Dấu hiệu sớm cảnh báo đột quỵ ai cũng cần biết

Ngày đăng: 07:28 13/12/2020 Lượt xem: 283

                Dấu hiệu sớm cảnh báo đột quỵ ai cũng cần biết


                                             Nguồn: Báo Điện tử Sức khỏe & Đời sống

Trên 30% ca đột quỵ đều có dấu hiệu cảnh báo sớm. Do vậy người dân cần phát hiện sớm để có phương án dự phòng.

 

Tại Việt Nam, những năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng tăng từ 1,7% lên 2,5%, tỉ lệ nam giới mắc gấp 4 lần nữ, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm. Trong đó có tới 50% bệnh nhân tử vong, 90% để lại di chứng.

GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, khung giờ vàng cho bệnh nhân đột quỵ là đến viện trước 4,5 giờ, khi đó bác sĩ có thể dùng thuốc tiêu huyết khối, ở khung 6 giờ, bác sĩ vẫn có thể can thiệp cơ học lấy huyết khối.

Tuy nhiên ngay tại các bệnh viện lớn ở Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ đến trước 6 giờ chỉ chiếm khoảng 3,5% (số liệu năm 2018), trong khi tại Mỹ, tỉ lệ này là 12-17%.

 

Dấu hiệu sớm cảnh báo đột quỵ ai cũng cần biết

Nam thanh niên bị đột quỵ được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu

Tại bệnh viện lớn như Bạch Mai, tỉ lệ bệnh nhân đến kịp khung giờ vàng chiếm khoảng 5-7%. Đó là con số vô cùng khiêm tốn.

Đáng lưu ý, trước đây đột quỵ hay gặp ở người ngoài 60 tuổi thì nhiều năm trở lại đây có xu hướng trẻ hoá, 20-30 tuổi đã đột quỵ. Đặc biệt, rất nhiều trong nhóm này không có kiến thức cộng đồng về đột quỵ, nghĩ mình khoẻ không thể mắc bệnh nên chủ quan, chưa có các biện pháp phòng ngừa và xử lý khi bị đột quỵ.

Những người bị cơn thiếu máu não thoáng qua 1 lần có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 9 lần những người chưa bị lần nào.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trên 30% ca đột quỵ có dấu hiệu cảnh báo trước, xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây chính là dấu hiệu chỉ điểm nguy cơ cao gây đột quỵ. Do vậy, bệnh nhân cần được phát hiện sớm, để có kế hoạch điều trị dự phòng tốt.

Cơn thiếu máu não thoáng qua là tình trạng lưu lượng máu lên não ngừng tạm thời, không đủ oxy và dưỡng chất cần thiết cho một số vùng của não.

Cơn thiếu máu não thoáng qua thường xảy ra đột ngột trong khoảng thời gian ngắn, thường từ 2-20 phút sau đó tự hết.

Nguyên nhân do lưu thông của máu trong động mạch bị giảm vì động mạch bị hẹp, bị co thắt hoặc bị tắc nghẽn do một cục máu đông hay một mảng xơ vữa từ động mạch lớn lưu thông đến một mạch máu nhỏ ở não.

 

Dấu hiệu sớm cảnh báo đột quỵ ai cũng cần biết

Các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua tương tự như đột quỵ nhưng diễn ra ngắn, thường vài phút đến dưới 20 phút

Hầu hết các trường hợp vào viện vì cơn thiếu máu não thoáng qua đều do cục máu đông. Cục máu đông có thể do xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim… Cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu tới một phần não bộ, từ đó ảnh hưởng đến các phần cơ thể được kiểm soát bởi vùng não bị tổn thương. Sau khi cục máu tan, các triệu chứng sẽ biến mất.

 

Các triệu chứng khi bị thiếu máu não thoáng qua:

- Mất thị lực đột ngột, mù điểm thoáng qua

- Yếu nửa người, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút

- Rối loạn ngôn ngữ, khó uống, nuốt

- Rối loạn cảm giác nửa người

- Rối loạn phối hợp vận động và thăng bằng

- Chóng, ngất xỉu, đau đầu nhẹ

Trong đó khoảng 50% bệnh nhân có cơn thiếu máu não thường bị yếu nửa người, trên 30% bị giảm cảm giác nửa người, còn lại thường gặp nói khó, mù mắt thoáng quá, chóng mặt.

Song những triệu chứng này có thể sớm trở lại, tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, đặc biệt ở những người trẻ.

Trên các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ có thể phát hiện tổn thương van tim, suy chức năng tim, rung nhĩ, loạn nhịp, rối loạn lipid máu, tổn thương xơ vữa động mạch…

Khi điều trị các bệnh nhân bị thiếu máu não thoáng qua, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu, kiểm soát huyết áp, thuốc hạ lipid máu, điều trị loạn nhịp…

Đặc biệt, những bệnh nhân này cần tuân thủ chế độ dự phòng nghiêm ngặt bằng cách thay đổi lối sống, thường xuyên tập thể dục, tối thiểu 2,5-3 giờ mỗi tuần, ăn giảm muối, tăng kali, ăn nhiều rau quả, hạn chế mỡ động vật, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, giảm cân (nếu béo phì), kiểm soát đường huyết.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan