"Câu giờ" khi lật lại vụ kỷ luật Hoa khôi Kim Huệ
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
HLV Kim Huệ và các học trò vẫn chưa đòi lại được danh dự và uy tín sau án phạt có một không hai từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV).
Vụ việc HLV Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Thu Hoài, Nguyễn Thị Ninh Anh, Hoàng Thị Phương Anh của đội Ngân hàng Công thương nhận án kỷ luật cảnh cáo từ VFV vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, sau rất nhiều cuộc làm việc của các bên.
Thậm chí ở cuộc họp gần nhất có sự tham gia của đại diện Bộ VH, TT&DL, lãnh đạo Tổng cục TDTT, lãnh đạo VFV, HLV Kim Huệ cùng 3 học trò, vẫn chưa có kết luận nào được đưa ra.
"Bộ VH, TT&DL đã chỉ đạo Tổng cục TDTT làm rõ, nhưng sau cuộc họp giữa các bên vẫn chưa có kết luận gì. Hiện tôi đang chờ Tổng cục TDTT trả lời bằng văn bản xem thế nào", HLV Kim Huệ cho biết.
|
Án kỷ luật với HLV Kim Huệ và 3 VĐV Nguyễn Thu Hoài, Nguyễn Thị Ninh Anh, Hoàng Thị Phương Anh |
Có thể hiểu vì sao VFV khó xử thế nào nếu rút lại án kỷ luật với HLV Kim Huệ và các VĐV, bởi ngay từ đầu VFV đã thiếu cơ sở, thiếu cả tình và lý khi đưa ra án phạt. Việc xoá án cho HLV Kim Huệ và 3 VĐV CLB Ngân hàng Công thương chẳng khác nào thừa nhận VFV sai, trong đó Chủ tịch VFV Lê Văn Thành đích thân là người ký văn bản kỷ luật.
Trên thực tế, những vụ thoả thuận chuyển nhượng kiểu HLV Kim Huệ và 3 VĐV với đội bóng chuyền Vĩnh Phúc không thiếu ở bóng chuyền Việt Nam. Nó tương tự trường hợp của cựu tuyển thủ Hữu Hà và nhiều VĐV khác từng gây ồn ào.
Thế nhưng, vì sao HLV Kim Huệ và 3 học trò lại nhận án? Dư luận đặt ra câu hỏi, nếu Kim Huệ và 3 học trò "đi đêm" thì đội bóng chuyền Vĩnh Phúc sao lại được VFV bỏ qua?
Điều đáng nói là án kỷ luật do người đứng đầu VFV ký không đúng quy trình. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao Thành tích cao (Tổng cục TDTT), Liên đoàn bao giờ cũng phải có một hội đồng xem xét trước khi ra án kỷ luật. Đằng này VFV mới nghe một chiều, đã ra án phạt ngay.
|
Vụ lùm xùm có nguy cơ chìm xuồng |
Ông Nguyễn Hồng Minh cũng đặt dấu hỏi về quan điểm của Tổng cục TDTT lẫn Bộ VH, TT&DL. Cả hai cơ quan này có thể không yêu cầu VFV rút lại án kỷ luật, nhưng cũng phải có ý kiến để bảo vệ HLV, VĐV, bảo vệ lẽ phải.
Thắc mắc của ông Minh thực ra đã có câu trả lời từ lâu, bởi ai cũng biết Phó Tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn hiện cũng là Phó chủ tịch thường trực VFV.
Vụ việc của HLV Kim Huệ và các học trò bị kỷ luật tốn nhiều giấy mực của báo chí, nhưng đang có nguy cơ dần bị lãng quên. VFV có thể chấp nhận bị mất hình ảnh, uy tín, nhưng lúc này rút lại án phạt là điều rất khó xử đối với tổ chức này.
Dù sao thì sau vụ lùm xùm này, các bên cũng phải rút ra bài học. Ngoài năng lực yếu kém của VFV thì lỗ hổng về Quy chế chuyển nhượng đang kéo tụt sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam sau hơn 10 năm lên chuyên nghiệp.
Nói cách khách, Quy chế chuyển nhượng quá lỗi thời không còn tạo nên được tính quy chuẩn và chuyên nghiệp trong việc thương thảo, ký kết, quản lý hợp đồng. Nếu không có sự chỉnh sửa, bổ sung, sẽ còn rất nhiều vụ giống như của HLV Kim Huệ trong tương lai.
( C. H sưu tầm)