PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu,với biến chủng này, chúng ta vẫn phải giữ chiến lược theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc, số trường hợp tử vong (tốt nhất không để xảy ra tử vong). Nếu không giảm được số mắc thì rất khó khăn trong can thiệp y tế, thậm chí đã có nước “vỡ trận” hệ thống y tế do số mắc quá cao, dẫn tới số tử vong cũng rất cao.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược này, vị chuyên gia này cho rằng, phải duy trì chiến lược ngăn chặn – phát hiện (gồm truy vết và xét nghiệm) – cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, trong từng cách làm có thể khác nhau, phù hợp với từng địa bàn. Mức độ lây nhiễm có thể khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, thậm chí khác nhau giữa các huyện trong một tỉnh, các xã trong một huyện, dựa trên đánh giá nguy cơ.
Vấn đề truy vết, chúng ta cũng phải thực hiện nhanh hơn, nếu chậm thì không thể đuổi kịp tốc độ lây lan của biến chủng lần này. Giải pháp truy vết và xét nghiệm cũng cần linh hoạt. Nơi nào có số mắc thấp thì vẫn thực hiện truy vết, nơi nào có số mắc cao như TPHCM thì cần tập trung phát hiện các trường hợp dương tính có triệu chứng, nhất là triệu chứng nặng, để kịp thời điều trị, tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng.
Tiếp đó là thay đổi thực hiện cách ly. Trường hợp ghi nhận nhiều ca F0 như TPHCM thì cũng cần có phương án cách ly tại nhà theo hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, phải phân tầng điều trị một cách khoa học.
“Tôi cho rằng, cách chỉ đạo của Chính phủ và Trung ương hiện nay rất đúng hướng, quyết liệt, phù hợp và linh hoạt. Tuy nhiên, trong triển khai, vẫn còn có nơi có cách làm chưa khoa học như chậm trả kết quả xét nghiệm, không đáp ứng kịp thời trong chống dịch, đặc biệt là truy vết. Vấn đề giãn cách, phong tỏa, có nơi thực hiện chưa nghiêm, có nơi lại làm chặt quá, chưa linh hoạt khi thực hiện, gây ảnh hưởng đến mục tiêu kép”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.
Cũng trong thời gian vừa rồi, Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó, một trong những giải pháp hiệu quả là giải quyết 3 “tại chỗ” trong khu công nghiệp, để ổn định sản xuất…
Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP về mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống COVID-19. Đây là một Nghị quyết mang tính đột phá, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề kịp thời mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.
“Nghị quyết này sẽ giúp các địa phương và tất cả bộ, ngành đều có thể chủ động được việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch COVID-19”, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã rất linh hoạt trong việc chỉ đạo, ưu tiên từng nhiệm vụ, để thực hiện mục tiêu kép. Nơi nào có nguy cơ cao thì tập trung chống dịch, vì chúng ta phải đặt sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết. Còn nơi nào không có nguy cơ hoặc ít nguy cơ thì tập trung phát triển sản xuất, phát triển kinh tế.
|
GS.TS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 – Việt Nam đang đi đúng hướng
Các chuyên gia đều cho rằng, để đẩy lùi dịch bệnh một cách nhanh nhất, chúng ta phải đẩy mạnh tiêm phòng vaccine COVID-19 cho người dân nhanh hơn. Đây cũng là giải pháp căn cơ, vì hiện nay, chỉ có vaccine mới là biện pháp bền vững phòng chống dịch.
“Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang cố gắng hết sức vì sức khỏe của người dân, nhưng với tốc độ lây lan của biến chủng Delta như hiện nay, chúng ta phải đạt được miễn dịch cộng đồng. Các chỉ đạo của Chính phủ gần đây rất kịp thời, và chúng ta phải tiếp tục quyết liệt hơn, đặc biệt đẩy nhanh hơn chiến lược tiêm vaccine”,PGS.TSTrịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết.
GS.TS Nguyễn Hồng Hà cũng nhận định, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất quyết liệt, tích cực để đàm phán có vaccine phòng COVID-19. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục cố gắng để vận động đưa vaccine về Việt Nam càng sớm càng tốt. Khi vaccine về thì cần tổ chức tiêm chủng ngay một cách rộng rãi, quyết liệt, tiêm trong thời gian nhanh nhất, để tăng miễn dịch cộng đồng. Nếu cuối năm nay, hoặc đầu năm sau, chúng ta đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thì rất tốt. Khi đó, dịch sẽ lắng xuống.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động hơn nữa, phải dựa vào tình hình thực tiễn của địa phương, để đưa ra quyết sách phù hợp nhất.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Quỹ vaccine phòng COVID-19 cũng chính là giải pháp quan trọng, huy động được tất cả người dân, doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp. Chỉ có Việt Nam chúng ta mới làm được việc này. Nó thể hiện tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19. Khi đã được tiêm đủ liều vaccine, chúng ta cũng không thể tránh được 100% người đã tiêm không mắc bệnh, nhưng nếu mắc, bệnh sẽ không nặng, không tử vong.
“Tôi đánh giá cao các hoạt động và quyết định của Chính phủ, cùng các bộ, ngành trong thời gian vừa rồi, rất quyết liệt. Đó chính là y tế công cộng. Không phải quốc gia nào cũng làm được như vậy. Toàn dân, mọi tổ chức chính quyền, xã hội đều quyết tâm cùng hệ thống chính trị chống dịch”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
Các chuyên gia đều cho rằng, dịch có thể tiếp tục diễn biến phức tạp vì biến chủng lần này lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi đúng hướng. Với chính sách quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, chúng ta đều có thể hy vọng, dịch sẽ sớm được khống chế, để người dân được trở lại cuộc sống bình thường.
( C. H sưu tầm)
|