Vì sao các ca mắc Covid-19 nặng ở Việt Nam đều phục hồi diệu kỳ?

Ngày đăng: 09:40 11/06/2020 Lượt xem: 314

    Vì sao các ca mắc Covid-19 nặng ở Việt Nam đều phục hồi diệu kỳ?

                                                         Nguồn: Báo Điện tử InfoNet

Với 330 người mắc Covid-19 đã được công bố chữa khỏi bệnh, không có ca tử vong, nhiều trường hợp nặng đã hồi phục một cách thần kỳ, bác sĩ tiểu ban điều trị chia sẻ những 'bí mật' đã giúp các ca nặng phục hồi.


 
Bệnh nhân 91 (phi công người Anh) phục hồi kỳ diệu.

Những ca bệnh năng phục hồi kỳ diệu

Thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đến chiều 10/6, nam phi công người Anh- bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.

Sau 1 tuần ngừng ECMO, hiện bệnh nhân tỉnh, trí nhớ vẫn tốt dù hôn mê thời gian dài (nhớ password điện thoại, máy tính bảng), tay có thể thực hiện các động tác tinh tế như bấm bàn phím điện thoại, tuy nhiên chân bệnh nhân còn yếu chưa chống để nâng người được.

Chức năng thận, tim, gan, đông máu đều hồi phục tốt. Đến nay bệnh nhân ngưng lọc máu được 2 tuần. Các bác sĩ đã tiến hành cho bệnh nhân tập cai thở máy ngắt quãng rồi tiến tới ngưng máy thở hoàn toàn .

Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã có tổng số 332 người mắc Covid- 19, không ghi nhận ca tử vong với 320 bệnh nhân đã được công bố chữa khỏi bệnh.

Trong đó nhiều trường hợp nặng đã được chữa khỏi như bệnh nhân số 28 người Anh, bệnh nhân số 50, bệnh nhân 161, bệnh nhân 19…

Nhớ lại giai đoạn cao điểm tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân, đặc biệt là với các bệnh nhân nặng, bác sỹ Đồng Phú Khiêm, Phó khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết: Quá trình điều trị chúng tôi phải xin ý kiến, cân nhắc rất nhiều. Đây là một bệnh hoàn toàn mới nên phải thận trọng. Trong hội đồng điều trị, các thầy không phải ai cũng đồng thuận mà mỗi người quan điểm khác nhau vì vấn đề mới nên cũng căng thẳng, quan điểm trái chiều cũng có.

"Có những thứ rõ ràng về khuyến cáo, hướng dẫn chính thống để điều trị nhưng có những điều còn tranh cãi, thế giới cũng tranh cãi khi có những trường hợp như thế nên có lúc đau đầu lắm”, bác sỹ Khiêm chia sẻ.

Tích cực điều trị với mức cao nhất

Chia sẻ với PV, một thành viên trong Tiểu ban điều trị cho biết, để đạt được kết quả này đầu tiên, phải nhắc đến việc chúng ta kiểm soát được số lượng bệnh nhân rất tốt.

Vị chuyên gia này cũng nhận định, để có được những kết quả đáng tự hào này, chính là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Y tế và nhân viên y tế trong cả nước. Khi xác định đây là bệnh mới nên ngay từ những ngày đầu tiên đã đưa ra chủ trương vừa  thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát số lượng người mắc  vừa  tập trung chữa trị kịp thời ở mức cao nhất, không phân biệt là người Việt Nam hay người nước ngoài. Các ca bệnh nhẹ thì điều trị tại các cơ sở ( bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến quận, huyện...).

Các ca bệnh nặng nhất sẽ tập trung vào 3 bệnh viện gồm: BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BV Trung ương Huế, BV Nhiệt đới Trung ương… để tập trung lực lượng tốt nhất của cả nước (buồng bệnh áp lực âm, trang thiết bị y tế,…).

Bên cạnh đó, việc thành lập  Hội đồng chuyên môn tập hợp trí tuệ của  các chuyên gia ở các lĩnh vực: truyền nhiễm , hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng, dược lâm sàng, xét nghiệm… cũng phát huy hiệu quả cao.

“Hàng trăm người tham gia vào đấy. Các group (nhóm) được tạo ra, ở đó  ngoài các bác sĩ điều dưỡng làm chuyên môn trực tiếp tại các bệnh viện 24/24h còn có các chuyên gia, cố vấn …

Diễn biến bệnh, hướng điều trị của từng bệnh nhân nặng được cập nhật liên tục, từ đó lựa chọn phương án tối ưu nhất. Việc này chỉ có Việt Nam làm được”, vị chuyên gia thông tin .

Trở lại với bệnh nhân 91, vị chuyên gia này “bật mí”, trong quá trình điều trị, nhiều loại thuốc trong nước không có, nhưng Bộ Y tế đã rất khẩn trương chỉ đạo cho phép các bệnh viện nhập khẩu trực tiếp  mang về dùng luôn cho bệnh nhân.

“Bệnh nhân được theo dõi diễn biến và điều trị liên tục, có kết quả này chúng tôi cũng cảm thấy tự hào. Bởi từng có nhiều thời điểm sự sống của bệnh nhân mong manh vô cùng.

Suốt hơn hai tháng trời, trong giới chuyên môn cũng thấy nản.

Nhưng sau khi được điều trị không còn dương tính với Covid-19, bệnh nhân được chuyển sang BV Chợ Rẫy.

Đây là quyết định đúng đắn của tiểu ban điều trị nhằm tập trung mọi lực lượng tiếp tục điều trị, sửa chữa từng chút một, mỗi ngày một chút. Kết quả như bạn thấy đấy, có sự hồi phục thần kỳ”, vị chuyên gia trong Tiểu ban điều trị bệnh nhân Covid-19 nói.

Ngoài ra, ông cũng nói nhờ có chính sách chống dịch rất mạnh mẽ thể hiện ở việc cách ly kịp thời những đối tượng có nguy cơ mắc Covid-19, phòng ngừa nghiêm ngặt, từ cả các đối tượng có nguy cơ chứ không phải chờ bệnh mới cách ly. Nhiều nước châu Âu, Mỹ "vỡ trận" không kiểm soát, cách ly được người mắc Covid-19 từ sớm khiến dịch lan ra cộng đồng, dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Nhân viên y tế không thể chăm sóc cứu chữa đầy đủ cho người bệnh vì thiếu giường bệnh, thiếu nhân lực,  máy móc… 

Kể về quá trình chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, Điều dưỡng Nguyễn Thị Thường, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực-BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, quá trình chăm sóc bệnh nhân nặng, đội ngũ điều dưỡng gặp khó khăn nhất định vì diễn biến phải theo dõi sát sao. Phải đứng liên tục 12 tiếng để làm kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật cao cho bác sỹ như ECMO, lọc máu, đặt máy thở mở nội khí quản có nguy cơ phơi nhiễm cao.

Ví dụ như bệnh nhân nặng người Anh có trọng lượng trên 90kg mà điều dưỡng chỉ 40-45kg, làm thế nào để nâng bệnh nhân lên; làm thế nào để tắm cho bệnh nhân thì phải có kinh nghiệm rất nhiều mới có thể làm được.
tin tức liên quan