Hơn 100 tỉ đồng được công an tạm giữ khi khám xét nhà Phan Thanh Hữu - đối tượng cầm đầu trong đường dây buôn lậu xăng dầu - Ảnh: CACC
Việc Công an tỉnh Đồng Nai vừa phối hợp Bộ Công an bắt thêm bà Mai Thị Dần, giám đốc Công ty TNHH Hà Lộc (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), để điều tra về hành vi buôn lậu xăng dầu đã khiến dư luận phấn chấn về nỗ lực triệt phá "tảng băng ngầm" xăng giả để củng cố lòng tin cho người tiêu dùng.
Nhưng không ít người ở TP Vũng Tàu đã giật mình khi doanh nghiệp này tồn tại nhiều năm và cũng là "chân rết" của đường dây buôn lậu liên tỉnh, có quy mô rất lớn trong chuyên án mang bí số 920G mà Công an tỉnh Đồng Nai đang xử lý.
Không chỉ doanh nghiệp Hà Lộc ở Bà Rịa - Vũng Tàu có hàng chục cửa hàng xăng dầu, cảng biển, buôn bán xăng giả và phân phối đi nhiều tỉnh thành. Trong những vụ Công an Đồng Nai bắt giữ trước đó, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh khác vẫn có quy mô lớn với chiêu thức mua bán, tiêu thụ xăng giả tương tự nhau.
Đó là nhập xăng dầu từ nước ngoài và đậu ở gần lãnh hải Việt Nam để bơm xăng sang tàu Việt Nam, sau đó sử dụng dung môi, hóa chất từ xăng phẩm cấp thấp pha chế thành xăng A95 đưa về các kho ở các tuyến sông nhiều tỉnh thành rồi cấp cho xe bồn chở về "chân rết" tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Điều đó cho thấy trong nhiều năm qua tình trạng buôn lậu, pha trộn hóa chất vào xăng để trục lợi đã xảy ra liên tỉnh, liên vùng từ miền Đông Nam Bộ đến miền Tây Nam Bộ và trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TP.HCM.
Nhưng thật ngạc nhiên khi việc làm ăn phi pháp, buôn lậu từ trên bộ xuống sông, xuống biển rồi quay ngược vào bờ với hệ thống chằng chịt suốt nhiều năm mà các cơ quan bảo vệ pháp luật như hải quan, quản lý thị trường, biên phòng... chưa phát hiện được.
Chỉ đến khi có chuyên án 920G, nhiều thứ đáng sợ mới phơi bày ra. Đường dây này đã đưa ra thị trường tiêu thụ hơn 200 triệu lít xăng dầu giả, xăng nhập lậu, thu lợi bất chính hàng nghìn tỉ đồng, gây tác hại đối với người tiêu dùng, làm lũng đoạn thị trường xăng dầu trong nước.
Giờ đây các thủ đoạn tội phạm đã rõ nhưng cán bộ, người thân của cán bộ ở nhiều ngành được giao thực thi nhiệm vụ có "chống lưng", bảo kê không? Câu trả lời là có, bởi trong chuyên án này công an đã bắt cả đội trưởng đội chống buôn lậu (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) và phối hợp Bộ Quốc phòng để khởi tố một số sĩ quan quân đội có cấp hàm theo thẩm quyền.
Thiếu tướng Vũ Hồng Văn (giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai), khi báo cáo trước Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, cho biết nhóm tội phạm trong đường dây này hoạt động có tổ chức theo kiểu như mafia. Họ kết nối với người đứng đầu hoặc cấp phó của một số đơn vị có chức năng phòng chống buôn lậu, sau đó "khống chế" họ thông qua người thân trong gia đình để có thể buôn lậu trót lọt.
Vì vậy dư luận vẫn mong mỏi chuyên án 920G tiếp tục vạch trần những cán bộ biến chất che chắn cho nhóm tội phạm để trục lợi, lừa dối hàng triệu người suốt nhiều năm qua.
Đã khởi tố hơn 70 người
Ngày 9-2, Công an Đồng Nai công bố chuyên án 920G và cho hay đã phối hợp Cục Hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an bắt giữ 2 người cầm đầu trong đường dây buôn lậu, làm giả xăng dầu là Phan Thanh Hữu (sinh năm 1957, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (sinh năm 1966, ngụ Vĩnh Long).
14 tổ công tác huy động trên 500 chiến sĩ khám xét khẩn cấp các kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của những người trong đường dây tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Vũng Tàu, TP.HCM và bắt quả tang họ đang vận chuyển mua bán "sang mạn" tàu để pha chế bơm hút vận chuyển sang nhập lậu với số lượng lớn trên sông Hậu thuộc xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long.
Đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố hơn 70 người.