Lee Young-jin - khi người trợ tá điều binh

Ngày đăng: 12:43 15/06/2021 Lượt xem: 225

                    Lee Young-jin - khi người trợ tá điều binh

                                                     Nguồn: Báo Điện tử VnExpress

HLV Park Hang-seo bị cấm chỉ đạo trong trận đấu UAE ở vòng loại World Cup 2022 tối 15/6, nhưng "bộ não" của ông mang tên Lee Young-jin vẫn còn đó.

 
Lee Young-jin cùng cầu thủ Việt Nam khởi động trên sân tập, chuẩn bị cho trận đấu UAE. Ảnh: Lâm Thoả.

*UAE - Việt Nam: 23h45 thứ Ba 15/6, trên VnExpress

Lee Young-jin sinh năm 1963 ở Seoul, và học trường tư thục Kyung Hee nổi danh. Cậu bé bắt đầu chơi bóng từ 5 tuổi và đam mê đó chưa bao giờ rời xa ông. Dù ban đầu gia đình không đồng ý, Lee vẫn thuyết phục họ để được gia nhập một đội bóng địa phương. Nhưng, Lee vẫn phải học hết đại học mới rẽ sang con đường quần đùi áo số.

Cách đây 35 năm, sau khi tốt nghiệp đại học Incheon, cậu đầu quân cho CLB Lucky Goldstar ở K-League. Trong đội, Lee được xếp vào cùng phòng với đàn anh Park Hang-seo - lúc đó là thủ quân. Tình bạn của họ bắt đầu từ đó.

Sự nghiệp của Park và Lee có nhiều giao thoa. Cả hai đều dành gần như trọn sự nghiệp cho Lucky Goldstar - đội bóng ngày nay mang tên FC Seoul. Hai người cùng chơi tiền vệ trung tâm, và đều từng vào đội hình tiêu biểu K-League, với Park là năm 1985 và Lee năm 1991.

Lee gắn bó với Lucky Goldstar 11 mùa, chơi 220 trận ở K-League. Năm 1994, Lee được chọn vào đội hình Hàn Quốc đi Mỹ dự World Cup. Trong ban huấn luyện khi đó lại có Park, với vai trò trợ lý cho HLV Kim Ho. Park đã truyền lại cho Lee nhiều kinh nghiệm để hậu bối chuyển sang nghề cầm sa bàn sau khi giải nghệ.

Sau một năm du đấu ở Nhật Bản, Lee được Seoul gọi về năm 1997 để kiêm nhiệm vai trò cầu thủ - huấn luyện. Nhiệm vụ chủ yếu của Lee là hướng dẫn cầu thủ trong các buổi tập, cho đến năm 2005 ông mới trở thành trợ lý HLV.

Mãi đến năm 2010, Lee mới thoát ra khỏi danh nghĩa trợ tá, để làm HLV trưởng Daegu chơi ở K-League. Vạn sự khởi đầu nan, Daegu xếp chót nhưng không phải xuống hạng. Cũng mùa đó, Lee và Park lần đầu đấu trí trên cương vị HLV, với phần thắng trong cả hai lượt trận đều nghiêng về Jeonnam Dragons của Park.

Thành tích của Lee mùa 2011 khá hơn nhiều, với vị trí 12 trong 16 đội, nhưng ông vẫn bị sa thải. Nỗi buồn đó khiến Lee dành một năm nghỉ ngơi. Ông tranh thủ thời gian đó đi châu Âu để tiếp thu dòng chảy bóng đá đỉnh cao.

Năm 2015, Lee được bổ nhiệm lại ở Daegu, dù chơi ở K-League 2. Khi đã dạn dày kinh nghiệm hơn, ông đặt mục tiêu đưa Daegu thăng hạng. Họ và Sangju Sangmu thay phiên giữ đỉnh bảng suốt mùa. Thầy trò Lee giữ ngôi đầu cho đến hai vòng cuối, lại rơi vào tay Sangju Sangmu. Chung cuộc, hai đội cùng được 67 điểm, cùng hiệu số bàn thắng bại +20, nhưng Sangju Sangmu xếp trên do ghi nhiều bàn hơn và đoạt quyền thăng hạng. Dẫn dắt Sangju Sangmu khi đó... là Park.

Mối quan hệ của Park và Lee đi từ đồng đội, thầy trò, đối thủ đến cộng sự khi cả hai làm việc ở Việt Nam kể từ tháng 10/2017. Khi nhận được lời mời từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức, một trong những điều đầu tiên Park nghĩ tới là đem theo Lee.

Sau khi Park đặt vấn đề, Lee dành vài ngày suy nghĩ. Lúc đó, ông đang rỗi việc khi từ chức ở Daegu một năm trước. Ưu tiên của Lee là dẫn dắt một CLB chuyên nghiệp, nhưng cuối cùng ông vẫn đồng ý với thử thách mới ở một đất nước Đông Nam Á xa lạ với ông: Việt Nam. "Khi đó tôi đã rất mệt mỏi", Lee nói với Naver Sports. "Tôi cảm thấy niềm đam mê bóng đá dần mờ đi, nên tôi nghĩ đi tìm thử thách mới cùng anh Park sẽ có ý nghĩa hơn. Quan trọng là tôi vẫn luôn dõi theo bước chân của Park, từ khi còn là cầu thủ. Tôi thích tính cách của anh ấy".

Sáng sớm 10/10/2017, hai người đàn ông trung niên chuẩn bị hành lý bay tới Hà Nội, để định cư dài hạn. Park khi đó 60 tuổi, còn Lee cũng 54. Trên máy bay, cả hai tâm niệm rằng: "Cứ đến Việt Nam và tỏ lòng chân thành. Nếu chúng ta làm tốt, các HLV Hàn Quốc trẻ khác sẽ có nhiều cơ hội hơn ở nước ngoài. Nên chúng ta hãy làm việc tận lực".

Cá tính của họ dung hoà cho nhau. Park cương trực nhưng nóng nảy, còn Lee mềm mỏng hơn. Mỗi khi Park phản ứng trọng tài, như khi phải nhận thẻ vàng ở trận thắng Malaysia tối 11/6, Lee chạy ra nhanh nhất để cười xuề xoà và can ngăn.

Có hai điểm không thể thiếu ở Lee trong khu kỹ thuật của đội tuyển, đó là nụ cười và chiếc sa bàn trên tay. Park giao cho Lee nhiệm vụ lên các phương án chiến thuật cho từng kịch bản của trận đấu, còn ông quan sát tổng thể để chọn ra phương án tối ưu mà trợ tá đã đưa. Park từng nói với VnExpress rằng: "Lee là bộ não của tôi". Còn trong họp báo trước trận gặp UAE tối 15/6, ông cũng nói: "Trợ lý của tôi đủ năng lực chỉ đạo trận này".

Lee Young-jin - khi người trợ tá điều binh - VnExpress
Chiếc sa bàn có thể là vật bất ly thân của thầy Lee (phải). Ảnh: Lâm Thoả

Ở Hàn Quốc, Lee được biết đến với thứ bóng đã kỹ thuật cường độ cao. Quan điểm của ông phù hợp với thể trạng của cầu thủ Việt Nam. Do thể hình và khả năng va đập hạn chế, Việt Nam cần phải tận dụng kỹ thuật, và chơi ít chạm để không sa đà vào những tình huống tranh chấp tay đôi. Khi còn là cầu thủ, Lee cũng có những điểm mạnh - điểm yếu giống như Quang Hải, Văn Đức hay Công Phượng hiện tại.

Lee xuất thân là tiền vệ tấn công, nhưng chiều cao chỉ 1m69 và dáng người mỏng khiến ông phải dùng kỹ thuật và sự thông minh để khẳng định vị trí ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Về cuối sự nghiệp, Lee ngày càng đá thấp hơn và trở thành một tiền vệ kiến thiết lùi sâu. Ông từng nói trong bài phỏng vấn của FC Seoul rằng: "Tôi luôn coi mình là trợ tá, làm bóng cho các tiền đạo ghi bàn".

Có một điều khiến Lee luôn đau đáu, đó là ông không nói được tiếng Việt đủ để truyền đạt hết kinh nghiệm cho các cầu thủ. Bởi người trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa thường xuyên hỗ trợ thầy Park hơn. Nhưng, Lee luôn cố gắng tận dụng cơ hội để huấn luyện các học trò. Ông nói trên tờ Donga: "Làm việc cùng các cầu thủ rất thú vị. Với tôi thành công là giúp cầu thủ tiến bộ. Tôi chỉ buồn vì không thể truyền đạt nhiều hơn do vấn đề giao tiếp. Nhưng sau mỗi buổi tập hay sau trận đấu, cầu thủ thường đến xin tôi lời khuyên. Tôi hãnh diện vì được tụi nhỏ tin tưởng, nhưng tôi vẫn tiếc vì có thể truyền đạt nhiều hơn".

Dù tính chất công việc thầm lặng của Lee, vai trò của ông vẫn được thừa nhận khi Việt Nam luôn có phương án tiếp cận trận đấu hợp lý trong bối cảnh cụ thể. Thành công ở hầu hết những giải đấu đã qua ở cấp ĐTQG lẫn U23 cho thấy công lao không nhỏ của Lee.

Có một thống kê Lee và Park đã đấu trí nhau ở sáu trận khi họ làm HLV trưởng các CLB ở Hàn Quốc, trong đó Park nhỉnh hơn với ba trận thắng, một hòa và hai thua. Nhưng, ở trận gần nhất, và tỷ số cũng chênh lệch nhất, đội của Lee thắng 5-1.

Từ khi thi đấu đến lúc cầm sa bàn, Lee luôn tự nhận là một người trợ tá đặc biệt. Nay ông sẽ có cơ hội ra quyết định chính cho đội tuyển Việt Nam. Và không ai nghi ngờ điều đó.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan