Theo bản báo cáo về hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga mà Tổng thống Vladimir Putin đang nắm giữ, trong năm 2019, Moscow đã xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự với tổng trị giá 15,2 tỷ USD. Ngoài ra, danh mục đặt hàng trong tháng 4-2020 đạt mức hơn 55 tỷ USD và số lượng đối tác lên tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Đây là điều có lợi cho Nga trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp. Vũ khí của Nga đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới nhờ vào tính hiệu quả, độ chính xác cao và sử dụng đơn giản”, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh.
Trước đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Mỹ và Nga là hai nhà xuất khẩu vũ khí chính trong giai đoạn 2014-2019, mặc dù khối lượng bán vũ khí của Nga đã giảm so với giai đoạn 2010-2014 là 18%. Hiện nay, Nga vẫn là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai, sau Mỹ. “Để vươn lên vị trí hàng đầu, các công ty quốc phòng của Nga liên tục bổ sung mẫu mới vào danh mục sản phẩm xuất khẩu cho mục đích quân sự như hệ thống phòng không, tàu sân bay, phương tiện chiến đấu, thiết bị chống máy bay không người lái… Nhờ đó, những năm gần đây, Nga đã củng cố vị thế của mình ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi”, đại diện tập đoàn công nghệ Nga Rostec cho biết.
|
Su-30MKI của Nga được biên chế trong lực lượng không quân Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Đặc biệt, báo cáo trên còn liệt kê tên những khách hàng mua vũ khí của Nga. Cụ thể, trong những năm qua, Nga đã sản xuất 630 máy bay chiến đấu Su-30 cho không quân Nga, cũng như để bán cho quân đội các nước: Algeria, Armenia, Trung Quốc và Ấn Độ. Theo báo cáo, hiện nay, Ấn Độ là một trong những đối tác chính của Moscow trong lĩnh vực kinh doanh vũ khí. Mặc dù việc cung cấp vũ khí Nga cho Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2019 đã giảm 47% so với giai đoạn 2010-2014, song New Delhi vẫn là một trong những khách hàng lớn của Nga. Ngoài việc sở hữu hơn 300 chiếc Su-30, Ấn Độ còn mua thêm 41 máy bay tiêm kích đa năng MiG-29K-KUB của Moscow. New Delhi rất hài lòng với MiG-29K-KUB và hai nước đang đàm phán về việc giao thêm 21 máy bay chiến đấu này.
Bên cạnh đó, Moscow đang đàm phán chuyển giao Su-35 thế hệ 4++ cho Trung Quốc, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. “Điều đáng nói là, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO và là một trong những khách hàng chính mua vũ khí của Mỹ, thực tế đã trở thành đối tác chính của Nga trong năm qua, sau khi Ankara đặt mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph”, báo cáo nhấn mạnh.
Ngoài Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, UAE cũng nổi lên là một đối tác mới của Nga. Đầu những năm 2000, UAE đã mua 1.000 xe bọc thép hạng nhẹ BMP-3 của Nga. Được mệnh danh là “Nữ hoàng bộ binh”, BMP-3 có thể hủy diệt đối phương bằng đạn pháo dẫn đường và có khả năng cơ động linh hoạt cũng như hỏa lực mạnh. Mới đây, tại Triển lãm vũ khí IDEX 2019, Abu Dhabi ký hợp đồng với Nga để hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Chi tiết của thỏa thuận này chưa được công khai. Hiện Moscow đang thuyết phục Abu Dhabi ký hợp đồng mua Hệ thống vũ khí pháo tự động AU-220M. AU-220M là một module điều khiển từ xa gắn nòng pháo chính cỡ 57mm và một khẩu súng máy nòng 7,62mm cùng đầy đủ thiết bị cảm biến, giữ thăng bằng. AU-220M có tốc độ bắn 80 quả đạn/phút, tầm bắn hiệu quả là 14,5km. Nếu sử dụng pháo dẫn đường, "cỗ máy sát thủ" này có thể tiêu diệt cả thiết bị bay không người lái ở tầm thấp cũng như máy bay cỡ nhỏ.
Ngoài ra, Moscow còn ký hợp đồng với Iraq về việc chuyển giao nhiều hệ thống tên lửa nhiệt áp TOS-1A hạng nặng (còn được gọi là Buratino), máy bay trực thăng Mi-28N và Mi-35, hệ thống phòng không tầm ngắn-trung Pantsir-S1 và xe tăng T-90 với tổng trị giá 1,7 tỷ USD.
Với danh mục đặt hàng trong tháng 4-2020 trị giá 55 tỷ USD, Nga hy vọng tiếp tục gặt hái thành công trên thị trường xuất khẩu vũ khí trong năm 2020.
BÌNH NGUYÊN