Trước đó, sau thất bại 0-3 trên sân Hàng Đẫy của chủ nhà Hà Nội FC ở vòng 3 LS V-League 2020, người ta cũng thấy Tuấn Anh tháo băng đội trưởng rồi bỏ cầm tay ngay khi trọng tài vừa thổi hết giờ.
Sau 6 vòng đấu của LS V-League 2020, HAGL đang tạm xếp thứ 8 với 8 điểm, sau 2 trận thắng (đều trên sân nhà), 2 trận hòa và 2 trận thua. Khoảng cách điểm số giữa HAGL với CLB TPHCM xếp nhất bảng (13 điểm) là 5 điểm, còn khoảng cách với đội nhì bảng SLNA (11 điểm) là 3 điểm, còn 4 đội xếp từ thứ 3 tới thứ 6 là Hà Nội FC, B.Bình Dương, Sài Gòn FC và Than Quảng Ninh cùng được 10 điểm, nghĩa là chỉ hơn HAGL có 2 điểm.
Như vậy, xét về lý thuyết thì HAGL không bị bỏ cách quá xa so với nhóm đầu, và họ vẫn còn cơ hội để cải thiện thứ hạng của mình ở các vòng đấu tiếp theo. Vậy thì tại sao Văn Toàn lại có phản ứng như vậy sau trận thua SHB Đà Nẵng, và trước đó là Tuấn Anh với hành động tương tự sau trận thua Hà Nội FC?
Vấn đề ở đây là việc dù LS V-League 2020 mới trải qua 6 vòng đấu nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy HAGL sẽ lại bước trên con đường mà họ đã đi suốt từ mùa giải 2016 cho tới bây giờ, nghĩa là thi đấu thất thường, luôn yếu bóng vía mỗi lần du đấu sân khách, và mùa nào cũng chật vật chạy đua trụ hạng ở giai đoạn áp chót.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này không hẳn là vì yếu tố con người. Bởi có rất nhiều trường hợp tuy không thành công, hoặc thậm chí là thất bại ở HAGL, nhưng lại tỏa sáng rực rỡ ở nơi khác, như 2 thủ môn ĐTQG là Đặng Văn Lâm, Nguyễn Tuấn Mạnh, rồi tiền đạo Rimario Gordon (Hà Nội FC), hay tiêu biểu nhất là HLV Chung Hae-seong (CLB TPHCM).
Trong khi đó, không ít gương mặt từng khẳng định được tài năng ở sân chơi V-League nhưng khi về với HAGL lại không còn là chính mình, như câu chuyện trung vệ Memovic từng là hòn đá tảng ở hàng phòng ngự SLNA tại V-League 2019, song ở mùa này lại chơi bóng như gã khờ trong màu áo HAGL.
Thế nên, việc HAGL năm nào cũng lận đận trụ hạng không hẳn là do năng lực của lứa cầu thủ Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh có vấn đề, hay trình độ của HLV trưởng không đáp ứng được yêu cầu đội bóng. Có thể nó nằm ở một khía cạnh khác, mà bầu Đức chưa thể hoặc chưa muốn động chạm.
Những cầu thủ thuộc khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh đã có 5 mùa bóng thi đấu ở V-League. Ở tuổi 25, họ cũng không còn được coi là cầu thủ trẻ để ra sân hàng tuần chỉ với mục đích cọ xát, rèn luyện.
Cũng ở tuổi 25 như thế, những đồng đội tại ĐTQG của họ là Đức Huy, Duy Mạnh (Hà Nội FC) đã có tất cả trong tay, còn với Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh thì cảm giác được cùng HAGL tạm thời dẫn đầu bảng xếp hạng V-League họ thậm chí còn chưa được nếm trải, nói gì tới việc đua tranh chức vô địch hay sưu tầm danh hiệu.
Trường hợp Công Phượng đang tỏa sáng rực rỡ ở CLB TPHCM và tràn đầy cơ hội làm được một điều gì đó với đội bóng Sài thành ở mùa bóng năm nay hẳn sẽ khiến những Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh phải suy nghĩ rất nhiều.
Phải chăng sân Pleiku không phải là nơi dụng võ thích hợp cho họ và chỉ tới khi đến với những miền đất mới, được làm việc với những HLV trưởng thực sự nắm lấy toàn quyền về chuyên môn thì các cầu thủ như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh mới có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình?
Phong độ trái ngược của Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh giữa lúc họ làm việc với HLV Park Hang-seo ở ĐTQG với khi trở về CLB HAGL chính là lời đáp cho câu hỏi nói trên. Nếu ai đó còn cảm thấy nghi ngờ, hãy nhìn vào tấm gương của HLV Chung Hae-seong và Công Phượng, những người không làm được gì nhiều trong thời gian ở HAGL song bây giờ đang thể hiện vô cùng ấn tượng tại LS V-League 2020.
Bất cứ ai thường xuyên theo dõi bóng đá Việt Nam cũng nhận ra sự trái ngược này. Hẳn các cầu thủ HAGL như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh lại càng thấy rõ điều đó hơn ai hết, nhưng nói thật là không phải người nào cũng có được cơ hội ra đi như Công Phượng.
Không những thế, có nhiều thông tin cho biết Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh sẽ phải cống hiến cho HAGL ít nhất là tới năm 28 tuổi, và điều đó có nghĩa là tương lai sắp tới của HAGL cũng chẳng có gì khác biệt so với hiện tại và cả 4 năm trước đây.
Đá bóng trong tâm thế như vậy mà vẫn duy trì được đam mê và sự hứng khởi mới là chuyện lạ. Khi ông chủ đội bóng hơn một lần nói rằng HAGL tham dự V-League theo tiêu chí “đá cho vui” hoặc “HAGL rớt hạng cũng chả sao” thì chẳng thể trách Tuấn Anh hay Văn Toàn lại mau chóng cởi bỏ tấm băng đội trưởng nhanh tới như vậy sau mỗi trận thua của HAGL.
Có thể họ làm thế vì bất lực với thực tại của đội bóng, mà cũng có thể họ hành động như vậy để kín đáo bày tỏ sự phản kháng của cá nhân, không ai biết được, song chắc chắn một điều rằng sự nghiệp của những Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh sẽ không thể cất cánh nếu như năm nào họ cũng phải “dành cả thanh xuân để trụ hạng”.
Để một lứa cầu thủ như vậy mai một tài năng trong những mùa giải “đá cho vui” với “HAGL rớt hạng cũng chả sao” như thế là một “tội ác” đấy, thưa bầu Đức!