suckhoedoisong.vn - Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của động mạch. Là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể.

Đây cũng là một trong những chỉ số sinh tồn chính của cơ thể. Vì thế hiểu biết về huyết áp và cách theo dõi huyết áp của bản thân cho đúng là điều cần thiết.

Huyết áp liên tục thay đổi trong ngày, tùy thuộc vào hoạt động thể chất, căng thẳng cảm xúc hoặc thậm chí là thực phẩm mà bạn ăn. Một số biến đổi của huyết áp là bình thường. Tuy nhiên, huyết áp cực đoan có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe thường phải điều trị. Và rồi, huyết áp dao động như thế nào? Vậy thì khi nào huyết áp cao nhất hay thấp nhất trong ngày?...

Thời gian nào trong ngày huyết áp cao nhất?

Thông thường, vào ban đêm khi bạn đang ngủ, huyết áp thấp hơn và bắt đầu tăng lên một vài giờ trước khi bạn thức dậy. Huyết áp tiếp tục tăng trong buổi sáng, đạt đỉnh vào khoảng giữa buổi chiều. Huyết áp bắt đầu giảm trở lại vào cuối buổi chiều và buổi tối. Mức huyết áp thay đổi 25 -30% trong ngày được coi là bình thường. Tuy nhiên, nếu mức huyết áp dao động vượt quá phạm vi hoặc gây ra những khó chịu cho cơ thể, bạn nên đi khám bác sĩ tim mạch.

Khi huyết áp của bạn không phù hợp với quy luật biến đổi thông thường nói trên, chẳng hạn như cao hơn vào buổi sáng hoặc buổi tối, rất có thể bạn có một số vấn đề về sức khỏe. Những bệnh liên quan đến huyết áp bất thường bao gồm: Bệnh tim mạch; Vấn đề về hệ thần kinh; Bệnh đái tháo đường; Bệnh thận; Ngưng thở khi ngủ; Các vấn đề về tuyến giáp.

Lưu ý là huyết áp có thể bất thường khi có các yếu tố nguy cơ như bị stress, hút thuốc, làm việc ca đêm, đang phải lo lắng về một vấn đề nào đó trong cuộc sống hoặc trong công việc..., hoặc do thuốc huyết áp không tác dụng kéo dài trong 24 giờ.

Những điều cần biết khi đo huyết ápNên đi khám bác sĩ tim mạch khi mức dao động huyết áp ảnh hưởng tới sức khỏe.            
Ảnh: TM

Khi nào cần theo dõi huyết áp tại nhà?

Sau khi biết quy luật thông thường của dao động huyết áp, bạn nên theo dõi chặt chẽ huyết áp của mình trong ngày để phát hiện sự bất thường nếu có. Cách tốt nhất là theo dõi huyết áp tại nhà. Để theo dõi huyết áp, bạn nên đo vào các thời điểm khác nhau trong ngày, khoảng 5-6 lần mỗi ngày. Khi đã rõ được huyết áp của bạn hoạt động như thế nào và biết được chỉ số huyết áp của mình, bạn có thể bắt đầu theo dõi huyết áp một hoặc hai lần một ngày. Nếu đã được chẩn đoán bị tăng huyết áp, hãy luôn đo huyết áp vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngoại trừ đo những lúc cảm thấy khó chịu hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Thông thường, nên đo huyết áp vào buổi sáng, trước khi bạn ăn bữa sáng và uống cà phê và đo thêm một lần nữa trước khi đi ngủ.

Khi nào cần kiểm tra huyết áp nếu bạn đang dùng thuốc?

Thông thường các loại thuốc sẽ có tác động nhất định tới mức huyết áp của bạn. Vì vậy nếu bạn đang dùng thuốc, thời gian tốt nhất để đo huyết áp là ngay trước khi uống thuốc. Lúc đó bạn sẽ nhận được kết quả huyết áp thực chất. Ngoài ra, nếu dùng thuốc hạ áp, bạn cũng có thể thấy được hiệu quả của thuốc như thế nào.

Có nên kiểm tra huyết áp khi bạn có các triệu chứng?

Ngoài thời điểm kiểm tra huyết áp hàng ngày (sáng, tối), trên thực tế bạn có thể gặp phải các triệu chứng bất thường. Đây là thời điểm cần kiểm tra huyết áp của bạn xem nó ở mức nào. Nếu các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn cần đi bệnh viện hoặc xin tư vấn bác sĩ điều trị ngay lập tức.

 

Các triệu chứng phổ biến của huyết áp cao bao gồm: Đau đầu; mệt mỏi; có vấn đề về thị lực; tức ngực; khó thở; nhịp tim không đều; có cảm giác về nhịp đập mạnh ở ngực, cổ hoặc tai;...

Mẹo theo dõi huyết áp tại nhà

Dưới đây là một số lưu ý khi tự mình theo dõi huyết áp tại nhà:

Tránh tập luyện khi muốn đo huyết áp, ít nhất 30 phút trước khi tập.

Nên ngồi yên tĩnh ít nhất 5 phút trước khi bắt đầu đo huyết áp. Ngồi trong vị trí và tư thế thoải mái là rất quan trọng. Đừng nói chuyện trong khi đo huyết áp.

Tránh thực phẩm, thuốc lá, rượu và cà phê trước khi đo huyết áp, ít nhất là trước 30 phút, vì tất cả những thứ này đều có thể ảnh hưởng tới huyết áp bình thường.

Đừng quên đi vệ sinh trước, vì bàng quang đầy cũng có thể làm tăng huyết áp.

Cẩn thận không để ống tay áo bó chặt quanh cánh tay vì có thể cho kết quả sai. Tốt nhất nếu là mùa đông, vẫn nên rút tay ra khỏi tay áo để đo cho chính xác.

Định vị cánh tay đo: Đảm bảo đặt tay lên thành ghế, bàn trong khi đo huyết áp. Nâng cánh tay ngang vị trí tim.

Luôn đo huyết áp trên cùng một cánh tay. 

Đo lặp lại vài lượt. Đợi khoảng 3 phút giữa các lượt đo và kiểm tra độ chính xác của lần đo đầu tiên.

BS. Nguyễn Thị Thu Hà
(PS st Theo SK&ĐS)


tin tức liên quan