Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận 3 thiếu sót của Thông tư "ghi tên hộ gia đình vào sổ đỏ"
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận 3 thiếu sót của Thông tư "ghi tên hộ gia đình vào sổ đỏ"
Nguồn:Báo Điện tử VnMedia
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận Thông tư 33 quy định việc ghi tên hộ gia đình vào sổ đỏ có 3 "thiếu sót" khiến người dân hiểu khác nhau nên cần có thời gian “nghiên cứu kỹ”, “làm nhuần nhuyễn” và được người dân đồng thuận…
|
Ban hành Thông tư 33 là cần thiết
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối ngày 1/12, Thời gian thực hiện Thông tư 33 về việc ghi tên các thành viên trong hộ gia đình vào sổ đỏ sẽ được lùi lại. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ chiều tối ngày 1/12.
Theo đó, tại cuộc họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi: Vừa qua, thông tư 33 của Bộ TN&MT quy đinh việc ghi tên thành viên lên sổ đỏ nhưng Bộ Tư pháp có ý kiến lùi việc thực hiện hiệu lực của thông tư nay. Quan điểm của Bộ TN&MT thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Thông tư 33 xuất phát từ việc thực hiện Luật Đất đai và Nghị định 01/2017 ngày 6/1/2017 của Thủ tướng cần hướng dẫn một số điều của Nghị định bổ sung này. Bên cạnh đó, Thông tư có trách nhiệm thực hiện Khoản 2 điều 98 của Luật Đất đai, Điều 101 và 212 của Bộ luật Dân sự.
Về cơ sở thực tiễn, ông Trần Hồng Hà cho biết, trên thực tế Bộ luật Dân sự không còn khái niệm hộ, chỉ còn luật Đất đai có khái niệm này.
“Như vậy, chúng ta cần phải thực hiện quy định rõ hơn quyền hạn của từng cá nhân đối với đất đai và tài sản chung” – ông Hà nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong quá trình giao dịch đã phát sinh nhiều khó khăn khi thực hiện việc bảo hộ quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình khi có những rủi ro trong quá trình giao dịch dân sự bởi quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình chưa được xác lập cụ thể. Do đó, Luật Đất đai có nhiệm vụ từng bước đi theo chiều hướng quy định rõ ràng.
“Phát sinh mâu thuẫn về quyền sử dụng của các thành viên trong gia đình khi giao dịch hiện nay nhức nhối, nhiều tranh chấp ở nhiều gia đình. Ngoài ra, nhiều vấn đề nợ xấu tòa án không thể xử lý, phát mại được. Ngay cả tòa án cũng lúng túng, đây là vấn đề hết sức nhức nhối. Tôi đã báo cáo Thủ tướng chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ nghiên cứu các vướng mắc, sớm ban hành thông tư để hướng dẫn cụ thể quy định của luật Đất đai, Bộ luật dân sự cũng như tồn tại của thông tư 23” - Bộ trưởng giãi bày.
Ông Trần Hồng Hà cũng phân bua: “Tôi không nói là cứ đúng quy trình là đúng hết, nhưng chúng tôi đã lấy ý kiến của các bộ ngành có liên quan, các địa phương có liên quan và thực hiện nhiều hội nghị hội thảo để trao đổi. Việc xây dựng Thông tư diễn ra trong vòng 2 năm, Bộ Tư pháp còn nhận xét là quá chậm. Chúng tôi làm rất cẩn thận, lấy ý kiến các Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp, Bộ Xây dựng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và 63 tỉnh thành”.
3 thiếu sót của Thông tư 33
Về đề nghị của Bộ Tư pháp là lùi thời hạn thực hiện Thông tư 33, ông Hà cho biết, ngay chiều 1/12, Bộ TN&MT đã thống nhất với Cục cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp và “chúng tôi vẫn đánh giá đây là văn bản cần thiết và nó thể hiện nhu cầu của thực tiễn, nhưng khi người dân chưa hiểu rõ, chưa đồng thuận thì chưa đạt yêu cầu”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận, Thông tư 33 có 3 thiếu sót, khiến dư luận hiểu không đúng.
Thứ nhất, Thông tư 33 không thay thế thông tư 23 mà chỉ sửa đổi một điều, đó là chủ thể là các hộ gia đình sử dụng chung đất đai.
Thứ hai, Thông thư 33 chưa nêu rõ là đối với trường hợp chuyển tiếp trước khi có thông tư 33 và trước khi có Luật Đất đai 2013 thì hoàn toàn do các hộ gia đình tự nguyện. Các sổ đỏ trước đây hoàn toàn có hiệu lực.
Thứ ba, Thông tư không nêu rõ ràng là trong trường hợp phát sinh các sự kiện pháp lý và hộ gia đình yêu cầu thì các cơ quan nhà nước mới thực hiện việc ghi này.
“Các điều khoản khác trong Thông tư thì dư luận đồng thuận, không có ý kiến gì mà đồng thuận. Chỉ riêng khoản 5 điều 6 thông tư 33, chúng tôi sẽ lùi thời hạn đến khi nghiên cứu kỹ, làm công tác truyền thông để người dân nhận thức được lợi ích mang lại, cũng như đảm bảo cơ sở pháp lý khi phát sinh những sự kiện pháp lý để bảo vệ lợi ích cho người dân. Khi chúng tôi làm nhuần nhuyễn văn bản này để mọi người thống nhất và hiểu như nhau, cũng như tiên liệu các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thì khi đó sẽ ban hành văn bản bao trùm, tích hợp cả Thông tư 23 và Thông tư 33. Lúc đó khoản 5 điều 6 này sẽ có hiệu lực“ - ông Hà thông tin.
“Về ý kiến Bộ Tư pháp, đừng hiểu là chúng tôi ngụy biện, mà về quy định, về tính pháp lý, việc ban hành thông tư 33 là đúng pháp luật và cần thiết với thực tiễn của cuộc sống, nhưng người dân chưa hiểu rõ, chưa đồng thuận thì chưa đạt yêu cầu ” - ông Hà nhấn mạnh lại một lần nữa.