'Cửa' nào cho ông Nguyễn Đức Chung được giảm án tù?
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Trường hợp bị cáo kháng cáo và gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, được xem là tình tiết mới để cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Chiều 13/12, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung mức án 8 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
HĐXX buộc cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải bồi thường 25 tỷ đồng, xác nhận gia đình bị cáo đã nộp 10 tỷ đồng. Khấu trừ số tiền gia đình bị cáo tự nguyện khắc phục, ông Nguyễn Đức Chung còn phải nộp 15 tỷ đồng.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Đặng Hoài Vũ, Trưởng Văn Phòng Luật Sư Đặng Hoài Vũ và đồng sự cho hay, việc gia đình cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ động nộp 10 tỷ đồng để khấu trừ trong trường hợp bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xem là tình tiết tại điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017- Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.
|
Luật sư Đặng Hoài Vũ |
Trong bản án tuyên đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung, HĐXX cũng đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, x, v, khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 BLHS để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Cơ sở để bị cáo được giảm án
Trả lời câu hỏi, trường hợp ông Nguyễn Đức Chung kháng cáo và tiếp tục nộp tiền bồi thường thì có được xem là tình tiết giảm nhẹ để xem xét giảm hình phạt?, luật sư Đặng Hoài Vũ trả lời:
Căn cứ vào các quy định pháp luậthiện hành, cụ thể tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định: Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới, HĐXX cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:
Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp; áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nhẹ hơn; giảm hình phạt cho bị cáo; giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.
|
Bị cáo Nguyễn Đức Chung |
Như vậy, có thể thấy, để bị cáo Nguyễn Đức Chung được giảm hình phạt thì một là phải có “căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo”; hai là “có tình tiết mới”.
Xét trong trường hợp này, bản án cấp sơ thẩm tuyên ông Nguyễn Đức Chung phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 356 với khung hình phạt từ 10 - 15 năm tù.
Tuy nhiên, HĐXX đã cân nhắc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, tuyên bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là 8 năm. Vì vậy, có thể đánh giá, cấp sơ thẩm đã tuyên án phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo.
Và để cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án cho cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội thì phải có tình tiết mới, xét trên phương diện nhân thân bị cáo. Cụ thể là xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 51.
Luật sư cho rằng, trước khi xét xử sơ thẩm, gia đình bị cáo đã chủ động nộp tiền bồi thường nên đã được tòa chấp nhận áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, khoản 1 Điều 51 BLHS.
Trường hợp ông Nguyễn Đức Chung kháng cáo và gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, đây được xem là tình tiết mới để cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Ngày 11/12, tại phiên tòa xét xử vụ mua chế phẩm Redoxy-3C, người bào chữa cho cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, gia đình ông Chung đã nộp 10 tỷ đồng cho Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, nhằm bảo lãnh cho trường hợp cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị HĐXX tuyên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án.
Sau khi luật sư của ông Nguyễn Đức Chung công bố việc gia đình bị cáo nộp 10 tỷ đồng, đại diện VKS thay đổi đề nghị đối với cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Đại diện VKS đề nghị lại mức án đối với ông Chung từ 10-12 năm tù thành 8-10 năm tù.
|
( C. H sưu tầm)