Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng khiến ông Vũ Huy Hoàng dính lao lý từng bị "làm xiếc" thế nào?

Ngày đăng: 03:31 11/07/2020 Lượt xem: 334

Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng khiến ông Vũ Huy Hoàng dính lao lý từng bị "làm xiếc" thế nào?

 Thứ bảy, ngày 11/07/2020 11:39 AM (GMT+7)
 
Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã trực tiếp sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) trong hơn hai thập niên.
 
 
 

Sáng nay (11/7), Cổng thông tin điện tử Bộ Công an phát đi thông báo: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 (TP.HCM), theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-C01-P4, ngày 8/11/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Khu đất vàng khiến ông Vũ Huy Hoàng dính lao lý từng bị "làm xiếc" thế nào?  - Ảnh 1.

Ông Vũ Huy Hoàng và 2 thuộc cấp mới bị khởi tố.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 9/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định tố tụng đối với các cá nhân nguyên là lãnh đạo Bộ Công Thương đã có hành vi vi phạm pháp luật.

Ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng: Ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, đối với:

Ông Vũ Huy Hoàng, sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; bà Hồ Thị Kim Thoa, sinh năm 1960, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Phan Chí Dũng, sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các bị can và các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Năm 2018, các cơ quan báo chí đăng tải thông tin, trước khi mất quyền điều hành về công ty của tỉ phú Thái Lan, Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã từng trực tiếp sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng trong hơn hai thập niên.

Nhưng thật lạ lùng, Sabeco lại dễ dàng từ bỏ "món ngon" trị giá hàng ngàn tỉ đồng ở khu đất vàng, khi quyết định bán 26% cổ phần của mình cho ba công ty tư nhân chỉ sau một năm góp vốn.

Cụ thể, tháng 6/2014 từ một văn bản của Bộ Công Thương đồng ý chủ trương lựa chọn nhà đầu tư mới thay thế nhóm nhà đầu tư cũ (xin rút), bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco ở thời điểm đó là ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT - đã ký báo cáo ngày 8/7/2014, đề xuất nhóm nhà đầu tư thành lập CTCP Sabeco Pearl.

Đề xuất đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương lúc bấy giờ là ông Vũ Huy Hoàng chấp thuận. Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl được thành lập vào ngày 14/2/2015 với vốn điều lệ khoảng 567 tỉ đồng.

Ngoài Sabeco, bộ ba nhà đầu tư mới gồm Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh.

Khu đất vàng khiến ông Vũ Huy Hoàng dính lao lý từng bị "làm xiếc" thế nào?  - Ảnh 3.

Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).

Bộ phận quản lý vốn nhà nước của Sabeco đề xuất phương án hợp tác đầu tư với nhóm các nhà đầu tư nói trên bằng cách góp 18% vốn điều lệ bằng tiền mặt, cộng với 8% giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Theo phương án, Sabeco sẽ được nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ. Các cổ đông còn lại sẽ góp vốn bằng tiền mặt, và nộp tiền sử dụng khu đất khoảng 1.236 tỉ đồng.

Sabeco cũng nói rõ về nguồn vốn của chính mình trong dự án này là "không phải góp vốn đầu tư (dự kiến 3.000 tỉ đồng)".

Các cổ đông còn lại cam kết thu xếp nguồn tiền cho việc triển khai dự án. Đặc biệt, Sabeco báo cáo với Bộ Công Thương rằng "Sabeco sẽ chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho CTCP (tức Sabeco Pearl ) khi được thành lập để khai thác dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng".

Ngày 11/2/2015, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Sabeco và nhóm các nhà đầu tư chính thức được ký kết.

Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến xấp xỉ 2.423 tỉ đồng. Căn cứ để Sabeco tham gia thành lập Sabeco Pearl được đơn vị này khẳng định "tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, không vi phạm Luật đất đai 2013, không vi phạm nghị định 94/NĐ-CP về đầu tư ngoài ngành".

Đặc biệt, căn cứ hợp đồng cũng được thực hiện dựa trên một loạt nghị định, nghị quyết, công văn của Bộ Công Thương và Sabeco phát hành liên tục từ năm 2013-2015.

Sau khi xin Bộ Công Thương để được thành lập Sabeco Pearl và khẳng định chắc như đinh đóng cột "không vi phạm đầu tư ngoài ngành", chỉ sau đúng một năm thành lập, Sabeco lập tức xin thoái vốn với lý do "tuân theo chỉ đạo không được đầu tư ngoài ngành" một cách đầy mâu thuẫn.

Với giá khởi điểm 13.247 đồng/cổ phần, Sabeco đã bán đấu giá 14.733.342 cổ phần cho chính các cổ đông sáng lập, thu về khoảng 196,64 tỉ đồng vào tháng 6/2016, bất chấp nhóm cổ đông đã giới thiệu dự án khu phức hợp nói trên ra thị trường hồi đầu năm 2016.

Đình Việt

tin tức liên quan