Những quyết định quan trọng có hiệu lực từ tháng 4/2018
Nguồn:Báo Điện tử VnMedia
Rút tiền quá 200 triệu tại kho bạc phải đăng ký trước; Chi phí đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ không quá 1 tỷ đồng/phiên; Tàu nước ngoài qua lãnh hải Việt Nam phải đúng luồng tuyến… là những quyết định có hiệu lực từ tháng 4/2018.
Chi phí đấu thầu phát hành trái phiếu chính phủ không quá 1 tỷ đồng/phiên
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BTC quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ (TPCP), trái phiếu được chính phủ bảo lãnh (TPCPBL)và trái phiếu chính quyền địa phương.
Theo thông tư này, chi phí đấu thầu phát hành tín phiếu kho bạc tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trả cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng 0,01% giá trị danh nghĩa tín phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu.
Đối với chi phí đấu thầu phát hành TPCP trả cho SGDCK bằng 0,025% giá trị danh nghĩa TPCP phát hành theo phương thức đấu thầu, nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng/phiên đấu thầu.
Trường hợp chi phí đấu thầu mua lại TPCP trả cho SGDCK bằng 0,0075% giá mua lại TPCP theo phương thức đấu thầu, nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/phiên đấu thầu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2018.
Tàu nước ngoài qua lãnh hải Việt Nam phải đúng luồng tuyến
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2018/NĐ-CP về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/4.
Theo Nghị định, tàu thuyền đi qua lãnh hải Việt Nam nhưng không đi vào nội thủy Việt Nam thực hiện hành trình theo tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam đã được công bố.
Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý hoặc tàu quân sự và các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.
Tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau: 1-Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu; 2- Tránh, trú bão; 3- Thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển; 4- Khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải đối với tàu thuyền; 5- Các trường hợp cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.
Sử dụng ghi âm với mục đích thương mại phải trả tiền
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CPquy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 (Luật sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, Nghị định quy định thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất. Theo đó, việc thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thực hiện theo quy định tại Điều lệ hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và văn bản ủy quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thỏa thuận về mức hoặc tỷ lệ phần trăm, phương thức và thời gian phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất.
Việc thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều tổ chức đại diện tập thể được ủy quyền đại diện cho một quyền, nhóm quyền cụ thể, các tổ chức có thể thỏa thuận để một tổ chức thay mặt đàm phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền theo Điều lệ và văn bản ủy quyền.
Việc thu, phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất từ các tổ chức tương ứng của nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối.
Nghị định có hiệu lực từ 10/4/2018.
Chung cư, khách sạn bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ
Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4/2018 quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.
Nghị định quy định rõ, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.