Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và ‘nhóm lợi ích’
Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và ‘nhóm lợi ích’
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Hành vi vi phạm của nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và ‘nhóm lợi ích’ dẫn đến hậu quả làm tăng chi phí khám chữa bệnh. Người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế.
CQĐT, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố một loạt nhân sự của Bệnh viện Bạch Mai gồm: Nguyễn Quốc Anh (SN 1959, cựu Giám đốc), Nguyễn Ngọc Hiền (SN 1960, cựu Phó Giám đốc), Trịnh Thị Thuận (SN 1974, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán), Lý Thị Ngọc Thủy (SN 1968, Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán).
Cơ quan CSGGT cũng đề nghị truy tố: Phạm Đức Tuấn (SN 1979, cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS), Ngô Thu Huyền (SN 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS), Trần Lê Hoàng (SN 1978, nguyên thẩm định viên Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội- VFS) và Phạm Minh Dung (SN 1973, cựu TGĐ Công ty VFS).
Các bị can trên bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
|
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh |
Theo kết luận điều tra, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cùng Giám đốc Công ty MBS Phạm Đức Tuấn ngay từ khi trao đổi về hệ thống Robot Rosa đã đồng ý xác định giá trị robot 39 tỷ đồng.
Căn cứ ông Tuấn đưa ra giá trị đầu tư Robot Rosa 39 tỷ đồng là do bị can dự kiến giá mua, chi phí đào tạo, tủi ro, lợi nhuận... trong vòng đời của máy và thời gian liên kết (hết 7 năm liên kết, robot là tài sản của Bệnh viện).
Đồng thời, ông Quốc Anh và Tuấn thống nhất để Công ty BMS giới thiệu đơn vị thẩm định giá, hợp thức hóa bằng chứng thư thẩm định ghi nhận giá Robot 39 tỷ đồng đưa vào đề án, hợp đồng liên doanh liên kết.
Thực tế, ông Quốc Anh không hề biết giá trị nhập khẩu của robot, không yêu cầu Tuấn và Công ty BMS xuất trình hóa đơn, hồ sơ nhập khẩu... làm căn cứ xác định giá thực của Robot Rosa.
Khi cung cấp hồ sơ nhập khẩu gồm hợp đồng ngoại, tờ khai hải quan, ông Tuấn cũng chỉ đạo nhân viên Công ty BMS xóa thông tin về giá thiết bị robot.
Sau khi thống nhất hình thức liên doanh, liên kết và giá Robot Rosa 39 tỷ đồng, ông Quốc Anh phân công cho Phó Giám đốc và Phòng tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai dự thảo, hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Về phía Phạm Đức Tuấn, bị can này chỉ đạo Phó Giám đốc Công ty BMS trao đổi thủ tục với Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai và liên hệ, thông đồng với phía VFS hợp thức hóa chứng thư thẩm định giá Robot Rosa 39 tỷ đồng.
Nhóm lợi ích của Bệnh viện Bạch Mai
Kết luận điều tra cho rằng, ông Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm đã thực hiện không đúng các quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, tạo điều kiện cho BMS tham gia liên doanh, liên kết, lắp đặt Robot Rosa với giá trị 39 tỷ đồng không đúng thực tế để thu tiền của người bệnh.
Kết luận điều tra xác định, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai được hưởng 100 triệu đồng và 10.000 USD; bị can Nguyễn Ngọc Hiền hưởng 150 triệu đồng và Trịnh Thị Thuận được hưởng 50 triệu đồng.
Hành vi vi phạm của các bị can dẫn đến hậu quả, thiệt hại làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế (với 639 ca đã phẫu thuật có thu tiền, đã gây thiệt hại tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng) và gây bức xúc dư luận xã hội.
Hành vi của các bị can có sự thỏa thuận, thông đồng, tiếp nhận ý chí của nhau, lợi dụng chủ trương, cơ chế xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế đã làm trái quy định của pháp luật, làm tăng giá dịch vụ, chữa bệnh không có căn cứ pháp lý, gây thiệt hại về tài sản cho người bệnh, nhưng lại làm lợi cho BMS và nhóm lợi ích của Bệnh viện Bạch Mai.
( C. H sưu tầm)