"Liên khúc giấy đi đường" - Góc nhìn của Phạm Hùng Phong

Ngày đăng: 11:19 14/09/2021 Lượt xem: 213
GÓC NHÌN

Liên khúc giấy đi đường

Phạm Hùng Phong

Phạm Hùng Phong

Kỹ sư Công nghệ thông tin

Chủ đề "vùng" đang nóng hổi. Bạn tôi đề nghị người dân nhuộm tóc theo vùng để dễ quản lý.

"Ai vùng đỏ nhuộm màu đỏ, ai vùng cam nhuộm màu cam", rất tiện theo dõi cho nhân viên chống dịch.

Tuy sáng kiến nhuộm tóc chỉ là chuyện tếu táo giữa đám bạn thân để đỡ căng thẳng mùa dịch, nhưng kèm theo nó là cả tá chuyện trớ trêu liên quan tới phân vùng và giấy đi đường.

Có người ở nhà thuê mấy hôm nay bị mất nước, từ vòi tắm cho tới vòi bếp chỉ chảy ri rỉ. Gọi cho quản lý, chị được giải thích "nhân viên điện nước của công ty không thuộc đối tượng được cấp giấy đi đường".

Có người cha già bị bệnh nằm ở nhà, hai hôm đợi người đến tiêm không thấy vì cán bộ trực chốt không cho cô điều dưỡng đi qua. Bệnh viện tư của cô không xin đủ giấy đi đường mẫu mới cho nhân viên. Cán bộ cấp giấy vì quá tải nên đề nghị bệnh viện giảm số người được đi làm.

Trong gần hai tháng qua, cứ hơn 10 ngày, Hà Nội đổi một hình thức cấp giấy đi đường. Người dân và cán bộ thực thi chóng mặt chạy theo. Chống dịch thời 4.0 mà dân phải tụ tập cả đêm để xin một tờ giấy 0.4, bạn tôi bảo, "ông làm công nghệ sao không gợi ý giải pháp gì đi".

Hơn hai mươi năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tôi có thể quả quyết rằng năng lực của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với thế giới. Năm ngoái, ngành công nghệ tạo ra 120 tỷ USD doanh thu, trong đó công nghiệp phần mềm thu về trên 5 tỷ USD và nội dung số đạt trên 900 triệu USD. Việt Nam đang có không ít tên tuổi trong làng công nghệ thế giới.

Đáng tiếc, nguồn lực này chưa được tận dụng tối đa trong công tác phòng chống Covid-19. Về bề nổi, gần hai năm qua, người dân đã chứng kiến hàng chục ứng dụng ra đời phục vụ công tác truy vết, khai báo y tế, khai báo đi lại, đăng ký tiêm chủng... Các sáng kiến số hóa đua nở ở cấp ngành, cấp địa phương và có lẽ cũng tiêu tốn không ít ngân sách. Tuy nhiên, như ta đều thấy, chúng cùng rơi vào mẫu số chung là hiệu quả không cao.

Năm ngoái, ứng dụng Bluezone được đẩy mạnh nhưng tác dụng của nó trong việc phát hiện F0 trong cộng đồng vẫn là một dấu hỏi. Năm nay, chiến dịch tiêm chủng mở ra cơ hội cho ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" của Bộ Y tế với mục đích tập hợp thông tin tiêm chủng toàn dân. Tuy nhiên, hiện ứng dụng này chỉ nhận được đánh giá khá khiêm tốn là 2,8/5 điểm trên nền tảng phân phối ứng dụng Google play. Bản thân tôi đã được tiêm hai mũi, đủ điều kiện có "thẻ xanh vaccine", nhưng cũng chưa được bất kỳ hệ thống nào ghi nhận.

Đó là chưa kể sự nhiêu khê khi người dân được khuyến khích, thậm chí bắt buộc tải nhiều ứng dụng, khai báo ở nhiều cổng thông tin, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ có thể di chuyển nhờ tờ giấy đi đường với dấu mộc đầy quyền lực.

Câu chuyện chuyển đổi số trong chống dịch không quá phức tạp. Nó đơn giản gồm hai khâu: xây dựng hệ thống và quản lý dữ liệu.

Về mặt hệ thống, với đội ngũ người làm công nghệ trẻ và giỏi hiện nay ở nước ta, một hệ thống dù phức tạp cũng có thể được phát triển trong một đêm. Chỉ hơn hai ngày đầu tháng tám, các kỹ sư của Viettel và VNPT thần tốc lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành, giúp hệ thống này chính thức ra mắt ngày 8/8 với 100% cơ sở y tế tuyến huyện được kết nối.

Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay có lẽ nằm ở khâu đồng bộ và chia sẻ dữ liệu, khi nó liên quan tới quyền sở hữu thông tin (data) của nhiều bộ ngành, địa phương và các đơn vị phát triển. Bài toán liên thông dữ liệu lớn là mấu chốt để nhất thể hóa ma trận các ứng dụng chống dịch hiện nay, giúp các cơ quan hành pháp quản lý người dân qua một nền tảng số hóa đồng nhất, đồng thời tiễn biệt giấy đi đường.

Nhưng trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng này, các dữ liệu về quản lý dân cư, bảo hiểm y tế, quản lý khám chữa bệnh và tiêm chủng tại sao chưa thể "nói chuyện" được với nhau?

Tôi tạm lý giải bằng hiểu biết của mình: có thể do các nguồn dữ liệu chuyên biệt đang được các đơn vị phát triển giữ bản quyền và chưa sẵn sàng chia sẻ với nơi khác; do thiếu sự thống nhất giữa các cơ quản lý cấp bộ, ngành; hay không loại trừ còn lợi ích nào khác sau những kho dữ liệu và các nền tảng khai báo mà người dân chưa hiểu hết.

Bộ Công an mới cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia do bộ quản lý đã thu thập và chuẩn hóa thông tin cơ bản của hơn 90 triệu dân. Đây đáng lẽ phải là cơ sở dữ liệu lõi để các bộ ngành, địa phương khai thác và tiếp tục xây dựng thông tin chuyên ngành phục vụ các mục đích quản lý và chống dịch của mình từ đầu đại dịch. Đáng tiếc, kho tàng định danh số chưa được tận dụng hiệu quả. Theo đại diện Bộ này, việc lựa chọn giải pháp nào thuộc về địa phương, không thể ép các đơn vị.

Ở chung cư tôi sống, sau nhiều tháng chờ đợi, cư dân tuần trước náo nức nhận tin phường chuẩn bị tiêm chủng. Thông báo của tổ dân phố yêu cầu các gia đình xuống cổng bảo vệ khai vào phiếu tiêm do phường phân phát. "Khi đi nhớ mang theo bút bi", chị tổ phó dặn.

Khu tôi ở đã có vài ca nhiễm, ban quản lý và tổ bảo vệ đang căng mình hỗ trợ các gia đình có F0. Là cựu thành viên ban quản trị, tôi hiểu rằng việc đăng ký tiêm thủ công bằng giấy sẽ tạo thêm áp lực cho ban quản lý, khó tránh nhầm lẫn, chưa kể tụ tập đăng ký có thể tăng nguy cơ nhiễm. Tôi xung phong lập nhóm cư dân trên mạng và tạo hệ thống đăng ký tiêm online. Chỉ trong 48 giờ, hơn 300 đại diện các hộ đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết.

"Ai đăng ký bằng giấy được tiêm trước, còn làm qua mạng không được ưu tiên", chị tổ phó kết luận sau khi các gia đình đã đăng ký online. Vì sợ "không được ưu tiên", khoảng vài chục người tiếp tục đem bút bi xuống bảo vệ chung cư kê khai trên giấy.

Sau trải nghiệm này, tôi có thể mường tượng phần nào lực cản về tư duy mà có lẽ nhiều người tâm huyết trong ngành công nghệ đang phải đối mặt. Tôi tin có nhiều hiệp sĩ công nghệ sẵn sàng làm việc vô vụ lợi để đóng góp sáng kiến, xây dựng ứng dụng chống dịch tối ưu cho mọi người dân.

Điều ta thiếu lúc này có lẽ là vai trò của một vị tổng tư lệnh, người có đủ thẩm quyền để chỉ đạo việc kết nối các nguồn dữ liệu tầm quốc gia, triệt tiêu các lợi ích nhóm, nếu có, đang cản trở nỗ lực chống dịch bằng số hóa.

Nhạc trưởng có tâm này cũng sẽ "phối" các loại giấy đi đường thành một bản nhạc dễ nghe hơn.

Phạm Hùng Phong
(PS st Theo VnExpress)

tin tức liên quan