BOT Hòa Bình nhiều sai phạm

Ngày đăng: 07:49 19/08/2017 Lượt xem: 3.759

Thanh tra Chính phủ “vạch” hàng loạt vấn đề tại trạm BOT Hoà Bình

Chia sẻ
 
 

Dân trí Quyết định đầu tư ghép việc cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 với đầu tư xây dựng mới đường Hoà Lạc - Hoà Bình thành một dự án và đặt trạm thu phí ở cả 2 tuyến là bất hợp lý. Việc thu tăng mức phí đối với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến Quốc lộ 6 để bù đắp vốn đầu tư đoạn tuyến Hoà Bình-Hoà Lạc trong khi không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc.
 

Đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng đường Hoà Lạc- Hoà Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai- Hoà Bình. Dự án BOT này có thời gian thu phí 24 năm 11 tháng.

Theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 thì tuyến Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai- Hoà Bình phải nâng cấp thành đường cấp II, 4 làn xe. Tuy nhiên, việc phê duyệt dự án của Bộ Giao thông vận tải đã quyết định đầu tư nâng cấp đường không đạt tiêu chuẩn quy hoạch.

Cụ thể, đoạn Xuân Mai- Hoà Bình là đường cấp III (đồng bằng và miền núi), 2 làn xe và đoạn Hoà Lạc- Hoà Bình là đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe.

Hơn nữa, quyết định đầu tư ghép việc cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 với đầu tư xây dựng mới đường Hoà Lạc- Hoà Bình thành một dự án và đặt trạm thu phí ở cả 2 tuyến là bất hợp lý. Lý do là khi dự án đi vào khai thác, việc thu tăng mức phí đối với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến Quốc lộ 6 để bù đắp vốn đầu tư đoạn tuyến Hoà Bình-Hoà Lạc trong khi họ không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc xác định giá, phí hàng hoá, dịch vụ và các khoản thu quy định tại Nghị định 108/2009.

Việc phê duyệt tổng mức đầu tư đã áp dụng đơn giá tiền lương, chi phí dự phòng trượt giá, cự ly đổ thải và cấp đá đào nên không đúng quy định, không phù hợp thực tế, dẫn đến sai tăng trên 51 tỷ đồng.

 

Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6 Hòa Bình (Ảnh: Đàm Quang).
Trạm thu phí BOT Quốc lộ 6 Hòa Bình (Ảnh: Đàm Quang).

 

Thanh tra Chính phủ cho biết, dự án thực hiện hình thức chỉ định thầu, nhà thầu được chọn là liên danh Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng), Công ty CP Đầu tư thương mại Hà Nội, Công ty CP Thương mại xây lắp Trường Lộc. Theo hợp đồng, Tổng công ty 36 đứng đầu liên danh phải góp 67,3/374 tỷ đồng mức dự án yêu cầu.

Trong khi đó, báo cáo tài chính của Tổng công ty 36 vào thời điểm cuối năm 2013 cho thấy không còn đủ để góp theo mức hợp đồng. Mặc dù ngày 28/12/2013 Bộ Quốc phòng đã có quyết định bổ sung vốn chủ sở hữu với số tiền trên 66,5 tỷ đồng nhưng Thanh tra Chính phủ khẳng định đây là nguồn vốn Bộ Quốc phòng quyết định để Tổng công ty 36 đầu tư xây dựng trụ sở, không thể huy động để thực hiện dự án BOT.

Kết quả kiểm tra dự toán cho thấy một số nội dung lập duyệt không đúng, chưa hợp lý. Điển hình như áp dụng giá đất đắp của địa bàn Hà Nội cho việc thực hiện trên địa bàn Hoà Bình; dự toán thành phần cấp phối bê tông nhựa không có căn cứ và không phù hợp với thiết kế cấp phối, tính cự ly điều phối đất tận dụng (500m) không hợp lý với phương án thi công; áp dụng định mức thi công bê tông thân rãnh bằng định mức bê tông tường thẳng, bê tông xà mũ rãnh bằng định mức bê tông xà mũ mố, mũ trụ cầu, sản xuất thép rãnh áp định mức xà, dầm…

“Từ đó, giá trị dự toán đã duyệt chênh lệch tăng 33,7 tỷ đồng (đường Hoà Lạc- Hoà Bình 16,4 tỷ đồng và đường Xuân Mai- Hoà Bình trên 17,3 tỷ đồng”- kết luận thanh tra nêu rõ.

Dự án này được phê duyệt đầu tư ngày 16/4/2014, đến ngày 4/11/2014 mới phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, lập dự án. Cơ quan thanh tra phát hiện doanh nghiệp dự án ký hợp đồng với một số đơn vị thực hiện trước những công việc về xây dựng lán trại, tiếp nhận mặt bằng, cọc mốc tim tuyến trước khi có kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt là sai quy định về trình tự thủ tục tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Giảm thu phí trên 11 năm

Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Phước Tượng- Phước Gia được Bộ Giao thông vận tải áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế quản lý và thực hiện các dự án đầu tư trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội- Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH BOV Hưng Phát, Công ty CP Đầu tư thương mại quốc tế Hà Thành, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Thành, tổng mức đầu tư trên 1.740 tỷ đồng, thời gian thu phí 19 năm 2 tháng.

 

Trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân hoàn vốn dự án BOT hầm Phước Tượng - Phú Gia (Ảnh: Báo Giao thông).
Trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân hoàn vốn dự án BOT hầm Phước Tượng - Phú Gia (Ảnh: Báo Giao thông).

 

Thanh tra Chính phủ cho biết, nội dung hợp đồng dự án số 11387/HĐ.BOT ngày 24/10/2013 không đề cập rõ vị trí trạm thu phí và công nghệ thu phí. Quá trình thực hiện dự án, hai bên đã ký phụ lục điều chỉnh một số nội dung hợp đồng, trong đó bổ sung vị trí trạm thu phí ngoài phạm vi dự án (phía bắc Hầm Hải Vân), nhưng không điều chỉnh phương án tài chính của hợp đồng tương ứng nội dung bổ sung về vị trí đặt trạm thu phí ngoài phạm vi dự án.

Thanh tra Chính phủ nhận định, việc Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chuyển trạm thu phí về phía bắc Hầm Hải Vân khi đó không có đường song hành, dẫn đến giá trị doanh thu năm 2016 giữ nguyên không được chiết giảm 60%; điều chỉnh giảm vốn đầu tư theo kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư tăng sai trên 44 tỷ đồng, loại bỏ thuế VAT, điều chỉnh lưu lượng xe qua trạm thu phí.

“Từ những điều chỉnh nêu trên, thời gian khai thác thu phí hoàn vốn của hợp đồng phải điều chỉnh giảm chỉ còn 8 năm 6 ngày, giảm 11 năm 2 tháng 11 ngày”- kết luận nêu rõ.

Kiểm tra dự toán, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số nội dung lập, phê duyệt không đúng chế độ hiện hành với tổng giá trị gần 51 tỷ đồng.

 

Làm chênh lệch tăng so với thiết kế kỹ thuật gần 62 tỷ đồng

Kết luận thanh tra cho biết, dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 đến Km123+105 (hình thức đầu tư BT) được chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư là liên danh Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất Đông Mê Kông, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, Tổng công ty vật liệu xây dựng số 1 - TNHH MTV Bộ Xây dựng, Công ty Việt Ren.

“Qua xem xét thấy nhà đầu tư không có Bản đăng ký thực hiện dự án theo quy định. Nội dung hợp đồng quy định về cơ cấu nguồn vốn chưa đúng các quy định. Hợp đồng không đề cập đến việc thu hồi nguồn hoàn thuế giá trị gia tăng tính theo tổng mức đầu tư trên 287 tỷ đồng (10%)”- kết luận thanh tra nêu rõ.

Doanh nghiệp dự án không lập kế hoạch đấu thầu cho toàn bộ dự án theo quy định của Luật Đấu thầu. Kế hoạch đấu thầu thực hiện dự án do Tổng giám đốc Cửu Long CIPM (nhà đầu tư trong liên danh) phê duyệt là sai thẩm quyền.

Qua kiểm tra dự toán các gói thầu (giá trị hợp đồng) cho thấy, có một số nội dung chưa đúng quy định hiện hành, phương án thi công phê duyệt chưa hợp lý, làm chênh lệch tăng so với thiết kế kỹ thuật gần 62 tỷ đồng.

 

Thế Kha


tin tức liên quan