Kỳ án hơn 40 năm mới tìm ra hung thủ: Ai thấu nỗi đau?

Ngày đăng: 09:45 09/02/2022 Lượt xem: 271

               Kỳ án hơn 40 năm mới tìm ra hung thủ: Ai thấu nỗi đau?

                                     
                                                            Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Vụ án giết người, cướp của xảy ra 40 năm trước nhưng vẫn chưa thể khép lại. Bởi vậy, nỗi đau của những phận đời vô tình bị kéo vào vụ án trở nên dai dẳng hơn.


 

Ngày 30/7/1980, cái chết của bà Phan Thị Khanh (trú tỉnh Thuận Hải, nay tỉnh Bình Thuận) chấn động dư luận. Người phụ nữ này bị hạ sát bằng hàng chục nhát dao, số vàng mang theo trong người cũng biến mất.

Ông Võ Tê - người hàng xóm của bà Khanh bị tình nghi là kẻ gây ra án mạng này nhằm cướp tài sản, bị khởi tố và bắt giam. 5 tháng sau, người đàn ông này được thả ra do cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Không biết vì lý do gì, người ta "quên" hủy quyết định khởi tố đối với ông Tê khiến người đàn ông này sống trong thân phận bị can. Đến cả khi qua đời trong nghèo khó và cay đắng, ông Võ Tê vẫn không thể cởi bỏ được tiếng xấu là kẻ bị tình nghi giết người.

Kỳ án hơn 40 năm mới tìm ra hung thủ: Ai thấu nỗi đau? - 1

Sau hơn 40 năm, sự thật về cái chết của bà Phan Thị Khanh mới được làm sáng tỏ nhưng hành trình đi tìm công lý cho người mẹ của anh Đỗ Thanh An vẫn chưa thể dừng lại (Ảnh: H.D)

Sau 41 năm, cái chết của bà Phan Thị Khanh mới được làm sáng tỏ . Hung thủ được xác định là Trương Đình Khôi (SN 1956). Sau khi gây án, Khôi nhiều lần đổi họ tên, thay đổi nơi ở nhằm tránh bị phát hiện.

Những tưởng hàng chục năm ròng rã đi tìm sự thật về cái chết của mẹ, nỗi đau của anh Đỗ Thanh An (con trai bà Khanh) sẽ được bù đắp. Thế nhưng, do vụ án đã quá thời hiệu xử lý nên hành vi giết người, cướp của của Trương Đình Khôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vụ án sẽ được khép lại mà công lý không thể thực thi.

Ở bài viết này, chúng tôi không bàn đến những quy định của pháp luật mà chỉ muốn đề cập đến một khía cạnh khác của vụ án. Đó là nỗi đau dai dẳng của những phận đời bị cuốn vào vụ án thảm khốc này.

Cái chết của mẹ khiến đứa bé 6 tuổi Đỗ Thanh An sống trong côi cút. Người đàn ông đã dành cả cuộc đời (anh An không vợ, không con) để đi tìm sự thật và công lý. "Quá trình tố giác của gia đình tôi kéo dài liên tục, thậm chí tôi phải hy sinh gia đình riêng, tìm mọi cách để truy tìm dấu vết của hung thủ", anh An chia sẻ...

Đến nay, sự thật đã rõ ràng, nhưng công lý dường như đã bỏ rơi anh bởi kẻ thủ ác không bị trừng trị.

Là người đại diện hợp pháp cho người bị hại, anh An yêu cầu bồi thường với số tiền 6,5 tỷ đồng và 1,6 cây vàng bị cướp. Nỗi đau mất mẹ và những mất mát khó có thể đong đếm trong 40 năm kiên trì đi tìm sự thật vẫn chưa thể kết thúc - anh An được hướng dẫn khởi kiện vụ án dân sự này ra tòa.

Tức là anh Đỗ Thanh An phải bước vào một cuộc chiến pháp lý mới, cuộc chiến dự báo sẽ gian nan, hao tâm tổn trí, bào mòn sức lực và sự chịu đựng của một người bình thường. Dù rằng, sẽ có nhiều người đứng cạnh anh trong cuộc chiến mới này...

Khi vụ án được làm sáng tỏ, ông Võ Tê mới được trả lại sự trong sạch. Gần 30 năm sau khi qua đời, người đàn ông này mới được đình chỉ điều tra bị can vào ngày 5/1 vừa qua. Dự kiến, sắp tới, Công an tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức buổi xin lỗi công khai để "giải oan" cho ông Tê. Dẫu muộn màng nhưng dù sao, nơi chín suối, ông Tê cũng được an ủi phần nào.

Nhưng nỗi oan khiên và những đau khổ ấy nào phải chỉ mỗi mình ông Tê phải gánh chịu?. Những đứa con của ông phải sống trong sự ghẻ lạnh của người đời, lớn lên trong tủi cực, nghèo khó và thất học...

Khi được xác định là bị oan, ông Võ Tê sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật. Với ông, số tiền ấy chẳng ý nghĩa gì nữa, nhưng với các con ông thì nó vẫn hữu ích, dù rằng không đứa con nào của ông mong nhận khoản tiền đánh đổi cả một đời oan ức, đau đớn của cha.

Việc có phục hồi điều tra hay không cũng như xử lý trách nhiệm của những người liên quan sẽ được cơ quan chức năng cân nhắc, xem xét và đi đến quyết định phù hợp với quy định hiện hành mà không làm mất đi niềm tin của người dân về sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Vụ án diễn ra đã quá lâu nhưng nỗi đau chưa thể khép lại. Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để giải quyết vấn đề hậu án một cách nhân văn nhất, xoa dịu nỗi đau của những người vô tình bị kéo vào, dẫu muộn còn hơn không!.

( C.H sưu tầm)

tin tức liên quan