Hang Tám Cô (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)
Chiều 6/12/2017 tại Hà Nội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trao đổi với PV Dân trí về thông tin mới nhất từ việc giám định hài cốt nhằm tìm ra danh tính các liệt sĩ trong vụ Hang Tám Cô.
Trước đó vào tháng 11/1972, máy bay Mỹ đã đánh sập một hang đá ở km16 đường 20 Quyết Thắng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Trong hang có 8 thanh niên xung phong và 5 chiến sĩ pháo binh.
Năm 1996, tỉnh Quảng Bình mới tổ chức khai quật, đưa các hài cốt về an táng tại quê hương huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá). Tuy nhiên sau đó, nhiều thông tin cho rằng cơ quan chức năng đã chưa thực hiện xác định đúng phần mộ của các liệt sĩ trong đợt khai quật năm 1996.
Trên cơ sở đó, ngày 11/8/2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo xử lý làm rõ thông tin các liệt sĩ hy sinh tại Hang Tám Cô (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Ngày 15/8/2017, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp Viện pháp y quân đội, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh Quảng Bình và Thanh Hoá, các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát và lấy mẫu hài cốt các liệt sĩ đang được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Thanh niên xung phong Thọ Lộc, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc và khẩn trương, kết hợp đối chứng giữa mẫu hài cốt và các mẫu của thân nhân các liệt sĩ, Viện Pháp y quân đội đã công bố kết quả ban đầu.
Theo đó, danh tính 3 liệt sĩ đã được xác minh gồm: Liệt sĩ Nguyễn Văn Quận (Sơn Dương, Tuyên Quang), liệt sĩ Sầm Văn Mắc (Cam Đường, Lào Cai), liệt sĩ Trần Thị Tơ (Hoằng Hoá, Thanh Hoá).
Trong đó, liệt sĩ Trần Thị Tơ là 1 trong 8 liệt sĩ trong đội thanh niên xung phong, liệt sĩ Nguyễn Văn Quận và liệt sĩ Sầm Văn Mắc là 2 trong số 5 các chiến sĩ pháo binh.
Trả lời về những công việc cần làm tiếp theo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Trước mắt, Bộ sẽ công bố chính thức kết quả giám định được danh tính 3 liệt sĩ Nguyễn Văn Quận, Sầm Văn Mắc và Trần Thị Tơ. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan chức năng khác sẽ khẩn trương để tiến hành xác minh tiếp danh tính những liệt sĩ còn lại. Đây không chỉ là trách nhiệm của thế hệ sau mà còn là công việc thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam”.
Hoàng Mạnh