“Sự sụp đổ được báo trước”. TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 07:03 28/08/2021 Lượt xem: 326
SỰ SỤP ĐỔ ĐƯỢC BÁO TRƯỚC
Hoàng Văn Kính

 
       Chính phủ Afghanistan sụp đổ một cách chóng vánh ngoài dự báo của tất cả các cơ quan tình báo phương tây, Tổng thống và hầu hết nội các bỏ chạy, đội quân thánh chiến Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8 không gặp phải bất kì sự kháng cự nào và tuyên bố: Chiến tranh đã kết thúc. Đấy là một sự kiện gây chấn động thế giới trong những ngày vừa qua. Một “ cú sốc” mà trước đó chỉ ít ngày không ai có thể tưởng tượng được. CIA dự đoán khoảng thời gian xụp đổ của Kabul dao động từ vài tuần, vài tháng thậm chí vài năm sau khi Mỹ rút quân. Ngay cả Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 8/7 cũng tuyên bố “ Khả năng Apghanistan bị chiếm đóng là hầu như không thể”. Nhưng thực tế Kabul thất thủ chỉ trong vòng có 11 ngày. Tổng thống Đức ông: frank- Walter Steinmeier cho rằng: Đây là điều xấu hổ đối với nền chính trị phương tây”.
       Tương lai của đất nước này rồi sẽ ra sao, tất cả chỉ mới là phỏng đoán. Taliban đã chiến thắng nhưng đất nước này có hòa bình hay không lại là chuyện khác. Các chính khách, các nhà phân tích đã chỉ ra sự thất thủ này đã được báo trước vì nhiều nguyên nhân nhưng tập trung:
Thứ nhất: Lực lượng vũ trang Apghanistan là một đội quân không có tinh thần chiến đấu, mục tiêu chiến đấu cho ai, vì cái gì không rõ ràng. Họ được Mỹ dựng lên, đào tạo huấn luyện, ăn lương của Mỹ, chiến đấu cho người Mỹ nên khi Mỹ bỏ cuộc đương nhiên họ nhanh chóng bị tan rã.
       Một đội quân hiện đại, gồm đủ các thành phần: Lục quân, không quân, cảnh sát, lực lượng đặc nhiệm, tình báo… Trên giấy tờ là hơn 307.000 người ( Nhưng theo New York Times con số thực chiến chỉ 1/6, còn lại là những người lính ma). Lực lượng này có ưu thế vượt trội về công nghệ so với Taliban khi sử dụng nhiều vũ khí hiện đại do phương tây sản xuất.
       Từ ngày thành lập nhà nước, họ được các cố vấn quân sự Mỹ, NATO đào tạo, huấn luyên bài bản, cung cấp trên 85 tỷ USD trang bị, vũ khí hiện đại, họ có lực lượng không quân với 213 máy bay các loại. Mỗi năm được bơm từ 5-6 tỷ USD để hoạt động, 75% trong số đó là tiền của Mỹ.
       Ngược lại, Taliban là một tổ chức Hồi giáo cực đoan được Mỹ, khối NATO và nhiều nước liệt vào danh sách khủng bố. Tổ chức này hoàn toàn bị cô lập, bị bao vây và truy lùng. Nguồn tài chính của họ mỗi năm có từ 300 triệu đến 1,5 tỷ USD, chủ yếu từ trồng và buôn bán ma túy, tống tiền doanh nghiệp, thu thuế tại các vùng họ kiểm soát và các hoạt động tội phạm khác. Họ có khoảng 60.000 tay súng, cùng với các nhóm vũ trang và những người ủng hộ khác, quân số có thể vượt quá 200.000 người. Trang bị chủ yếu là vũ khí hạng nhẹ mua bán trên thị trường chợ đen, phổ biến là súng trường, lựu đạn, súng máy đặt trên thùng xe bán tải. Ngoài ra còn có rốc két cỡ nhỏ, pháo, súng phóng lựu…cơ số không nhiều. Vũ khí lợi hại nhất là đánh bom tự sát và thiết bị nổ tự chế. Ngoài ra còn một số trang thiết bị thu được từ đối phương như: Kính nhìn đêm, súng trường tấn công, xe quân sự…
Với so sánh lực lượng như thế rõ ràng quân đội Afghanistan vượt trội hơn hẳn Taliban cả về quân số, trang bị vũ khí và nguồn lực tài chính. Nhưng chỉ sau khi Mỹ tuyên bố rút quân chưa đầy 3 tháng thì Nhà nước Apghanistan đã sụp đổ. Thất bại này có khởi nguồn từ những sai lầm trong xây dựng và tổ chức quân đội, dập khuôn theo mô hình để bắt kịp khả năng tác chiến của quân đội Mỹ. “ Nguyên nhân của sự sụp đổ là do ý chí và khả năng lãnh đạo”, đấy là kết luận của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Milley.
Thứ hai: Sự sụp đổ của quân đội Afghanistan phản ánh sự bất mãn bao trùm của người dân nước này với chính quyền của Tổng Thống Ashraf Ghani. Taliban tiến quân như vũ bão, hầu như không gặp phải bất kì sự kháng cự nào. Tiến vào nhiều thành phố lớn không mất một viên đạn, lực lượng quân chính phủ ở đó hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Khi Chính quyền nhanh chóng sụp đổ, Tổng thống và hàng loạt quan chức cấp cao trong nội các ôm tiền đào tẩu, người ta mới nhận ra đấy chỉ là một chế độ bù nhìn của Mỹ và phương tây.
       Nhiều nhà phân tích cho rằng: vấn đề không phải họ thiếu vũ khí trang bị, không được huấn luyện, điểm cốt yếu nhất họ không có là niềm tin chính trị.
       Tham nhũng, nạn gia đình trị và “ Quan chức ma” là ba tệ nạn đã phá hoại một đế chế được xây dựng trong suốt quá trình 20 năm.
       Taliban có chăng chỉ là những kẻ biết nắm bắt cơ hội để giành chiến thắng. Theo tờ Tạp chí Phố Wall: Mỗi năm có khoảng 1 tỷ USD viện trợ của Mỹ bị ăn cắp chuyển ra nước ngoài. Báo cáo của Liên hợp quốc ( UN ) cũng nêu rõ: “ Tham nhũng đã ảnh hưởng tới tất cả các mặt của đời sống ở Apghanistan. Nó phá hủy lòng tin của công chúng và sự tin tưởng trong các thể chế của Chính phủ. Nó cản trở những nỗ lực của đất nước để có thể trở thành một nước tự chủ”. Tiến trình đi tới hòa bình “ Đã bị ngăn chặn bởi thói gia đình trị, sự thiên vị chính trị và những ảnh hưởng bên ngoài khác vào các quyết định tuyển dụng”. Binh sỹ và cảnh sát tỏ rõ thất vọng, tức giận, nhiều tháng họ không được trả lương. Ở nhiều cứ điểm thiếu thốn từ lương thực, nước uống tới vũ khí và đạn dược
       Luật pháp ở Apghanistan cũng yêu cầu những người có chức quyền công khai tài sản và nguồn vốn của họ cũng như người thân nhưng còn quá lỏng lẻo: “ Kê khai không đầy đủ, dữ liệu được công bố không nhất quán và không được xác minh, thậm chí còn mâu thuẫn. Có thể nói đó là một hệ thống vô dụng, chỉ nhằm đối phó với các nhà tài trợ quốc tế”


Hình ảnh hỗn loạn, thảm khốc khi ngườ Apghanistan tìm đường di tản
 
Thứ ba: Lòng tin đặt sai chỗ. Thủ tướng Anh Winston Churchill từng có câu nói để đời: “ Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Điều này đến nay ít nhất cũng đã và đang đúng với chính sách đối ngoại của Hợp chủng quốc Hoa Kì. Mới đây thôi, họ đã công bố rút khỏi Apghanixtan và Iraq, có nghĩa là buông bỏ đồng minh, buông bỏ bạn bè, buông bỏ cuộc chơi.
       Trong vòng 20 năm kể từ ngày 11/9/2001, Mỹ đã chi hơn 2.000 tỷ USD vào cuộc chiến tranh ở đất nước này, tức là mỗi ngày cuộc chiến đã ngốn của nước Mỹ khoảng 300 triệu USD. Có khoảng 2.500 lính Mỹ đã bỏ mạng ở đây, gần 4.000 công dân Mỹ bị giết hại và chi phí để chữa trị cho 20.000 người Mỹ khác bị thương là 300 tỷ USD.
       Cuộc chiến dài nhất của Mỹ trong thế kỉ 21, trải qua 4 đời Tổng thống: Bush, Obama, Trump và Biden. Gánh nạng chi phí quá lớn, gây nhiều thiệt hại cả về tiền của và sinh mạng của người Mỹ; không đạt mục tiêu tiêu diệt khủng bố Taliban, ngược lại tổ chức này ngày càng mạnh lên và điều cuối cùng là họ không còn thấy lợi ích từ cuộc chiến này.
       Sai lầm lớn nhất của giới lãnh đạo Apghanistan là mù quáng, đặt hết niềm tin vào giới lãnh đạo Mỹ. Theo Ahmet Rashid nhà phân tích người Pakistan: “ Ghani và những cố vấn bên cạnh ông ta không tin rằng Mỹ sẽ bỏ rơi Apghanistan theo cách đó. Số này vẫn luôn hy vọng ngay cả khi tình hình diễn biến xấu nhất Mỹ vẫn sẽ phải hiện diện và hỗ trợ quân đội Apghanistan”.
       Vì lòng tin mù quáng đó mà ông Ghani đã tuyên bố: “ Tôi sẽ không chạy trốn. Tôi sẽ không tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn và tôi sẽ phục vụ nhân dân”. Chính việc đáng giá sai tình hình, quá trông chờ, ỷ lại, dựa dẫm vào 10.000 quân ( trong đó có ¼ số quân là của Mỹ, còn lại đến từ 36 quốc gai thuộc khối NATO và đồng minh của Mỹ) đã làm mất tính tự chủ, thiếu sự chuẩn bị hợp lí, phương án đối phó là một phần nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyển Ghani.
       Cũng vì là chế độ bù nhìn của Mỹ nên ông Ghani đã bị loại khỏi tiến trình đàm phán rút quân đội Mỹ với phe Taliban dưới thời ông Trump. Thất bại của Chính quyền Apghanistan cũng là thất bại đau đớn, nhục nhã của Mỹ và Phương tây, của CIA cơ quan tình báo số 1 thế giới.
       Điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều quốc gia đang trông cậy vào chiếc ô bảo hộ của Mỹ, NATO phải suy nghĩ.
Thứ tư: Nước Mỹ và phương tây đến đất nước này, họ mang theo và áp đặt tiêu chuẩn nhân quyền vào một đất nước hồi giáo tuần thúy, phần lớn theo dòng Sunni, hành xử chuẩn mực theo Kinh Quran và luật Sharia. Đấy là sự kết hợp giữa Kinh Quiran và những điều răn của nhà tiên tri Muhammad. Apghanistan có những tiêu chuẩn riêng, truyền thống, tôn giáo…đã tồn tại và đứng vững hàng ngàn năm. Với thế giới Apghanistan có thể đang loạn lạc nhưng với người dân ở đất nước này đây là thời điểm mở ra một thời kì mới. Với thế giới Tliban là khủng bố, nhưng với những người dân ở đó Chính quyền hiện tại là thối nát, tham những, Taliban là sinh viên, những người có lí tưởng thiếp lập một nền hòa bình. Có thể khảng định nếu Taliban không nhận được sự ủng hộ, đùm bọc của người dân thì họ đã không thể tồn tại, phát triển.
       Từ một lực lượng bị thế giới coi là phiến quân, khủng bố, họ đã chiến thắng. Điều ấy không phải là sự ngẫu nhiên. Một lần nữa Mỹ và phương tây đã sai lầm khi muốn áp đặt thể chế chính trị và tư tưởng “ dân chủ” cho các quốc gia khác. “ Những gì diễn ra tại Afghanistan là bài học cho những ai ảo tưởng vào sự hỗ trợ vô điều kiện của Mỹ như một sự bảo đảm an ninh” Ông Yuriy Romanenko, người đứng đầu các chương trình chính trị của Viện tương lai Ucraina đã nói như vậy. Ông nhấn mạnh: “ Thảm kịch diễn ra tại Afghanistan cho thấy nếu một quốc gia không sẵn sàng chiến đấu cho chính mình thì người Mỹ cũng sẽ không quá mặn mà níu giữ đồng minh”. Với bài học này 2 tiền đồn chống Nga là Ucraina, Balan và một số nước Đông Âu trong khối NATO có lẽ cũng phải giật mình, thấp thỏm lo âu!

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT và BT Trường Sơn tại Hà Nội

tin tức liên quan