Ai được lựa chọn thử nghiệm vắc xin Covid-19 của Việt Nam?
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Trong giai đoạn 1, Nanogen sẽ lựa chọn 60 tình nguyện viên khoẻ mạnh. Dự kiến thử nghiệm lâm sàng sẽ hoàn tất vào tháng 4.
Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19, trong đó Nanogen có bước nghiên cứu nhanh nhất, bắt đầu từ ngày 10/12 sẽ tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc công ty Nanogen cho biết, trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, công ty sẽ phối hợp với Học viện Quân y, tuyển chọn 60 tình nguyện viên để tiêm.
Việc tuyển chọn và khám sức khoẻ sẽ kéo dài trong 1 tuần, bắt đầu tiêm từ 17/12. Tiêu chuẩn chọn tình nguyện viên là những người khoẻ mạnh trong độ tuổi từ 18-60, không mắc bệnh truyền nhiễm, không mắc bệnh bệnh nền, không có tình trạng dị ứng.
Trong nhóm này sẽ tiếp tục chia nhỏ thành 3 nhóm để tiêm thử hàm lượng vắc xin khác nhau từ 15 mg đến 100 mg.
Việt Nam là quốc gia thứ 42 thế giới tham gia vào cuộc đua sản xuất vắc xin ngừa Covid-19
Toàn bộ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 sẽ kéo dài trong 1 tháng. Tuy nhiên Bộ Y tế cho phép thực hiện nghiên cứu gối đầu nên ngay khi giai đoạn 1 có hơn 50% dữ liệu sẽ triển khai tiếp thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
“Giai đoạn 2 chúng tôi sẽ thử nghiệm trên quy mô 600 người, trong thời gian 2-3 tháng. Sau đó sẽ thực hiện gối tiếp giai đoạn 3. Nếu mọi việc thuận lợi, đến khoảng tháng 4 sẽ hoàn tất thử nghiệm lâm sàng và từ tháng 5 có thể đưa vào tiêm chủng”, ông Nhân nói.
Cũng theo lãnh đạo Nanogen, công ty có thể sản xuất 30 triệu liều vắc xin Covid-19 mỗi năm với giá thành khoảng 100.000 đồng/liều. Mỗi người sẽ được tiêm 2 mũi, cách nhau nửa tháng.
Hiện tại, ngoài Nanogen, Việt Nam còn có 3 đơn vị sản xuất nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19 gồm: Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac).
2 đơn vị đang theo sát Nanogen là IVAC sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào tháng 2/2021 và Vabiotech sẽ bắt đầu từ tháng 3/2021.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người đòi hỏi tính an toàn rất cao. Do vậy, trước đó các nhà sản xuất đều phải đáp ứng được tất cả những yêu cầu khắt khe về độ an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vắc xin, bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.
Theo quy trình sản xuất vắc xin thông thường sẽ mất 7-12năm, tuy nhiên trong tình huống đại dịch Covid-19, quy trình này được rút ngắn, ngay trong tháng 12 và tháng 1 tới, hàng loạt quốc gia sẽ đưa vắc xin ngừa Covid-19 vào tiêm chủng mở rộng, trong đó có Anh, Nga, Trung Quốc.
Tuy nhiên hiện chưa có quốc gia nào đánh giá được vắc xin sẽ có hiệu lực bảo vệ trong vòng bao lâu.
( C. H sưu tầm)