Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15-60 tuổi biết chữ lên tới 93,7%
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục là mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Nhà nước. Pháp luật Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng Dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (KTXH ĐBKK). Công dân có quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em người DTTS, con em gia đình ở vùng có điều kiện KTXH ĐBKK... thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.
Triển khai dạy và học 6 thứ tiếng DTTS cho gần 185.000 học sinh
Hiện nay có 5.766 trường mầm non và 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập trung học cơ sở. Năm 2019, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 96,9%; cấp trung học cơ sở là 81,6%; cấp trung học phổ thông là 47%.
Việt Nam đã triển khai dạy và học 06 thứ tiếng DTTS (Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê) cho gần 185.000 học sinh phổ thông của 21 tỉnh/thành trong cả nước. Ngoài ra còn có 06 thứ tiếng DTTS khác (Hoa, Thái, Cơ Tu, Tà Ôi, PaKo, MNông) đang được dạy thực nghiệm tại nhiều tỉnh/ thành trong cả nước với hàng trăm lớp và hàng chục nghìn học sinh.
|
Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15-60 tuổi biết chữ là 93,7%. |
Bên cạnh đó, việc dạy học tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS được các địa phương đẩy mạnh. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm, trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15-60 tuổi tham gia các lớp học xóa mù chữ.
Năm 2019, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 của toàn quốc là 97,85%, tỷ lệ người DTTS từ 15-60 tuổi biết chữ là 93,7%; năm 2019, có 80,9% người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Năm học 2018-2019, toàn quốc có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với gần 110 nghìn học sinh. Trường phổ thông dân tộc bán trú đã được thành lập ở 28 tỉnh, với quy mô 1.097 trường và hơn 185 nghìn học sinh. Hiện nay, đã có 51/53 DTTS có học sinh, sinh viên cử tuyển. Cả nước có 04 trường dự bị đại học, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 03 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học, đào tạo hơn 5.000 học sinh dự bị/năm.
82,1% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên có việc làm
Các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người DTTS đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 08 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động. Đến năm 2019, có 10,3% người DTTS đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ; 82,1% người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm.
|
Mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp tại xã Quảng Hưng (Quảng Hòa, Cao Bằng) đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS&MN như: Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, CTMTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, Chương trình 30A…
Qua các chương trình, dự án đầu tư của Chính phủ, mạng lưới trường, lớp học thuộc vùng đồng bào DTTS&MN phát triển nhanh, hầu như các xã đều có trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, nhiều trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, chất lượng phòng học ở vùng đồng bào DTTS&MN còn kém, số lượng trường học bán kiên cố và đơn sơ còn nhiều là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn ở địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN còn thua kém so với vùng phát triển.
Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 đã được triển khai xây dựng gồm 10 dự án, tiểu dự án với các hoạt động, nội dung hướng tới người dân sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN ở nước ta trong đó có nội dung tiếp tục đầu tư nguồn lực để xây dựng trường học cho người DTTS, cụ thể:
Nội dung đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực công tác dân tộc (nội dung 2, Dự án 4), có chú trọng tới mục tiêu củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo các trường dự bị đại học, phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT); nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh DTTS để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người DTTS; tập trung đào tạo các chuyên ngành y, dược, nông, lâm nghiệp cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, đang là vùng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ bác sĩ, dược sỹ, kỹ sư nông nghiệp, đang là những thách thức lớn trong phát triển KTXH vùng DTTS&MN và thực hiện chính sách dân tộc.
Đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho con em đồng bào DTTS&MN (bao gồm trường PTDTNT, trường PTDTBT) nhằm tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, tạo nguồn đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực đối với vùng đồng bào DTTS&MN; bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục giữa các vùng, miền và dân tộc.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đào tạo, dạy nghề người DTTS được Đảng và Nhà nước tích cực triển khai thực hiện, đã hỗ trợ đào tạo khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14 % trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động theo chính sách của Đề án 1956/QĐ-TTg.
Hiện nay, đang thí điểm tổ chức đặt hàng trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo để đào tạo cho 8.555 lao động là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế. Ở nhiều địa phương, dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, nhiều người DTTS sau khi được học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương”.
Truy tặng 559 nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú là người DTTS
Đảng và Nhà nước cũng quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới nội dung hoạt động sưu tầm, kiểm kê, trưng bày hiện vật để phát huy giá trị di sản văn hóa ở 03 bảo tàng cấp Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh. Nhiều địa phương đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các đề án, dự án bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hiệu quả. Địa bàn vùng DTTS&MN được cấp có thẩm quyền công nhận 04 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di tích lịch sử văn hóa. Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú là người DTTS. Công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của nhiều DTTS ngày càng được chú trọng.
|
Nghệ nhân Then Nông Thị Lìm (ở giữa) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015. |
Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đồng bào DTTS hưởng ứng, đạt kết quả tốt; nhờ đó, một số phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Hằng năm, đã tổ chức được nhiều ngày hội văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các dân tộc đặc trưng cho từng vùng, miền.
Thực hiện hiệu quả Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến nay, 95% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc đa dạng của người dân.
Chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc được chú trọng hơn, tăng cả số lượng đài và thời lượng phát sóng. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và đài phát thanh, truyền hình các địa phương có đông đồng bào DTTS đều phát chương trình nhiều thứ tiếng dân tộc phù hợp với văn hóa của từng vùng miền; riêng Kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam đã sản xuất, phát sóng 22 thứ tiếng DTTS.
Các ấn phẩm báo chí phong phú, đa dạng; có gần 100 tờ báo viết, 200 trang thông tin điện tử cùng với hàng triệu tờ báo/tạp chí của 18 ấn phẩm báo chí cấp không thu tiền ở vùng DTTS&MN đã góp phần chuyển tải chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
Phát triển cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa và vùng DTTS&MN
Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 đã được triển khai xây dựng gồm 10 dự án, tiểu dự án với các hoạt động, nội dung hướng tới người dân sinh sống ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN ở nước ta trong đó có nội dung Nỗ lực trong phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn vùng DTTS&MN.
Các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN bao gồm: Công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; Công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; Trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; Trạm y tế xã đạt chuẩn; Công trình trường, lớp học đạt chuẩn; Cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi nhỏ; Các loại công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình có nhiều hộ nghèo, phụ nữ hưởng lợi.
Trong các cơ chế, phương thức triển khai nhiệm vụ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trên, chú trọng tham mưu triển khai cơ chế phân cấp xã làm chủ đầu tư các dự án, trao quyền tự chủ cho cộng đồng gắn với nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá, đảm bảo “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thêm thu nhập”.
( C. H sưu tầm)