Việt kiều Nguyễn Đức Thái: Việt Nam đã luôn ở thế chủ động để kiểm soát và kiềm chế dịch Covid-19

Ngày đăng: 12:59 28/06/2021 Lượt xem: 337

Việt kiều Nguyễn Đức Thái: Việt Nam đã luôn ở thế chủ động để kiểm soát và kiềm chế dịch Covid-19

                                              Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái - Việt kiều Mỹ - được thế giới khoa học biết đến là người tìm ra gen đầu tiên cho bệnh glaucoma, gây mù lòa cho trên 70 triệu dân số toàn cầu. Ông cũng là người được Chính phủ Hoa Kỳ cấp 10 bằng phát minh cho kết quả nghiên cứu tìm được gen, mà ông đặt tên TIGR (còn gọi là MYOC, GLCA1).



Năm 2011, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái trở về Việt Nam với mong muốn được đóng góp cho cộng động, quê hương Việt Nam bằng những kiến thức y khoa của mình. Thời Đại đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ để hiểu được tâm nguyện của ông với đất nước.

- Thưa ông, xin ông chia sẻ về quyết định trở về Việt Nam?

Đóng góp cho khoa học và về nước là lựa chọn tự nhiên. Nhớ lại thời khắc năm 1994, là năm đầu tiên về thăm lại ngôi trường Đại học Y dược TP.HCM, tôi cảm nhận sự khó khăn và thiếu thốn của trường cho những hoạt động khoa học. Năm đó, tôi mang về công nghệ PCR dùng chuẩn đoán gene của các vi khuẩn bệnh lý và đó có lẽ cũng là lần đầu tiên PCR được triển khai ở trong nước. Hiện nay, công nghệ này đang được dùng rất hữu hiệu để kiểm soát dịch Covid-19. Không chỉ dùng trong nước, Việt Nam còn xuất khẩu ra các nước trong khu vực và cả châu Âu.

Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ những công nghệ tân tiến từ khâu nghiên cứu đến sản xuất. Hiện nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu trong nước đã có thể đóng góp cho nền khoa học thế giới những kết quả giá trị từ cơ bản đến ứng dụng.

Nhìn lại quãng đường 26 năm kể từ ngày đầu tiên trở về Việt Nam, với một đất nước ngày càng rộng mở và trách nhiệm chia sẻ của người làm khoa học, thì trở về hợp tác với Việt Nam là một công việc rất tự nhiên và nhiều ý nghĩa với tôi.

- Cùng các nước trên thế giới nghiên cứu về vaccine, kỹ thuật xét nghiệm... liên quan tới Covid-19, ông đánh giá như thế nào về hoạt động này của các nhà khoa học Việt Nam, y tế Việt Nam?

Như chia sẻ ở trên, Việt Nam đã làm xét nghiệm gen bằng kỹ thuật PCR từ năm 1994, và tới nay kỹ thuật này đã được phát triển rất rộng rãi và nhanh chóng. Bộ kit xét nghiệm Sars-Cov-2 đầu tiên của Học viện Quân y đã được hoàn thành trong 1 tháng và được dùng rất hiệu quả trong toàn quốc trong 3 lần dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam. Lần thứ 4 này, PCR được cải tiến dùng làm gộp mẫu và là kỹ thuật thuật chủ đạo truy tìm các ổ lây nhiễm trên diện rộng. TS.BS Hồ Hữu Thọ gần đây đã phát triển PCR siêu nhậy có thể tầm soát triệu mẫu, thay vì chục hay trăm ngàn mẫu như hiện nay. Chúng tôi đang hợp tác với TS Thọ để mang vào ứng dụng trong thực địa.

Viêt Nam cũng đang có nỗ lực phát triển vaccine thế hệ mới nhiều tiềm năng. Nanovac của công ty Nanogen cho Covid tạo antigen protein đang được thử nghiệm giai đoạn 3. Nếu thành công, Nanovac hoàn toàn có thể thay thế cho Si-novac vì áp dụng công nghệ tân tiến hơn, và có thể thay thế các vaccine của Âu Mỹ. Về khâu kỹ thuật, chúng ta có thể làm được vaccine hiện đại như tái tổ hợp protein của Nanogen, hay dùng vector như Vabiotech Hà Nội. Tuy nhiên, về kỹ thuật và phương tiện sản xuất các loại vaccine thế hệ mới thì Việt Nam sẽ cần đầu tư rất nhiều.

Nhìn rộng hơn lĩnh vực công nghệ sinh học, Việt Nam hiện có nhiều đóng góp giá trị cho các chủ đề quan trọng như thụ tinh nhân tạo của TS Hồ Mạnh Tường, BV Mỹ Đức, TP.HCM, tế bào gốc của Trung tâm Y khoa VinMec Hà Nội, Viện Tế bào gốc Đại học Quốc gia TP. HCM, hệ genome người Việt phơi nhiễm dioxin của GS Nông Văn Hải, Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia Hà Nội và còn nhiều nữa. Về thương mại, Công ty Nanogene TP.HCM là cơ sở sản xuất sản phẩm sinh học chất lượng tương đương với Cuba hay các nước tân tiến. Việt Nam cũng có nhiều cơ sở làm xét nghiệm góp phần quan trọng vào kiểm soát dịch bệnh. Trong 5 năm qua, tôi tổ chức hội thảo thường niên TransMed-Việt Nam qua liên kết các trung tâm khoa học trong nước và nước ngoài nhằm phổ biến thông tin các công nghệ mũi nhọn hiện nay gồm tế bào gốc, miễn dịch trị liệu, hệ gen người, tin sinh học.

Tôi cho rằng, đầu tư cho các ứng dụng của công nghệ sinh học sẽ góp phần quan trọng phát triển y học và y tế đất nước được ngang tầm với các nước tiến bộ trong vùng. Tôi có niềm tin trong các năm tới sẽ có nhiều chuyên gia, sinh viên tốt nghiệp nước ngoài trở về tham gia phát triển khoa học từ những thay đổi và tiến bộ trong nước gần đây. Những năm đầu, công nghệ sinh học khá xa lạ với y tế Việt Nam, nên đã có những khoảng cách giữa các nhà khoa học với cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, trình độ và kinh nghiệm của những chuyên gia nước ngoài và trong nước cũng có nhiều khác biệt. Nhưng trong khoảng 10 năm qua, khoảng cách này đã được thu hẹp với những tiến bộ về kỹ thuật và tổ chức trong nước.
- Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam?

Kể từ ngày trở về Việt Nam năm đầu tiên 1994, chứng kiến sự thay đổi của nền y tế qua từng thập kỷ, tôi đánh giá công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam trong hơn 3 tháng qua là điều tuyệt vời. Chúng ta đã đi trước thế giới để thiết lập các hệ thống phòng vệ hữu hiệu ngăn chặn khả năng lây lan rất nhanh và nguy hiểm của dịch Covid-19. Kết quả là hệ thống y tế Việt Nam đã luôn ở thế chủ động để kiểm soát và kiềm chế dịch bệnh.

Các lãnh đạo Việt Nam đã rất quyết đoán, có kinh nghiệm và chiến lược đáp ứng các thử thách phức tạp của dịch bệnh. Nhưng điều quan trọng nhất là họ có cái tâm rất lớn, đã tập hợp các cơ quan, đội ngũ sẵn sàng hy sinh bảo vệ cho người dân, cho đất nước để không bị rơi vào thảm hoạ của một đại dich như xảy ra ở nhiều nước hiện nay. Bằng tâm huyết và quyết định phù hợp, các nhà lãnh đạo đã làm cho người dân tin tưởng và tuân thủ mọi kế hoạch để cùng chung sức chống dịch. Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cho thế giới biết rằng khi chúng ta quyết tâm thì sẽ tạo ra một sức mạnh vô biên để đạt mục tiêu.

- Ông có kiến nghị gì để Việt Nam nhanh chóng kiểm soát được Covid-19 và phát triển nền y học nước nhà?

Dù nhiều nhu cầu kỹ thuật cơ bản có thể thực hiện với lực lượng khoa học trong nước nhưng tôi cho rằng Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ cho các mảng công nghệ mũi nhọn để Việt Nam theo kịp và đồng hành với khoa học thế giới. Cụ thể, các chuyên gia có thành tựu khoa học và kinh nghiệm ở nước ngoài cần được giao trọng trách phát triển để khoa học Việt Nam đi nhanh hơn.

Kinh nghiệm chỉ có thể có bằng thời gian, chúng ta đi sau nên không nên lãng phí khi giao trọng trách này cho những người chưa có kinh nghiệm. Về phía các chuyên gia nước ngoài, họ cũng cần chủ động phát huy các kiến thức và kinh nghiệm của mình để đóng góp cho các chương trình khoa học trong nước, có rất nhiều nhu cầu và cơ hội.

Tôi cho rằng khoa học ngày nay không đơn thuần là làm việc trong phòng thí nghiệm mà còn nhiều việc quan trọng hơn cho những chuyên gia như tổ chức các chương trình hợp tác, hội thảo về chủ đề mũi nhọn, huấn luyện, tư vấn, đầu tư, hỗ trợ sinh viên cơ hội du học và là nguồn lực tương lai tìm lời giải cho y tế xã hội của Việt Nam. Một điều chúng tôi nhận thấy cần phát huy là tinh thần chia sẻ và trách nhiệm xã hội trong các hoạt động khoa học ở trong nước. Giá trị khoa học cần được chia sẻ rộng rãi qua những hợp tác và kết nối bên trong và bên ngoài. Trách nhiệm của nhà khoa học là chia sẻ với cộng đồng và xã hội và đó cũng là phần thưởng của họ.

- Xin cảm ơn ông!

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan