Chúng ta thực hiện 5K đến bao giờ?
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Một người bạn tôi thông báo với giọng vui mừng: “Em vừa tiêm vắc xin, nhẹ cả người anh ạ”.
Tôi hỏi, vì sao lại nhẹ cả người, cậu đang thanh niên trai tráng thế cơ mà. Hơn nữa, cậu có đi đâu thuộc loại 'tuyến đầu' đâu. Bạn tôi giải thích: “Em tin, em sẽ được tự do hơn và không bị điệu đi cách ly”.
Tôi chúc mừng cậu vì thuộc diện 1% dân số được tiêm chủng, nhưng lại băn khoăn, làm sao cậu ấy lại tin là không bị điệu đi cách ly nếu không may trở thành F1, thậm chí F0. Chính sách của Việt Nam là vẫn điệu F1, F0 đi cách ly tập trung và vẫn còn chưa chấp nhận visa vắc xin cơ mà.
Các nước chạy đua quyết liệt mua vắc xin
Điều đó hẳn là có cơ sở khi một số nghiên cứu gần đây tại Mỹ - nước làm chủ công nghệ vắc xin và tiến hành tiêm chủng rộng khắp - cho rằng, thông tin chưa rõ ràng liệu vắc xin có ngăn virus lây nhiễm cho chúng ta hay không vì chúng ta có thể sống mà không có triệu chứng. Họ cảnh báo, ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng, bạn vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
|
Các chiến sĩ thuộc Binh chủng Hóa học tới Bắc Ninh ngày 27/5 để tiêu độc, khử trùng |
Vâng, cảnh báo trên thật gây bối rối và mệt mỏi. Nhưng tôi tin, nhân loại không thể hết hi vọng được.
Lãnh đạo của tất cả các quốc gia đang chạy đua quyết liệt và cạnh tranh gay gắt để mua vắc xin về tiêm cho dân. Đó là cách duy nhất để mở cửa lại nền kinh tế mà không bị bật/tắt thường xuyên làm đổ vỡ sinh kế của dân.
Mỹ đã mở, châu Âu đã và sẽ mở lại hoàn toàn trong tháng 6 tới cho các sự kiện thể thao như trước đại dịch. Báo chí quốc tế cho biết, cứ quốc gia nào vắc xin đủ cho đa số dân là họ mở cửa lại đến đó.
Theo thông tin của Bộ Y tế, cơ quan này đang đàm phán để có khoảng 110 triệu liều vắc xin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm nay, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer-BioNTech.
Đây chính là chiến lược 5K + vắc xin của Chính phủ để chống lại dịch bệnh.
Tuy nhiên, dù không muốn, tôi vẫn rất băn khoăn về việc có được đủ vắc xin trong năm 2021 này như nhiều bạn đồng nghiệp vui mừng thông báo.
Tôi cố gắng tổng hợp một số tin đã công bố để thấy, quá trình này có thể còn mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Thứ nhất là vắc xin từ nguồn COVAX - sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất và các đối tác nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiếp cận vắc xin một cách công bằng, hiệu quả.
Trong cuộc gặp báo chí ngày 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ hiện nguồn cung vắc xin rất khó khăn do nhu cầu toàn thế giới tăng cao, trong đó nguồn từ COVAX luôn thay đổi để ưu tiên những nước đang có dịch lớn.
Cuối tháng 3 vừa rồi, trong một cuộc họp báo về việc EU cung cấp vắc xin theo COVAX cho Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nói: "Dựa trên số lượng ca nhiễm đã được ghi nhận, Việt Nam không phải là quốc gia cần vắc xin khẩn cấp".
"Đáng lẽ đã có thêm 1 lô vắc xin do COVAX cung cấp về Việt Nam, nhưng Campuchia có dịch lớn nên vắc xin lại được ưu tiên cho Campuchia. COVAX được lập ra để đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc xin và nơi nào có dịch sẽ được ưu tiên", ông nói.
Hiện nay, 100 quốc gia tham gia COVAX phải chấp nhận quy tắc ưu tiên phân phối của họ, nơi nào có số ca tử vong vì Covid-19 cao thì được nhận vắc xin trước và ngược lại. Hiện tại, các quốc gia như Ấn Độ, Ghana và một số nước châu Phi đang được ưu tiên. Bên cạnh đó, COVAX ưu tiên tiêm cho nhân viên y tế và người cao niên trước các nhóm khác, nước nào vi phạm thì họ không cung cấp vắc xin hoặc cung cấp nhỏ giọt.
Thứ hai, trả lời báo chí ngày 26/5, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam Nitin Kapoor cho biết AstraZeneca sẽ hoàn tất cung ứng đủ 30 triệu liều vắc xin cho Việt Nam vào đầu năm 2022.
Thứ ba, với nguồn Pfizer, phía Việt Nam đang nỗ lực đàm phán nhưng trên nền tảng khá là khó khăn. Theo kết quả đàm phán tính đến ngày 9/5, Pfizer có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 31 triệu liều vắc xin (15,5 triệu liều cung cấp trong quý 3 và nửa còn lại trong quý 4 năm nay).
|
Mua được vắc xin sẽ còn mất nhiều thời gian, việc triển khai tiêm chủng cũng mất thời gian không kém. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tuy nhiên, nhà cung cấp cũng đưa ra một số điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ (ký Thỏa thuận khung trước, rồi mới ký Thỏa thuận chi tiết theo mẫu được áp dụng với 70 quốc gia khác đã nhập khẩu vắc xin của Pfizer); miễn trừ trách nhiệm (khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc xin hoặc việc sử dụng vắc xin của Pfizer; không giao hàng theo đúng số lượng, thời gian dự kiến trong Thỏa thuận); không có bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm thực hiện hợp đồng; không áp dụng kê khai, kê khai lại giá…
Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam chỉ có 1 đơn vị đủ khả năng thực hiện bảo quản, vận chuyển vắc xin của Pfizer với năng lực 3 triệu liều và chi phí bảo quản, vận chuyển cao.
Sẽ cần nhiều thời gian
Như vậy, mua được vắc xin sẽ còn mất nhiều thời gian, việc triển khai tiêm chủng cũng mất thời gian không kém, chứ không thể ngay và luôn được. Đây là điều cần cảnh báo để người dân và doanh nghiệp biết được để chuẩn bị tình huống cho mình, thay vì hi vọng quá đi.
Những diễn biến dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM… đang báo hiệu nguy cơ rất xấu. Chiến thuật “truy vết, khoanh vùng” liệu có còn hiệu quả bởi các vòng tròn ngày càng lớn, lực lượng truy vết quá mệt mỏi, chỗ nào để cách ly? Lấy đâu ra đủ bác sỹ và nhân viên y tế chăm sóc khi số bệnh nhân nặng tăng lên?
Nói thế để thấy, dù tiếp cận vắc xin có khó như thế nào thì Bộ Y tế phải tìm mọi cách mua vắc xin về để tiêm cho dân, để bảo vệ sức khỏe nhân dân và để mở cửa lại nền kinh tế.
Hôm qua, TP.HCM lại yêu cầu dừng hàng loạt các quán ăn, hớt tóc, gội đầu… gần như cách mà Hà Nội đã làm trước đó để chống dịch.
Trước khi Hà Nội yêu cầu quán cà phê đóng cửa lúc 12h trưa 25/5, tôi chứng kiến một tốp các em phục vụ mặt buồn xo, thẫn thờ trước khi chia tay. Nhiều em nói với tôi, họ không biết đi đâu, về đâu, làm gì tới đây, sau khi suốt từ Tết đến giờ các em mới chỉ đi làm chưa được 1 tháng. Lực lượng lao động này là rất đông trong các thành phố và họ hoàn toàn lọt qua khỏi tấm lưới an sinh.
Chỉ có vắc xin mới là vũ khí “chống giặc” Covid. Chúng ta chống giặc mà không có vũ khí thì chống làm sao! Chỉ có vắc xin mới giúp bảo vệ sức khỏe nhân dân, tránh được tai họa đang sầm sập đến, cả về kinh tế lẫn sức khỏe.
Thiếu vắc xin, chúng ta sẽ thực hiện chiến lược 5K, chúng ta sẽ giãn cách đến bao giờ?
( C. H sưu tầm)