TRẮNG ĐEN ĐÃ SÁNG TỎ
Những chuyện đã qua ở Thanh Châu, không biết kể đến bao giờ mới hết! Cụ Hà năm nay đã ngoài 80 tuổi, là người đã từng tham gia du kích từ ngày giặc Pháp xâm chiếm quê hương và rồi cụ lên đường nhập ngũ vào Đội quân quyết tử ở chiến điểm Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, cụ Hà được phục viên và về quê sinh sống. Cụ tích cực lao động sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong thời đánh Mỹ, cụ tham gia lực lượng phòng không của xã ngày đêm cảnh giới và chiến đấu với lũ giặc trời tàn ác đánh phá miền Bắc, trong đó có Hà Nam, cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội. Mùa xuân Mậu Thân 1968, cụ tái ngũ, rồi vào Trường Sơn chiến đấu…Sau khi bị thương, cụ phải xa chiến trường trở về quê hương…Năm tháng trôi đi, cụ luôn tự hào với bước đường đời và luôn chú ý nuôi dạy con, cháu, chăm chỉ lao động, học hành và có một con trai kịp nhập ngũ và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thông nhất đất nước…
…
Cầm trên tay chén nước trà đang bốc khói, vừa nhắp, cụ vừa kể: Ở mảnh đất này, cái ngày chưa nhập về Thị xã, có lúc những người chân chính ở đây như bị nhún nhường trước những kẻ hợm hĩnh! Và cũng không biết tại sao họ chẳng phải ông nọ, bà kia, học hành thì vọt vẹt, giang giở, nghề ngỗng thì không có - chỉ có cái thói ngông nghênh, càn quấy…Nhưng lại có tiền - giàu nhanh trông thấy! Cái thuở người dân có được cái xe đạp thì họ đã có xe máy, người dân có xe máy, thì họ có xe hơi, mình ở nhà tranh thì họ có nhà ngói, khi mình ở nhà ngói thì họ có nhà cao tầng…Thật chớ trêu! Nói như vậy, không phải mình ghen tỵ với người giàu - mà là dấu hỏi về sự “giàu có” đó?
…Ngay gần nhà cụ, có một đôi vợ chồng - cũng thuộc vào dạng người thường hay “đi đêm, về hôm” và cũng giàu lên trông thấy? Họ mua đất ở mặt đường 1A, xây nhà trọ cho thuê, rồi xây nhà hàng mở hiệu Café, Karaoke!... Thế là họ trở thành “ông chủ, bà chủ”…Người ở các thôn Bầu Cừu, Bảo Lộc, Hồng Phú…cứ xôn xao? Đúng là thời buổi mở cửa - Ai “khôn” thì sống!...Vậy là nhiều người đua nhau ra mặt đường, nhà hàng, quán cóc mọc nên như nấm, trong buôn bán thì chộp giật, ép khách, chặt chém…Đã gây dư luận xấu với thiên hạ!
…Thế rồi! Khi Nhà nước cho sáp nhập Thanh Châu về Thị xã; Rồi sau khi tỉnh Hà Nam được tái lập và rồi các phong trào được phát động như: “Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc!”; “Toàn dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự!”; “Toàn dân tố giác tội phạm!”v.v và v.v…Thế là bộ mặt thật của những kẻ bao lâu nay ngông nghênh, phè phỡn, cậy mình “giàu” đã lộ diện…Rồi hàng loạt ổ cờ bạc, mại dâm…bị bóc gỡ! Bước đầu đã đem lại niềm tin cho nhân dân. Nhưng cũng còn “những người” vẫn nằm trong sự bí ẩn; nhân dân vẫn đặt dấu hỏi? Họ làm gì mà giàu thế, nhiều kẻ còn giàu nhanh? Và khi có tiền, thì khách cũng “tự hữu tầm!” Trong đó có cả những người là cán bộ, nhân viên cơ quan…Nào là của xã, của thị xã, có cả người cơ quan thuộc tỉnh quản lý…nườm nượp “du ngoạn” ở Thanh Châu! Thật khó hiểu? Cho dù những cơ sở “làm ăn” của họ, đã lùi sâu vào trong làng xóm! Nhưng kiểu cách ăn có điều gì đó rất bí ẩn?...
…Cụ Hà kể tiếp: Tôi và một số cụ, có cả một số anh, chị những người đã từng tham gia chiến đấu chống quân xâm lược, nhiều người trên mình còn mang thương tích, thường tâm sự - chả lẽ chúng ta lại thua tiêu cực, thua tệ nạn? Khi đất nước có chiến tranh, kẻ thù cậy binh hùng, vũ khí tối tân nhưng quân và dân ta đã không cam chịu và đã chiến thắng! Vậy nay ta có Đảng, có chính quyền, có lực lượng vũ trang, có cơ quan, đoàn thể, có nhiều người dân tốt mà lại chịu thua cái lũ giặc cỏ này hay sao? Vậy là cụ mạnh dạn ra tay - vận động, trước hết là các cựu chiến binh, cựu bộ đội Trường Sơn, những đảng viên, những cán bộ hưu trí...vào cuộc. Rồi ngày càng đông hơn, rộng hơn là những người dân tốt! Dân cũng phải phân loại: Ai tốt, ai chưa tốt, ai xấu! Và rồi cụ tình nguyện làm “cơ sở” cho công an xã để thu thập tình hình an ninh trật tự trong thôn xóm nơi cụ sinh sống. Từ đó lan ra các thôn xóm khác mà bạn hữu của cụ ở…Cứ như thế, trong vòng 2-3 năm, cụ có một danh sách khá dài về những kẻ cần lưu ý - vì họ có liên quan đến tình hình trật tự an toàn trong thôn xóm! Cụ tổ chức những người chân chính đi gặp các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền từ cơ sở đến thành phố…
…Đánh hơi việc làm đang có nguy cơ mất “miếng cơm”; “manh áo”, thậm chí là tài sản kếch xù do làm ăn bất chính mà có! Vậy là có kẻ đã nhắn tin: “Ông Hà! Hãy ngừng ngay những việc làm “điên rồ” thời gian qua lại!...Nếu không ông sẽ chuốc tai họa!...”.
…Nhận được tin, cụ Hà đã trao đổi với các “bạn hữu” và vẫn được sự hậu thuẫn, khích lệ: Vậy là rút dây đã động rừng! Kẻ gian ít nhiều đã sợ người ngay. Rõ ràng chính nghĩa không sợ phi nghĩa!
…Thế rồi các cụ đã có những báo cáo bằng văn bản gửi vượt cấp lên công an thành phố, cụ và những “cụ già mẫu mực” càng ngày càng tích cực, quyết liệt hơn. Rồi các cụ đã nhân rộng tới những thanh niên, phụ nữ, có nhiều người tuổi còn trẻ cũng đã tích cực tham gia. Các cụ luôn trao đổi, mạn đàm hàng ngày quanh bàn trà…Rõ ràng Thanh Châu là tiêu điểm của địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, không chỉ là tiêu điểm của thành phố Phủ Lý mà còn là của tỉnh và có thời điểm đã là một trong những tiêu điểm trong cả nước!...Nói gần nói xa, chúng ta phải tự cứu lấy làng xóm của mình, đừng có cái kiểu “Nhà hàng xóm cháy mà nhà mình bình yên!”.
…Cụ Hà kể rằng : Tình hình phức tạp về an ninh trật tự ở Thanh Châu vào thời điểm những năm đầu thế kỷ 21 như đã đến đỉnh điểm, người dân như đã muốn “thay dân”; giống như trong cơ thể máu đã bị ô nhiễm! Cần phải lọc, phải thay máu! Nhưng thay làm sao được dân! Nếu là người có lòng tự trọng nhiều khi ra ngoài không giám nhận mình là người Thanh Châu!
…Trong chuyện trò, cụ Hà phấn khích như đang thuyết trình trước diễn đàn về nâng cao vai trò làm chủ của nhân dân!...Cụ lấy khăn mùi xoa vừa chấm những giọt nước mắt đã trào ra và cũng lau cặp kính như bị hơi nước nhập nhòa!…Vậy là cuộc chiến ở Thanh Châu đã được mở ra, “trắng, đen đã sáng tỏ”. Biết bao kẻ gian ở lẫn với người ngay đã bị vạch mặt! Cụ là người sinh ra, lớn lên, dù có thời điểm vắng mặt ở quê hương đi chiến đấu, còn hầu như gắn bó với quê hương. Cảm giác vui, buồn nhiều khi nó lẫn lộn!…Nhưng vui rồi! Phần còn lại của cuộc đời cụ thấy an vui!
…Chỉ tiếc rằng: Giá như các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở mà sớm liêm chính, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân thì niềm vui đến với nhân dân sẽ sớm hơn nhiều!...Bởi một thời gian khá dài họ đã để một Thanh Châu có truyền thống cách mạng, đã có lúc phải hổ thẹn! Đó là thời gian quê hương bị ô nhiễm tiêu cực! Ô nhiễm tệ nạn, ô nhiễm tội phạm!...Đến nỗi có hàng trăm công dân bị xử lý trước pháp luật! Có gia đình 3-4 thế hệ vào tù, có người lĩnh án tử hình!...Nhìn cảnh làng quê, tổ dân phố có những ngôi nhà nguy nga tráng lệ giờ không bóng người ở. Vì trong nhà có tới 4-5 người vào tù ra tội, vài người lĩnh án cao nhất! Nhà họ đấy nhưng là hang ổ của tội phạm! Có cả vũ khí, kể cả súng đạn…Để chống lại nhà chức trách, chống lại chính quyền, chống lại nhân dân!...Bởi họ đã lầm đường lạc lối! Mà không sớm xám hối để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để làm người lương thiện! Và còn đau đớn hơn nó còn di hại cho cả các thế hệ con, cháu họ sau này. Cái tiếng để đời!…
Nhưng thôi! Muộn, còn hơn không! Hết mưa rồi trời lại trong xanh. Giờ đây, Thanh Châu đã là phố phường đô thị! Nhiều vấn đề đã đổi thay, từ cơ chế, từ hạ tầng cơ sở, từ công ăn việc làm của người dân… cũng đã được đổi thay. Nhân tình thế thái cũng đã đổi thay - niềm vui của ngày hôm nay sẽ khởi thủy cho cuộc sống mai sau…
Cụ Hà tâm sự: Ăn cơm mới, nói chuyện cũ - nhiều lúc cánh già chúng tôi hay nói với nhau: sự đời nó éo le: Giữa chính và tà! Giữa nói và làm! Về chân lý là “thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh!”…Nhưng nhiều khi nghe nó cứ như là lý thuyết! Nhưng điều quan trọng nhất là hãy nhìn vào kết quả, vào sự thật! Sự thật nó chứng minh cho sự nghĩ suy, cho hành động! Khi suy nghĩ đúng, hành động đúng, kiên định, kiên trì, kiên quyết, kiên cường…Sẽ là thước đo cho sự đúng đắn? Chỉ có những việc làm tốt đẹp, hợp với ý Đảng, lòng dân mới là sự gắn kết bền vững! Bây giờ chúng tôi, lớp người tuổi tác, sức khỏe “đã ngả về chiều rồi”! Điều muốn nói là hãy lo cho thế hệ hôm nay và tương lai để làm sao đủ đức, đủ tài để xây dựng quê hương, đất nước phát triển và bình yên! Cũng như cuộc chiến chống cái giặc CoVID-19 bây giờ! Cứ ý Đảng, lòng dân hòa quện vào nhau, cùng hành động - thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng! Và đó sẽ là bài học kinh nghiệm! Bởi trong cuộc chiến dịch CoVID- 19 cho thấy tuy nó đã ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống của nhân dân, của đất nước, nó làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và hậu quả sẽ…dài dài trong đó thiệt nhất là có nhiều người mất việc, thất nghiệp, chưa kể sức khỏe của một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng…Nhưng rất mừng là trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước đã ra tay để có biện pháp hữu hiệu lo cho nhân dân không để Covid- 19 xâm hại, mà còn lo cho đời sống của nhân dân và đã mang lại hiệu quả thật to lớn! Đó là tinh thần chống dịch như chống giặc! Thể hiện sự ưu việt của chế độ, là ý Đảng, lòng dân hòa quện để cùng chăm lo, thương yêu nhau, đồng lòng, quyết tâm vừa chặn Đại dịch vừa lo toan về kinh tế - xã hội, với tinh thần tất cả vì dân…
Nghe cụ Hà hàn huyên, tôi cứ muốn nghe mãi! Bởi cụ đã “gãi đúng chỗ ngứa”. Tôi hẹn cụ một dịp khác sẽ lại đến thăm cụ. Tôi chúc cụ mạnh khỏe, trường thọ! Là chỗ dựa tinh thần cho con, cho cháu, cho những người là công dân được kính trọng của quê hương Thanh Châu, Hà Nam.
Đại tá Nguyễn Trọng Tạo
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI TRƯỜNG SƠN HÀ NAM
HỘI VIÊN HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM