Bốn kinh nghiệm chống dịch "xương máu" của Bắc Giang
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Sau hơn một tháng vật lộn chống chọi với đại dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã rút ra được những bài học kinh nghiệm "xương máu", đặc biệt là cách phòng chống dịch trong khu công nghiệp.
Dịch tấn công vào các khu công nghiệp
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ: Trong đợt dịch lần thứ 4 này, ca bệnh đầu tiên được Bắc Giang phát hiện vào ngày 7/5, tại xã Phương Sơn của huyện Lục Nam. Đây là ca bệnh được phát hiện tại cộng đồng trong một gia đình, sau đó địa phương đã khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Tuy nhiên, ngày 8/5, tỉnh Bắc Giang ghi nhận ca mắc Covid-19 là bệnh nhân N.T.T. ở Hữu Lũng (Lạng Sơn); là công nhân Công ty TNHH Shin young Việt Nam, tại Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên - Bắc Giang).
Hàng ngày bệnh nhân T. đi xe ô tô đưa đón công nhân đến Công ty TNHH Shin young Việt Nam làm việc.
Theo số liệu của Sở Y tế Bắc Giang, sáng 9/5, tỉnh này đã ghi nhận 6 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 3 ca đều là công nhân của Công ty TNHH Shin young Việt Nam.
Đến tối 11/5, Bắc Giang phát hiện thêm 63 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở các Công ty TNHH Shin young Việt Nam, Công ty TNHH SJ Tech Việt Nam, Công ty TNHH Vina Solar, Công ty TNHH Kum Jang Vina, đều ở Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên).
Dịch không chỉ dừng lại ở Khu công nghiệp Vân Trung, đến tối 13/5, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện những ca bệnh đầu tiên ở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, nằm trong Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên).
Trong các ngày từ 13-15/5, tỉnh Bắc Giang đã quyết định tầm soát Covid-19 trên diện rộng tại 4 khu công nghiệp: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, đều phát hiện ra các ca F0 tại các khu công nghiệp này.
Trước nguy cơ dịch sẽ bùng phát mạnh trong khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã họp bàn và đến ngày 18/5 đã quyết định cho tạm dừng 4 khu công nghiệp nói trên, tương đương 375 doanh nghiệp, với 160.000 công nhân, trong đó có khoảng 60.000 công nhân là người ngoài tỉnh. Đồng thời, Bắc Giang đã quyết định giữ chân số công nhân ngoại tỉnh này ở lại, vì nếu để họ trở về các địa phương thì nguy cơ cả nước bùng dịch là rất cao.
"Quyết định giữ chân 60.000 công nhân ngoại tỉnh ở lại là Bắc Giang chấp nhận rủi ro, chấp nhận vất vả. Nhưng nếu để họ về thì nguy cơ cả nước bùng dịch rất cao, 60.000 công nhân này ở rải rác tại 61/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam", ông Thái chia sẻ.
Những bài học quý báu về chống dịch trong khu công nghiệp
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ, trong những đợt dịch trước đó, tỉnh này cũng ghi nhận các ca bệnh ngoài cộng đồng, tuy nhiên sau đó khoanh vùng, dập dịch rất nhanh.
Ông Thái cho biết, dịch xuất hiện trong cộng đồng chỉ là những "đốm lửa nhỏ", một ca F0 truy vết ra số lượng F1 rất ít, chủ yếu liên quan đến gia đình hoặc hàng xóm. Chính vì vậy việc phong tỏa thường chỉ tiến hành ở diện hẹp, trong phạm vi xóm, thôn hoặc cùng lắm đến cấp xã.
Tuy nhiên, công tác chống dịch trong khu công nghiệp rất khó khăn, vì môi trường làm việc rất đông công nhân, có sự giao lưu rất lớn. Một ca F0 phát hiện trong khu công nghiệp sẽ truy vết ra hàng trăm F1, bởi công nhân thường được bố trí ngồi làm việc cùng nhau trong phân xưởng, cùng sử dụng các không gian chung như nhà ăn, khu vệ sinh và phương tiện giao thông…
Theo ông Thái, quan điểm của Bắc Giang về việc tạm dừng 4 khu công nghiệp nói trên là để kìm hãm dịch. Thời điểm này, ngoài việc đưa các đối tượng thuộc diện đi cách ly tập trung, Bắc Giang đã quyết định phong tỏa toàn bộ các khu nhà trọ của công nhân, để ngăn không cho dịch lây lan sang các địa phương khác. Đồng thời, tỉnh dồn tổng lực, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh bạn đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm nhằm tìm nhanh ra F0, truy vết các F1 và đưa đi cách ly.
Sau một tuần tạm dừng 4 khu công nghiệp, ngày 25/5, tỉnh Bắc Giang đã ban hành hướng dẫn sản xuất "4 an toàn" cho các doanh nghiệp trong điều kiện vẫn còn dịch:
Thứ nhất, công nhân an toàn: Khi công nhân trở lại công ty làm việc phải được xét nghiệm, nếu âm tính với SARS-CoV-2 mới cho làm. Ngoài ra, khoảng 3-4 ngày phải xét nghiệm lại công nhân, có thể chỉ xét nghiệm tầm soát khoảng 30-40% số công nhân.
Thứ hai, sản xuất an toàn: Trong nhà xưởng, nhà ăn, khu vệ sinh phải được bố trí khoa học, có vách ngăn để đảm bảo công tác phòng dịch được tốt. Công nhân phải thực hiện làm việc, ăn uống theo nhóm nhỏ, bởi nếu khi phát hiện ra F0 thì việc tiến hành cách ly dễ dàng hơn vì không liên quan đến tổ nhóm khác, không phải dừng hoạt động của cả nhà máy.
Ngoài ra, doanh nghiệp được hoạt động trong điều kiện địa phương còn dịch phải bố trí nơi ở cho công nhân tách biệt khỏi cộng đồng.
Thứ ba, giao thông an toàn: Các doanh nghiệp bắt buộc phải bố trí xe đón đưa công nhân chuyên biệt, có danh sách và hướng dẫn công nhân đi đúng xe, ngồi đúng số ghế. Tổ chức giao thông như vậy nếu khi phát hiện F0 thì khâu truy vết rất nhanh chóng.
Thứ tư, doanh nghiệp an toàn: Doanh nghiệp phải thành lập tổ phòng chống dịch bệnh Covid-19, với sự tham gia của lực lượng y tế ở Ban Quản lý các khu công nghiệp. Tổ này có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp doanh nghiệp hoạt động an toàn trước dịch bệnh.
"Bốn kinh nghiệm chống dịch này có thể áp dụng trong trường hợp với các địa phương chưa có dịch. Có chăng chỉ bỏ khâu xét nghiệm công nhân, vì họ đã ở trạng thái an toàn rồi. Khi chưa có dịch, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các bước này, họ chần chừ lắm, nhưng hiện nay họ đã tự giác thực hiện vì đã thấm thía thiệt hại rồi", ông Thái chia sẻ.
Đến 19h ngày 16/6/2021, ổ dịch liên quan khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn phát sinh thêm trường hợp F0. Các ca mắc mới vẫn chủ yếu là công nhân, các trường hợp liên quan đến công nhân, được phát hiện chủ yếu tại các khu cách ly tập trung
Tổng số trường hợp F0 là 4.680 trường hợp (tăng 279 trường hợp); F1 là 25.558 trường hợp; F2 là 94.941 trường hợp. Do tỉnh đang tăng tốc xét nghiệm hàng ngày để truy quét F0 nên dự báo trong 2-3 ngày tới, vẫn sẽ tiếp tục phát sinh nhiều ca nhiễm mới trong nhóm công nhân (là F1) ở các khu cách ly tập trung. Khả năng dịch lây nhiễm ra cộng đồng là thấp.
( C. H sưu tầm)