Biến thế mới của SARS-CoV-2 được phát hiện tại Việt Nam có nguy hiểm?
Biến thế mới của SARS-CoV-2 được phát hiện tại Việt Nam có nguy hiểm?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Việt Nam mới đây phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trên một bệnh nhân từ Anh về. Biến thế này có thể lây lan nhanh hơn tới 70% so với các chủng trước đó.
Sáng 2/1, Bộ Y tế phát đi thông báo Viện Pasteur TP HCM phát hiện một bệnh nhân Covid-19 nhiễm chủng virus SARS-Cov-2 biến thể, là chủng được ghi nhận tại Anh.
Cụ thể, BN1435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 - biến thể VOC 202012/01. Đây là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời chủng gây bệnh cho BN 1435, cũng có đột biến D614G vốn là chủng được cho làm lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp cho biết theo các nhà khoa học trên thế giới, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh có thể lây lan nhanh hơn tới 70% so với các chủng trước đó. Vì thế, có thể khẳng định đây là chủng lây lan nhanh. Nhiều nước trên thế giới cũng đã có những biện pháp mạnh để ngăn chặn sự lây lan của chủng mới này trong cộng đồng.
"Nếu không phát hiện sớm, cách ly kịp thời để lây ra cộng đồng thì sẽ rất nguy hiểm, vì lây lan nhanh. Dù tỷ lệ chết trên mắc không cao nhưng càng nhiều người mắc thì sẽ càng có nhiều người chết. Đặc biệt nếu để lây cho những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền…, lây trong bệnh viện thì tỷ lệ tử vong cao", PGS Phu cho biết.
Dù vậy chuyên gia cũng nhấn mạnh: "Người dân có thể yên tâm vì đây là trường hợp nhập cảnh, đã được phát hiện, cách ly ngay khi nhập cảnh".
Theo PGS Phu vì chủng mới lây lan nhanh nên cần giám sát chặt chẽ người nhập cảnh cả trái phép và hợp pháp. Vấn đề quan trọng là phát hiện, cách ly ngay các ca mắc khi nhập cảnh, không để lây ra cộng đồng. Nếu để chủng mới lây ra cộng đồng, không kiểm soát tốt thì có thể lây cho nhiều người chỉ trong thời gian ngắn.
"Điều đáng lo là hiện nay chính là những người nhập cảnh trái phép. Vì thế, lúc này rất cần sự hợp tác, phối hợp của cộng đồng cùng với cơ quan chức năng để kiểm soát tốt dịch bệnh", PGS Phu chia sẻ.
Việt Nam vẫn đang theo dõi thông tin về biến thể này. Hiện theo các nhà khoa học thì biến thể này không làm tăng tỷ lệ nặng và chưa ảnh hưởng đến vắc xin.
Liên quan đến biến thể này, phát biểu trong một hội nghị mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đây là một biến chủng của virus corona, làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ. Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70% - đây là điều hết sức quan ngại. Đợt địch Covid-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8 Việt Nam cũng đã phát hiện ra đột biến làm tăng lây nhiễm nhưng không như đợt này.
"Đến thời điểm này nhà khoa học vẫn theo dõi chặt chẽ sự biến đổi này và thấy rằng sự biến đổi này chưa làm vô hiệu vắc xin. Ngoài ra, chủng này chỉ tăng khả năng lây truyền mà không làm nặng thêm tình trạng bệnh", Bộ trương Long nhấn mạnh.
BN1435 là nữ, sinh năm 1976, quê quán tỉnh Trà Vinh, về Việt Nam ngày 22/12/2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh. Trước khi về Việt Nam bệnh nhân có sức khỏe ổn định. Sau khi nhập cảnh và cách ly một ngày, bệnh nhân có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và được lấy mẫu chuyển về Viện Pasteur TPHCM làm xét nghiệm khẳng định dương tính ngày 24/12/2020.
Đồng thời bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh với chẩn đoán viêm amydan cấp và các triệu chứng lâm sàng giảm dần từ ngày 24/12 đến 30/12/2020. Ngày 31/12/2020, bệnh nhân có ho nhẹ, không đau họng, không sốt, chưa ghi nhận khó thở, hình ảnh X-quang có tổn thương mờ không đồng nhất hai đáy phổi.
Người chồng - sống cùng nhà với BN1435, hiện ở Anh, đã tự đi xét nghiệm và cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
( C. H sưu tầm)