Đề xuất thứ nhất được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lí giải vì “khó yên tâm về chất lượng” nếu áp dụng đúng lộ trình đối với chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 – 2019. Vấn đề ở đây không chỉ là một đề xuất cần thiết thể hiện sự thận trọng, tiếp thu ý kiến từ người dân; mà còn cho thấy nên học cách tư duy thực thi chính sách: khi đã thấy “gợn” về vấn đề chất lượng thì cần xem xét thêm; không cố chạy theo tiến độ bởi việc bảo đảm chất lượng còn quan trọng hơn.
Hàng năm, Việt Nam có hơn 20 triệu học sinh bước vào năm học mới. Như vậy, một chương trình giáo dục hay sách giáo khoa ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học của hàng chục triệu con em chúng ta và giáo viên. Không nên ý chí hóa chạy theo tiến độ, bởi nếu sách giáo khoa chất lượng kém có thể ảnh hưởng đến sản phẩm giáo dục là hàng chục triệu học sinh, ở cả một quãng đời hàng chục năm sau tương lai.
Đề xuất thứ hai là tạm dừng cách tính lương hưu mới từ ngày 1.1.2018 để lao động nữ bớt thiệt.
Sự thiệt thòi ở đây, những ngày qua, đã được báo chí nhắc đến và dân mạng bàn tán, được định lượng rất rõ, là trường hợp cô giáo về hưu với khoản lương 1,3 triệu đồng, tiệm cận đói khổ hơn là đủ sống, dù mới chỉ tính ở khoản chi phí ăn hàng ngày chứ chưa tính bao thứ chi phí khác của một con người.
Và còn một thứ, không phải là định lượng nhưng là một hình ảnh sống động khi nhắc đến lương hưu mới: Đó là những giọt nước mắt của các cô giáo, của lao động nữ khi nghĩ tới một ngày kia họ về hưu với khoản lương hưu còm cõi. Khi đó, họ tiệm cận với mức sống 1USD/ngày mà chúng ta đã được nghe nhiều ở các quốc gia đói khổ suốt nhiều chục năm qua, hình như nhiều nhất là ở Châu Phi.
Nhưng Việt Nam ta, đang bước vào giai đoạn đầu của quốc gia thu nhập trung bình với GDP/đầu người đã hơn 2.000USD/năm. Nhưng với chính sách lương hưu mới, các cô giáo hay không ít lao động nữ sau hàng chục năm dài phục vụ và cống hiến, trường hợp hưởng lương hưu ở mức 1,3 triệu đồng/tháng, tức mỗi năm được 15,6 triệu đồng, chưa tới 700USD/năm, tức bằng khoảng 1/3 bình quân GDP/người của chính quốc gia mình đang sinh sống hiện nay.
Hai đề xuất hoãn, dừng mang tính hành chính nhưng dù ít hay nhiều đã thấu cảm được nỗi lo của người dân trước các quyết sách ảnh hưởng nhiều và trực tiếp đến họ, một cách thận trọng là để tránh những hệ lụy đối với hàng chục triệu người.