Phát biểu tại cuộc họp liên ngành với các cơ quan chức năng hôm qua (28/10), Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn- Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh: Không phải đến thời điểm này, cơ quan Hải quan và các bộ, ngành mới thực hiện việc chống gian lận xuất xứ mà đã có sự chủ động đấu tranh quyết liệt trong thời gian vừa qua.
Đặc biệt, theo ông Cẩn: “Vụ việc do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền, nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác, bởi do chênh lệch thuế suất. Nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%”.
Chính vì được hưởng lợi thuế cao nên theo ông Cẩn thời gian qua có các doanh nghiệp ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu nhập khẩu hàng tỷ USD mặt hàng nhôm.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời.
Đáng lưu ý, theo ông Cẩn, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh về vụ việc nêu trên. Các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra.
Chia sẻ thêm với phóng viên Dân Trí, ông Cẩn cho biết: “Tổng số nhôm hiện tồn kho hiện có giá trị khoảng 4,3 tỷ USD, trong đó chờ xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và có thêm một vài thị trường khác”.
“Hải quan Mỹ trao đổi với Tổng cục Hải quan, kể cả khi doanh nghiệp dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi”- Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn khẳng định: "Không để Việt Nam thành điểm trung chuyển của hàng hóa gian lận, hiện cơ quan Hải quan đã và đang tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi gian lận xuất xứ".
Ngoài vụ việc hơn 1,8 triệu tấn nhôm, thời gian qua, cơ quan hải quan đã đấu tranh ngăn chặn nhiều vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm từ nước ngoài về Việt Nam để giả mạo xuất xứ.
Ông Cẩn thông tin, hiện có 10 container xe đạp đang được tạm giữ tại hải quan Bình Dương. Qua kiểm tra hồ sơ, thực tế hàng hóa, gần như 100% nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí cả nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về lắp ráp lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Hay Hải quan Hải Phòng cũng đang tạm giữ nhiều container máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài và chỉ qua công đoạn lắp ráp đơn giản để thành hàng Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều lô hàng được sản xuất thành phẩm ở xuất xứ Trung Quốc như quần áo, giày, linh kiện điện thoại… nhưng ghi các nhãn hiệu Việt Nam để tiêu thụ trong nội địa. Các vụ việc này, cơ quan hải quan đã ngăn chặn và hiện hàng hoá đang bị tạm giữ khu vực cảng Hải Phòng, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Nguyễn Tuyền