Chính sách nổi bật có hiệu lực vào cuối năm 2017
Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin
Cho phép sử dụng tối đa 20% đất trồng lúa để nuôi trồng thủy sản, nguyên tắc sử dụng thuốc thú y trong trong thức ăn chăn nuôi... là những chính sách nổi bật.
Nguyên tắc sử dụng thuốc thú y trong trong thức ăn chăn nuôi
Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hiệu lực từ ngày 25/12/2017.
Theo đó, việc sử dụng thuốc thú y trong thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm những điều kiện sau đây:
- Thuốc thú y được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi phải nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm;
- Phải có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được Cơ quan thẩm quyền cho phép;
- Phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh/hóa chất, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin trên trong hồ sơ sản xuất;
- Việc kê đơn thuốc thú y được thực hiện bởi bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề;
- Thuốc thú y trộn vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến phải đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng của từng loại thức ăn chăn nuôi.
- Chỉ được sử dụng thuốc thú y trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm; thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa thuốc thú y phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi nhật ký quá trình sử dụng.
Cho phép sử dụng tối đa 20% đất trồng lúa để nuôi trồng thủy sản
Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT bổ sung nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản cho Thông tư 19/2016/TT-BNNPTNT như sau:
Được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.
Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 25/12/2017.