Lần gần nhất tôi ra đường, lái xe để đến điểm tiêm vaccine, tôi tưởng đang ở một quốc gia lạ lẫm nào đó.
Tôi đã sống ở Việt Nam 11 năm, trở nên thân thuộc với nơi này đến từng con đường góc phố. Nhưng hai tuần trước, trên đường Sài Gòn, tôi chỉ thấy nhân viên giao hàng và một chiếc xe tôi đoán là chở tình nguyện viên. Họ mặc những bộ đồ bảo hộ xanh dương thấm đẫm hy vọng.
Tôi chạy xe một lúc thì đến chốt kiểm soát của công an huyện Nhà Bè. Tôi khá lo lắng vì không có giấy tờ chứng minh mình đang đi tiêm. Tôi chỉ có một tin nhắn thông báo trong điện thoại nên không biết phải giải thích thế nào với anh công an.
Tôi đã hệt như những chú gà lo không đẻ kịp trứng cho bà con mua tích trữ ăn dần trong mùa dịch, lo hơn những chú lợn ngày áp Tết không biết khi nào sẽ phải vô lò mổ. Tôi cũng ý thức được mình đang lo thái quá nên tự trấn an, hít thở sâu, có lẽ do thời gian tôi ở nhà một mình lâu quá.
Đứng trước anh công an, bất giác tôi sợ họ không cho tôi đi, tôi sẽ mất cơ hội được tiêm vaccine để bảo vệ bản thân. Nhưng họ chỉ mỉm cười, hỏi tôi đi đâu, và nhắc tôi cho họ xem giấy tờ lúc tiêm xong quay về nhà. Rất nhẹ nhàng và tôi tiếp tục đến điểm tiêm vaccine.
Tới chỗ tiêm, tôi cảm thấy khá lúng túng vì lâu quá không giao tiếp trực tiếp với ai. Hôm nay có khá nhiều người nước ngoài đi tiêm cùng địa điểm với tôi, tôi cảm thấy vui và cảm giác mình có ích khi hỗ trợ phiên dịch giấy tờ cho các bạn người nước ngoài.
Tôi thầm cảm ơn cơ hội đi tiêm vaccine. Nó đem lại cho tôi năng lượng tích cực sau những ngày dài ở nhà. Có lúc, tâm trạng tôi đã bị tệ đi nhiều vì gặp những tình huống không vui.
Trước ngày Sài Gòn tăng cường giãn cách, tôi vào siêu thị nhỏ ở Nhà Bè mua một ít thực phẩm cho tôi và mèo. Tôi lấy rất nhiều cá hộp sốt cà chua bởi đồ ăn cho mèo đã hết và không thể mua ở đâu. Trong lúc đứng xếp hàng đợi tính tiền, đầu tôi suy nghĩ sẽ nấu món gì, nấu thế nào, nó có ngon không như một cách tự giải trí. Nhưng dòng suy nghĩ đó bị cắt ngang.
Một chị đi nhanh vào cửa hàng, chen đến trước tôi và hàng người. Chị ấy đã không xếp hàng.
Chị mặc chiếc áo có vẻ đắt tiền nhưng tóc thì hơi hoang dã, có lẽ do vội chen lấn nên đầu tóc bị rối chăng? Chị nói với thu ngân một giọng rất ngọt ngào nhưng đầy quyền lực: "Em cho chị bánh ngọt chị hay mua nhé". Một cách thông báo cho hàng chục người xung quanh biết là họ quen thân. Thu ngân lấy đồ chị ấy cần và ưu tiên tính tiền cho chị ngay lập tức. Xong việc, chị đi qua hàng người như không thấy ai cả.
Khi chị ấy đi sát mọi người trong lúc đang giãn cách xã hội, một người nói với chị rằng nên đứng xa một chút. Chị đột nhiên nóng như nồi nước đang sôi cần cho khoai vào luộc ngay để kịp ăn. Chị hét lên với giọng đầy hằn học và tuôn ra một tràng dài điều tôi không hiểu bằng tiếng Việt - vì lúc đó trong tôi chứa nhiều cảm xúc hơn ngôn ngữ. Chị vừa đi vừa lầm bầm những câu từ khó nghe trong miệng.
Ngay lúc ấy tôi nhớ mẹ vô cùng. Tôi nghĩ mẹ sẽ cho cô này đi ngủ sớm vì bị phạt không được ăn tối. Tôi thầm cảm ơn mẹ đã dạy tôi phép lịch sự từ nhỏ.
Không riêng chị ấy đâu, tôi cũng xem video trên mạng, mọi người vẫn ra đường đông đúc, chen lấn tại một số nơi, có những người không hợp tác với nhân viên chống dịch.
Suy nghĩ kiểu ăn thua - ta phải được hơn họ - sẽ khiến bản thân bị sập bẫy và cuộc sống bị dính chặt ở sự lo lắng, hơn thua. Nhất là trong thời kỳ Covid thế này, mọi thứ không thể thoải mái như xưa, nếu mình không biết cách quản lý ham muốn và sự bình tĩnh, mình sẽ gặp nhiều vấn đề hơn.
Nhiều người đang vật lộn để sống khi mà đại dịch đã cướp đi người thân, sức khoẻ, công việc, tiền bạc. Nhưng, dù là trong bất kỳ tình huống nào, ta không thể để mình bị hủy hoại vì những trắc trở.
Hình dung trận này như một trận bóng đá. Bạn có thể nhập cuộc sung mãn, đầy động lực, tất cả mọi người đang cổ vũ nồng nhiệt, đồng lòng hỗ trợ nhau để giành chiến thắng. Nhưng, trận đấu kéo dài mãi và mọi người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Họ không còn muốn xem nhiều hiệp phụ và cảm thấy bị áp lực khi phải tiếp tục tham gia. Cả cầu thủ lẫn cổ động viên đều trông đợi tiếng còi kết thúc trận của trọng tài.
Trong khi đang chờ đợi tiếp, chúng ta đón nhận kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đặc biệt nhất của Việt Nam. Không pháo hoa, không du lịch, không ai rời thành phố. Tôi sẽ thư giãn, không làm việc, không họp online. Tôi sẽ nghỉ lễ Quốc khánh có một không hai này tại chỗ.
Mỗi buổi sáng tôi pha trà và ngồi đọc sách, ngắm khu vườn. Tôi đang đọc một cuốn sách tiếng Việt của nhà văn Tô Hoài. Giờ đây, tôi ngồi đăm chiêu nhìn ra cổng với bức tường phủ đầy dây leo, chợt nảy ra suy nghĩ: nếu tôi đục lỗ hổng trên tường thì liệu có thể trốn đi chơi lễ 2/9 của Việt Nam không? Nhưng tôi chỉ dừng lại ở suy nghĩ chứ không hành động. Tôi sẽ đợi đến khi thành phố cho phép đạp xe tự do ra đường.
Nếu mình có thể học bất cứ điều gì trong thời Covid thì nó nên là thói quen tôn trọng lối sống mới. Không hơi một tý là ra đường nữa, không bắt tay nữa, không đứng quá gần nữa, lịch sự hơn nơi công cộng, cần nhiều hơn sự bình tĩnh và lạc quan. Đó là cách chúng ta hợp tác với những "cầu thủ" hoàn toàn xa lạ mà trận đấu không trở nên hỗn loạn, không làm tình hình tồi tệ thêm.
Hôm đi tiêm vaccine, sau ba mươi phút chờ đợi sau tiêm, tôi phải đến chỗ nhân viên y tế để kiểm tra lần cuối và nhận lại giấy tờ. Vì lý do nào đó mà họ không thể kiểm tra huyết áp của tôi, tôi nói đùa bằng tiếng Việt: "Ơ, không được ạ, vậy thì chắc tôi đi suối vàng rồi". Họ bất ngờ và nhiều người cùng cười.
Đây là quyền lực của tôi: khiến cho người ta cười. Đó là điều tôi sẽ dùng để giúp bạn bè đi qua kỳ nghỉ lễ và đến cuối trận đấu với Covid-19.
Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)
(PS st Theo VnExpress)