Mở đầu cuộc họp, cô giáo phát biểu "chào mừng", phụ huynh chúng tôi nhìn nhau qua camera. Trường phổ thông trung học của con gái tôi giống như một "trường làng" mặc dù tọa lạc ngay trong thành phố. Phụ huynh đa số thuộc thành phần lao động nghèo, công nhân viên chức, buôn bán, không ai là "đại gia".
Buổi họp nóng lên khi cô giáo nói, Sở Giáo dục thành phố vừa đưa ra dự thảo 15 tiêu chí đánh giá an toàn chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường.
Nhiều phụ huynh lo lắng, học sinh chưa được tiêm vaccine. Nếu chờ dịch an toàn mới cho con đi học hoặc đợi các em được tiêm đủ hai mũi thì phải đến giữa năm 2022 may ra mới được đến trường. Còn bây giờ, nhà trường tham khảo ý kiến phụ huynh để quyết định, chắc chắn nhiều người không đồng ý vì chưa thấy an toàn. Có người nói luôn: "Tôi không muốn đem con mình ra đặt cược với Covid".
Cô giáo nói tiếp, rằng "100% giáo viên trường ta đều đã được tiêm hai mũi". Trường có nhân viên y tế, có phòng cách ly, phòng tư vấn tâm lý học đường. Toàn thầy cô cùng nhân viên đều đã được tập huấn xử trí trường hợp ho, sốt, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid tại trường.
"Theo cá nhân tôi, các em đã là học sinh phổ thông trung học, cũng nên bắt đầu học cách thích ứng với cuộc sống có dịch Covid", cô nói. Trường có thể được chia ca, các lớp học, ra chơi, ra về lệch giờ, hạn chế tối đa tập trung. Xây dựng tính kỷ luật học đường thời Covid cũng là cách tạo cho học sinh tham gia xã hội văn minh, học cách ngăn nắp và tuân thủ, an toàn khi ở ngoài gia đình. "Phụ huynh nào có nhu cầu phát biểu xin cứ tự nhiên", cô khuyến khích.
Một phụ huynh nữ nhỏ nhẹ nói rằng, theo chị, học sinh cần được đi học an toàn chứ không phải chờ an toàn rồi mới đi học. Nhưng dù sao tuổi các em vẫn còn bồng bột, nhà trường phải có nhiều biện pháp nhằm ổn định tinh thần học tập trong mùa dịch thì phụ huynh mới yên tâm.
Một phụ huynh trung niên đáp lại ngay: "Tôi không đồng ý với ý kiến đi học lại. Tôi thấy học online rất tốt mà, làm bài kiểm tra cũng tốt, mà thi online càng tốt, bằng chứng là năm ngoái, học sinh thi học kỳ online đều tốt đẹp đấy thôi. Nói thật lòng vợ chồng tôi có mỗi thằng con trai, nếu lỡ có chuyện gì thì chết mất".
Một thanh niên có vẻ như sinh viên, chắc họp thay cho bố mẹ, xin phát biểu: "Theo cháu thì mấy em này dù là học sinh phổ thông trung học nhưng chỉ được cái to xác chứ đầu óc còn con nít lắm, tốt nhất là cho chúng học online".
Một ông bố nhẹ nhàng tiếp lời: "Con tôi là đứa rất chăm ngoan, hồi đầu năm tới giờ hôm nào học online đều ổn, không những con tôi ổn mà cả lớp đều ổn. Thành ra đến trường làm gì khi đó là cực hình cho cả học sinh lẫn phụ huynh?".
Sau chừng mười mấy lượt ý kiến phát biểu theo hai phe, đến trường và ở nhà, một ông bố xin phép được có ý kiến kết luận: "Thật ra thì không ai muốn con em mình nguy hiểm cả. Theo tôi, phụ huynh chúng ta nên tôn trọng ý kiến của thầy cô giáo. Để không có chuyện đáng tiếc xảy ra, vì tương lai con em, tôi kêu gọi phụ huynh không nên biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn để làm tổn thương đến tâm hồn các con". Rồi anh tiếp tục góp ý nhà trường từ vi mô đến vĩ mô, chiến lược giáo dục phải thế nào...
Sau một trận vỗ tay qua camera, không khí lặng như tờ. Tất cả phụ huynh đều im re. Cô giáo tuyên bố cuộc họp kết thúc. Câu hỏi đến trường hay học online vẫn để đó.
Chọn đi học an toàn hay chờ an toàn rồi mới cho con đi học?
Sợ là cảm giác xuất hiện ở phụ huynh chứ không phải ở học sinh. Các con tôi và bạn chúng đều đang đợi ngày trở lại trường. Một khi phụ huynh và nhà trường sợ hãi sẽ cho ra đời những biện pháp cực đoan. Người ta chỉ sợ khi họ không tìm ra giải pháp.
Học sinh cần học cách thích ứng, nếu có sự trợ giúp của người lớn, các em sẽ hiểu các nguy cơ và phòng bị thay vì sợ hãi. Có lẽ đây là dịp để chúng ta dạy các em thói quen mới như đo thân nhiệt, uống nước bằng ly riêng, rửa tay thường xuyên, tiếp xúc an toàn với bạn bè, giữ khoảng cách hai mét với mọi người, đeo khẩu trang đúng cách, khử khuẩn tay thường xuyên, không chạm tay vào các bề mặt, vật dụng nhất là nơi công cộng.
Đây cũng là dịp để nhà trường dạy các em hiểu về một tương lai sống chung với virus để không kỳ thị bạn học hay người xung quanh không may mắc Covid, giữ gìn vệ sinh cá nhân để phòng dịch nhưng không sợ hãi đến mức bị virus kiểm soát cuộc sống của mình. Giúp cho học sinh cách thích ứng an toàn cũng là kỹ năng sống quan trọng dù sau này thế giới xảy ra bất cứ bệnh dịch nào.
Là một phụ huynh, tôi cũng sợ lắm chứ. Nhưng nếu chỉ vì sợ mà cấm không cho con đi học, gặp bạn bè, thầy cô thì thật thiệt thòi và thương các cháu. Học sinh cần được đi học an toàn chứ không phải chờ an toàn rồi mới đi học. Nhiều nước đã thích ứng an toàn với Covid rồi, chẳng lẽ chúng ta vẫn loay hoay và phòng thủ?
Nguyễn Thị Thu Hiền
(PS st theo VnExpress)