Đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu gì khi đấu Nhật Bản, Australia?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Tất cả các đối thủ chung bảng B với đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup đều mạnh hơn chúng ta. Chính vì thế, mục tiêu không phải là giành bao nhiêu điểm mà là đá như thế nào trước họ.
Không đặt nặng thành tích
Các đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, sẽ gồm Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman.
Tất cả các đội này đều mạnh hơn đội tuyển Việt Nam, ít nhất là trên lý thuyết. Trong số đó, Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia và Trung Quốc đã có kinh nghiệm dự vòng chung kết (VCK) World Cup, còn Oman tuy chưa, nhưng có thứ hạng trên bảng xếp hạng FIFA cao hơn tuyển Việt Nam (80 so với 92).
Đối đầu với các đối thủ như thế, đòi hỏi đội tuyển Việt Nam giành nhiều điểm và đặt hy vọng tranh vé vào VCK World Cup 2022 là điều gần như không tưởng.
Tuy nhiên, tất cả các đội bóng đến với mọi giải đấu phải có mục tiêu, và mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là xây dựng lối chơi, xây dựng đội ngũ nhân sự phù hợp, cũng như chuẩn bị cho vòng loại World Cup sau đây 4 năm.
Cựu HLV Đoàn Minh Xương chia sẻ: "Thông qua vòng loại thứ ba World Cup 2022, bóng đá Việt Nam, cụ thể là đội tuyển Việt Nam sẽ thấy rằng mình yếu chỗ nào, thiếu những gì so với đại diện của các nền bóng đá hàng đầu châu Á, qua đó cải thiện trong thời gian tới, để hướng đến những cái đích xa hơn".
"Ví dụ như chất lượng cầu thủ, phải mở rộng quy mô đào tạo cầu thủ trẻ thế nào, trang bị cho các cầu thủ những gì để chính đội tuyển Việt Nam có thể hướng đến mục tiêu tranh suất dự VCK World Cup sau đây 4 năm, khi số lượng đội tham dự giải vô địch thế giới được tăng lên trong năm 2026" - ông Xương nói thêm.
Còn cựu HLV Nguyễn Thành Vinh nhận xét: "Trận thua trước UAE ở cuối vòng loại thứ hai chính là bài học kinh nghiệm cho đội tuyển Việt Nam trước vòng loại thứ ba, bởi UAE ở gần trình độ với nhóm đầu châu Á mà chúng ta chuẩn bị đụng độ".
"Kinh nghiệm đó là phải thay đổi lối chơi và bổ sung nhân sự phù hợp hơn. Cả trong lối chơi lẫn trong nhân sự được thay đổi, thì tính tranh chấp, khả năng tranh chấp phải tốt hơn trận đấu với UAE. Rồi các tình huống và các nhân tố có thể gây đột biến cũng cần được tính đến" - vẫn là lời nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm Nguyễn Thành Vinh.
Đá để tạo dấu ấn
Lối chơi phù hợp cũng là điều được mong đợi ở đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Người hâm mộ dĩ nhiên không đòi hỏi đội tuyển phải có thành tích ngay lập tức trước các đối thủ có đẳng cấp châu lục, cũng chưa hề đưa ra bất cứ thang "điểm sàn" nào mà đội bóng trong tay HLV Park Hang Seo cần phải đạt được.
Nhưng ngay cả khi đó cũng không thể để thua quá nhiều và quá đậm được, vì sẽ ảnh hưởng đến tinh thần không chỉ của đội tuyển mà của cả nền bóng đá.
Vì vậy, lối chơi phù hợp là rất quan trọng. Ví dụ khác, đá theo kiểu của Thái Lan tại giai đoạn tương tự ở vòng loại World Cup cách nay hơn 4 năm là sai lầm lớn.
Khi đó, đội bóng đất Chùa Vàng chọn lối chơi đôi công trước những Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, UAE và Iraq là không biết lượng sức mình, để rồi để thủng lưới đến 24 bàn sau 10 trận ở vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á, chỉ giành hai điểm sau hai trận hòa trong khi thua đến 8 trận.
Trình độ của các đội bóng Đông Nam Á, tố chất của các cầu thủ Đông Nam Á chưa cho phép chơi đôi công với các đội có đẳng cấp châu Á, nên đội tuyển Việt Nam cần tránh đi vào vết xe đổ của Thái Lan, chọn lối chơi phù hợp hơn.
Mà lối chơi thì thường liên quan đến nhân sự, nên hy vọng rằng đội bóng của HLV Park Hang Seo có những nhân sự phù hợp, để giúp đội tuyển Việt Nam chơi chắc chắn hơn so với thời điểm chúng ta thua khá nhanh UAE ở cuối giai đoạn vòng loại thứ hai.
Nói như HLV Phan Thanh Hùng: "Chúng ta có thể chờ đợi đội tuyển Việt Nam làm được điều gì đó tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Còn làm đến đâu sẽ tùy thuộc vào sự chuẩn bị và sự thể hiện của chúng ta trước các đối thủ.
Tôi tin rằng mục tiêu tạo dấu ấn của đội tuyển Việt Nam ở sân chơi châu lục không phải là giấc mơ hão huyền!".
( C. H sưu tầm)