"Đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên các đại biểu sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cụ thể, trong 24 ngày làm việc (dự kiến bế mạc vào 21/11) Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm; bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, xem xét tình hình kinh tế - xã hội...
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt “tăng cường kỷ luật kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, phục vụ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi".
|
Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước giờ khai mạc kỳ họp. Ảnh: Võ Hải
|
Tăng trưởng năm 2018 ước trên 6,7%
Điểm lại kết quả thời gian qua, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, cả năm dự kiến vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD.
Nhờ kinh tế xã hội phát triển ổn định, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng hơn 240 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015.
GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015. Lãnh đạo Chính phủ nói, nếu tính theo ngang giá sức mua (PPP) thì thu nhập đầu người năm 2018 ước đạt 7.640 USD, với mức tăng bình quân 6% hàng năm, đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 8.580 USD.
"Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới", ông nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, các thị trường lớn như tiền tệ, chứng khoán và bất động sản đều hoạt động ổn định, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Trong ngắn hạn thị trường chứng khoán có diễn biến tăng/giảm nhưng cùng chiều với thị trường thế giới. “Xu hướng này khó có khả năng tiếp tục giảm sâu”, ông nói.
Đề cập cụ thể thị trường bất động sản, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh “chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn”. Riêng các khu vực vùng ven TP HCM, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và các địa bàn dự kiến lập đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong) xuất hiện tình trạng sốt cục bộ đất nền, giá tăng cao bất thường, nhưng đã dần ổn định trở lại và bước đầu được kiểm soát.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ thừa nhận kinh tế - xã hội năm 2018 vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế; sự nổi lên mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tác động ngày càng rõ nét tới các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, những mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, mạng internet, mạng xã hội,... đã làm nảy sinh thêm nhiều khó khăn, thách thức.
“Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế”, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, việc thực hiện thành công mục tiêu kép về tăng trưởng, lạm phát... đã tạo dư địa thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội. Trong 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Quốc hội giao, có 4 chỉ tiêu đạt và 8 vượt kế hoạch.
"Kết quả tích cực đã tạo hiệu ứng lan toả, củng cố niềm tin của người dân, nhà đầu tư", ông nói.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, Chính phủ cần phân tích rõ hơn những thách thức trong phát triển kinh tế để đảm bảo tăng trưởng ổn định, bởi diễn biến tăng trưởng kinh tế 3 quý qua có sự khác biệt. Lạm phát được kiểm soát nhưng áp lực còn tiềm ẩn; dư địa điều hành giá cả không còn nhiều, nên cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá đầy đủ hơn yếu tố này.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đánh giá kỹ hơn về tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, tạm ngừng hoạt động cao.
|
Phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XIV sáng 22/10. Ảnh: Giang Huy
|
Năm 2019 tăng trưởng tối đa 6,8%, lạm phát 4%
Dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2019 tăng 6,6 - 6,8%; lạm phát bình quân khoảng 4%.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ.
"Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Ổn định thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước", ông nói.
Một lần nữa quyết tâm cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng "theo chiều sâu, thực chất hơn”; phát triển mạnh kinh tế tư nhân... được Thủ tướng nhấn mạnh trong bài phát biểu.
Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình công nghiệp trọng điểm nhằm đưa tăng trưởng công nghiệp, xây dựng đạt 8%; nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng trên 3%, xuất khẩu trên 43 tỷ USD.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, kinh tế vẫn lộ diện một số điểm nghẽn, như chất lượng tăng trưởng kinh tế tăng lên nhưng chưa bền vững; hạ tầng giao thông phát triển thiếu cân bằng, tăng chi phí logistic cho doanh nghiệp; nhập siêu khu vực trong nước còn lớn...
Ông Thanh cũng lưu ý về cơ cấu thu - chi ngân sách, dù tăng nhưng chưa bền vững; tình trạng thất thu thuế chưa được cải thiện, trong khi nợ thuế lại tăng so với 2017.
"Mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ là thách thức", ông Thanh nhận xét.
Xử lý nghiêm sai phạm của một số cán bộ cao cấp
Bên cạnh nội dung kinh tế, báo cáo của Thủ tướng cũng đề cập đến nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, ông cho biết thời gian qua, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; ban hành kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm...), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước (kiến nghị thu hồi gần 26.000 tỷ đồng, đã thu hồi trên 14.000 tỷ đồng).
Theo ông, công tác phòng chống tham nhũng được quyết liệt triển khai; nghiêm túc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt.
"Xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có một số cán bộ cao cấp; tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm (như vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ Vũ “Nhôm”, Út “Trọc”...), được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ", lãnh đạo Chính phủ nói.
Vào cuối giờ làm việc chiều nay, các đại biểu sẽ nghe giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước.
Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") là cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, người bị phạt 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 2 năm tù về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức trong phiên toà hồi tháng 7/2018.
Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. Ngày 21/12/2017, ông Vũ bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội "Làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", theo điều 263 Bộ luật Hình sự 1999. Ngày 4/1, ông Vũ bị đưa về Hà Nội sau nhiều ngày trốn lệnh truy nã tại Singapore. Chiều 30/7, TAND Hà Nội sau một ngày xét xử kín, tuyên phạt ông Vũ 9 năm tù.
Hoài Thu - Hoàng Thuỳ