Những điểm “mờ” vụ án Hồ Duy Hải được Hội đồng thẩm phán lập luận thế nào?

Ngày đăng: 09:46 09/05/2020 Lượt xem: 536


Những điểm “mờ” vụ án Hồ Duy Hải được Hội đồng thẩm phán lập luận thế nào?

                                                      Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án là không có căn cứ, nhưng bản án của phiên Giám đốc thẩm công bố lại chứng minh là có căn cứ...

 

Chiều 8/5, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ để công bố bản án. Nội dung bản án đã đề cập gần 20 vấn đề trong quyết định kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC).

Những điểm “mờ” vụ án Hồ Duy Hải được Hội đồng thẩm phán lập luận thế nào? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Quang cảnh phiên tòa giám đốc thẩm chiều 8/5.

Cơ sở nào về việc Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án?

Nội dung quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, bản án kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường thời điểm gây án là không có căn cứ, chưa có chứng cứ nào khẳng định Hải có mặt tại hiện trường.

Theo bản án Giám đốc thẩm, lời khai của nhân chứng Thu cho biết, Hải để tóc 2 mái ngắn gọn, đuôi dài nhưng không dài lắm, trong khi bà Rưởi khai, Hải để tóc 2 mái. Lời khai của Hải cũng phù hợp với lời khai của các nhân chứng.

Theo lời khai của anh Thường, tối ngày 13/1/2008, khi đi xe đến Bưu điện Cầu Voi, anh này có nhìn thấy một thanh niên mặc áo ngắn tay màu xám đen hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ.

Còn Hồ Duy Hải khai nhận, thời điểm đó mặc áo xanh lá cây, trước ngực có mấy chỗ màu trắng. Theo bản tự khai của bị cáo, sau khi gây án, Hải đã đem quần áo ra đốt ở sau nhà. Cơ quan điều tra đã khám xét và thu giữ tàn tro.

Khi cơ quan điều tra cho Hải nhận dạng, Hải xác nhận đó là mẫu vật trang phục của mình. Như vậy lời khai của Hải phù hợp với lời khai của người làm chứng.

Nội dung bản án cho biết, tối 13/1/2008, Hải khai nhận tự đưa tiền cho nạn nhân Vân đi mua trái cây về ăn, không rõ đưa số tiền là bao nhiêu. Còn theo lời khai của chị Ngân, tối 13/1/2008 chị đã bán trái cây cho nạn nhân Vân. "Cô gái nói với tôi là “Có người đưa tiền cho em, kêu em mua nên em mua nhiều”, sau đó cô gái có nói với tôi là “có khách”", lời khai của nhân chứng Ngân.

"Kết quả khám nghiệm hiện trường có 2 đĩa trái cây phù hợp với lời khai của Hải và chị Ngân", nội dung bản án nêu.

Bên cạnh đó, trong lời khai, Hải miêu tả về đồ vật có trong Bưu điện Cầu Voi một cách chi tiết, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án về vị trí, đặc điểm các đồ vật trong phòng.

"Chỉ có những người có mặt ở hiện trường, tiếp cận trực tiếp mới có thể miêu tả cụ thể, chính xác như vậy", bản án đánh giá.

Từ những phân tích trên, Hội đồng thẩm phán phiên Giám đốc thẩm cho rằng, đủ cơ sở khẳng định Hải có mặt tại hiện trường vụ án. Do đó, kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng không có nhân chứng và chứng cứ nào khẳng định kết luận Hải có mặt ở hiện trường là không đúng!

Những điểm “mờ” vụ án Hồ Duy Hải được Hội đồng thẩm phán lập luận thế nào? - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đọc bản án.

Nội dung kháng nghị cho rằng, Hải khai lần đầu đến Bưu điện Cầu Voi, nhưng lại mô tả được chi tiết các đồ vật có mặt trong phòng?

Bản án khẳng định, với thời gian Hải có mặt tại hiện trường từ khoảng 19h30 phút đến 21h30 không phải thời gian ngắn, Bưu điện Cầu Voi có diện tích nhỏ nên việc có thể mô tả được chi tiết đồ vật có trong phòng là không mâu thuẫn, không nhất thiết phải điều tra lại.

Tiếp đến, kháng nghị của VKSNDTC nêu, bản án kết luận Hải có mặt tại hiện trường vào khoảng 19h30 tối 13/1/2008 là không có căn cứ và không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19h39’22”.

Theo lời khai của nhân chứng Bình, khi người này đến bưu điện gửi xe lúc đó đã hơn 19h, thấy một thanh niên ngồi trên ghế salon nói chuyện với chị Hồng (nạn nhân). Sau 19h30, anh Bình quay lại lấy xe vẫn thấy người thanh niên đó ngồi nói chuyện với chị Hồng. Nhân chứng Thường khai đã đến bưu điện gọi điện về Cà Mau lúc 19h39’22’’ thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện.

Lúc 19h13’39” Hải nhận điện thoại của anh Đang, Hải khai nói chuyện với anh này khoảng 30 giây. Thời gian làm thủ tục ở hiệu cầm đồ do Hải khai khoảng 5 phút. Từ hiệu cầm đồ qua các cung đường do Hải miêu tả, căn cứ vào biên bản kiểm tra thời gian thì có căn cứ xác định Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi 19h39’6”. Điều này phù hợp với lời khai của Hải là đã đến Bưu điện Cầu Voi vào hơn 19h30, và phù hợp với lời khai của các nhân chứng như anh Bình, anh Thường.

Vì vậy, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện Cầu Voi vào khoảng 19h30 là có cơ sở.

Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, Hồ Duy Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi vào 19h39’22” là không có căn cứ.

Đêm 13/1/2008, Bưu điện Cầu Voi có mất nước?

Những điểm “mờ” vụ án Hồ Duy Hải được Hội đồng thẩm phán lập luận thế nào? - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bưu điện Cầu Voi nơi xảy ra vụ án.

Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC nêu, có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của Hải về hành vi tấn công nạn nhân, cụ thể: Hải khai đập đầu nạn nhân Hồng vào lavabo (chậu rửa mặt), sau đó dùng dao cắt cổ nạn nhân; có lời khai Hải miêu tả dùng thớt đập vào đầu nạn nhân Hồng, sau đó dùng dao cắt cổ nạn nhân. Tuy nhiên, mâu thuẫn này chưa được làm rõ, bởi không thu được dấu vết hiện trường ở lavabo, không thu được vật chứng là chiếc thớt.

Bản án cho biết, các lời khai sau, Hải đuổi theo xô chị Hồng ngã ngửa tại khu vực cầu thang, dùng tay đánh vào mặt chị Hồng, lấy thớt dùng 2 tay đập lên vùng mặt, đầu của Hồng 2 cái và lấy dao cắt cổ Hồng. Do đó, không có dấu vết trên lavabo.

Tại các lời khai tiếp theo, Hải nói khi Vân (nạn nhân) quay về đã dùng ghế đập vào đầu chị Vân và dùng dao cắt cổ chị Vân.

Lời khai của Hải phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, tại bản ảnh hiện trường có chiếc thớt để cạnh đầu chị Hồng…

Cơ quan điều tra chưa thể biết hung khí là thớt, ghế, dao cho đến khi bắt được Hải và việc này phù hợp với những nhân viên bưu điện đã thu dọn hiện trường, phát hiện dao thớt được cất giấu rồi đem đốt… Cảnh sát đã mua dao, thớt về cho các nhân viên này nhận dạng, kết quả phù hợp với lời khai, bản tự vẽ hung khí của Hải. Dao, thớt được mua về không phải là vật chứng như kháng nghị của Viện KSND Tối cao.

Như vậy, mặc dù Hải có một số lời khai mâu thuẫn, nhưng những mâu thuẫn này đã được cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nên không cần thiết phải hủy bản án để điều tra lại.

Nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC tiếp tục nêu có sự mâu thuẫn lớn đối với kết quả khám nghiệm hiện trường với lời khai nhận tội của bị cáo, như: Đêm 13/1/2008, Bưu điện Cầu Voi có mất nước hay không? Hải có nhiều lời khai đập đầu chị Hồng vào lavabo, nhưng kết quả khám nghiệm hiện trường không thể hiện dấu vết ở lavabo.

Theo lời khai của nhân chứng Hiếu: Khoảng 9h30 ngày 13/1/2008, chị Hiếu ra Bưu điện Cầu Voi nấu cơm cho Vân, Hồng ăn. Khi mọi người ăn xong, chị Hiếu mang chén, đũa, xoong nấu canh ra nhà vệ sinh rửa sạch và cho vào cái thau để cạnh cầu thang. Theo lời khai của chị Tuyền, trong nhà vệ sinh tại bưu điện có nước sinh hoạt.

Lời khai của nhân chứng Hiếu, Tuyền phù hợp với lời khai của Hải, khi gây án xong, Hải vào nhà vệ sinh rửa tay, gột áo cho sạch máu. Căn cứ biên bản khám nghiệm hiện trường, nền nhà vệ sinh có vết máu.

Về việc Hải trèo tường sau khi gây án nhưng không để lại vết máu, bản án cho rằng Hải đã vào nhà vệ sinh rửa sạch các vết máu. Như vậy, việc không có dấu vết máu trên tường là phù hợp với lời khai của Hải

Như vậy, có cơ sở kết luận, tối 13/1/2008, Bưu điện Cầu Voi không mất nước!

Cơ sở kháng nghị trái với nguyên tắc chứng minh tội phạm!

Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC nhận định, có lời khai của Hải đập đầu chị Hồng vào lavabo, nhưng khám nghiệm hiện trường không thu được dấu vết này là vi phạm tố tụng.

Bản án Giám đốc thẩm cho rằng, cơ sở kiến nghị này trái với nguyên tắc chứng minh tội phạm, vì nếu lời khai không phù hợp dấu vết tại hiện trường thì đó là lời khai sai chứ không phải suy diễn như suy diễn của kháng nghị!

Những lời khai sau đó của Hải khẳng định không đập đầu chị Hồng vào lavabo, việc không thu được dấu vết hiện trường tại lavabo là phù hợp với lời khai của bị cáo nên không cần thiết phải điều tra lại.

Những điểm “mờ” vụ án Hồ Duy Hải được Hội đồng thẩm phán lập luận thế nào? - 4
 

Nhấn để phóng to ảnh

Hồ Duy Hải tại một phiên tòa trước đó.

Không trùng khớp dấu vân tay ở hiện trường 

Kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng, dấu vân tay trên cửa kính, lavabo không phải của Hồ Duy Hải, dấu vân tay của ai cũng chưa được làm rõ.

Theo trình bày của cơ quan điều tra tỉnh Long An tại phiên tòa phúc thẩm, trong quá trình khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra phát hiện thu giữ một số dấu vân tay ở mặt trong cửa kính, trên cánh cửa sau và vòi nước lavabo. Cơ quan điều tra đã thu thập dấu vân tay của khoảng 144 người nghi liên quan, nhưng không có dấu vân tay Hải.

Việc không trùng khớp với dấu vân tay ở nơi công cộng, có nhiều người xuất hiện trước đó không phải tình tiết ngoại phạm. Mặc dù không phát hiện dấu vân tay thu được tại hiện trường trùng với dấu vân tay của Hải, nhưng căn cứ vào các lời khai nhận tội của bị cáo, phù hợp với bản ảnh hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản giám định pháp y, lời khai người làm chứng, và các tài liệu chứng cứ khác, đủ cơ sở xác định Hồ Duy Hải là người thực hiện hành vi phạm tội.

( C. H sưu tầm)


tin tức liên quan