“Thiên tài đất Việt!” – Luận bàn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 01:13 01/11/2021 Lượt xem: 219
THIÊN TÀI ĐẤT VIỆT
Hoàng Văn Kính
 
       Một người quản lí giỏi phải biết chuyên môn nhưng cái cần hơn là phải nắm vững pháp luật, có hiểu biết về khoa học quản trị, am hiểu tâm lí xã hội, có trải nghiệm cuộc sống và đáng tin cậy về nhân cách chứ không phải chỉ thuần túy là một nhà khoa học giỏi được bao sân làm công tấc quản lí.
       Ở nước ta cũng không hiếm các nhà khoa học tài năng, có nhiều đề tài, nhiều cống hiến xuất sắc lừng danh một thời nhưng vì được nâng đỡ thái quá, đặt nhầm chỗ, vì họ ham hố cái ghế quyền lực nên đã thành kẻ tội đồ, dính vào vòng lao lí trong đó có ông Nguyễn Quang Tuấn, một bác sỹ tài năng, một thầy thuốc giỏi mới bị khởi tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Quang Tuấn
 
       Thật vô cùng xót xa và tiếc nuối.
      Ông Nguyễn Quang Tuấn sinh năm 1967, là bác sỹ tim mạch hàng đầu của Việt Nam. Năm 1994 ông tốt ngiệp Đại học Y Hà nội ngành bác sỹ đa khoa, sau đó tiếp tục học nội trú chuyên ngành tim mạch. Năm 1996 ông tu nghiệp 2 năm tại Pháp, tốt nghiệp xuất xắc Đại học Toulouse và được mời ở lại Pháp làm viêc nhưng đã từ chối. Năm 2005 ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Đại học Y Ha Nội. Năm 2010 nhóm của ông và Tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng được trao giải nhất Giải thưởng Nhân tài đất Việt cho đề tài: Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông ( phương pháp đặt stent ). Từng đạt danh hiệu: Công dân danh dự Thủ đô. Năm 2012 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, ông hiện là giảng viên cao cấp Bộ môn tim mạch trường Đại học Y hà Nội, ủy viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội. Năm 2017 ông là Chủ tịch Hội tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội, thành viên Ban cố vấn Hội tim mạch học Châu Á Thái bình dương, thành viên Hội tim mạch học Hoa Kì. Được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư ngành y năm 2017. Ngày 18/3/2020 ông được bổ nhiệm chức danh Giám đốc bệnh viên Bạch Mai - Bộ Y tế.
       Một tri thức trẻ, một tài năng trẻ, một nhà khoa học trẻ nếu – vâng lại nếu – không bị cái ghế quyền lực cám dỗ, ông cứ tận tâm say mê với nghề và có đủ bản lĩnh để dứt khoát từ chối cái ghế đó thì chắc chắn sự nghiệp khoa học cùng với tên tuổi của ông trong lĩnh vực tim mạch can thiệp sẽ còn rộng mở hơn, nhân dân sẽ được nhờ, sẽ có nhiều bệnh nhân tim mạch được cứu sống nhờ có đôi bàn tay vàng trời phú.
       Nghệ thuật quản lí khác hẳn với nghệ thuật khoa học làm chuyên môn. Quan niệm cứ giỏi về chuyên môn thì sẽ thành nhà quản lý giỏi chỉ là một sự ngộ nhận, một sai lầm trong công tác cán bộ. Đòi hỏi phải vừa giỏi về chuyên môn lại phải giỏi cả về quản lí là một điều xa xỉ. Phải thẳng thắn thừa nhận trường hợp của ông Tuấn một phần cũng do sai lầm về công tác cán bộ mà đất nước bị mất một nhân tài. Thực tế này cho thấy một hiện tượng rất đáng buồn: lâu nay không ít người tài về chuyên môn nhưng sau khi được bổ nhiệm làm công tác quản lí đã bị tha hóa, biến chất. Đấy là điều đáng tiếc, một sự lãng phí mà nhân tài thật sự ở nước ta không có nhiều, có lẽ cũng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.
       Thực ra ở nước ta từ cổ chí kim đã mấy ai có đủ bản lĩnh để từ chối cái ghế quyền lực, thậm chí họ còn đấu đá, tranh giành, dùng mọi mưu hèn kế bẩn, bất chấp cả liêm sỉ và lòng tự trọng để giành bằng được vì nó mang lại quá nhiều lợi ích cả tinh thần, về vật chất và danh vọng. Đối với một con người bình thường thì tiền bạc và quyền lực là hai báu vật mơ ước, khó có thể từ chối. Điều ấy ở một chừng mực nào đó cũng có thể hiểu và thông cảm được cho ông Tuấn nhưng không thể thông cảm được cho tổ chức khi họ nắm trong tay sinh mệnh của cán bộ, sắp xếp bố trí nhân sự mà lại buông lỏng quản lí, không có một cơ chế đủ mạnh để giám sát hoặc nếu có thì cũng chỉ để trang trí với vô vàn lỗ hổng.
       Có người bảo rằng: Hay là ông thiếu tiền. Xin thưa tiền thì biết bao nhiêu cho đủ. Thế nào là thiếu, thế nào là đủ và thế nào là thừa. Nhưng nếu bị lóa mắt vì tiền, nếu để đồng tiền chi phối, dẫn dắt thì chắc chắn sẽ trở thành sâu mọt hại nước, hại dân.
       Có người bảo: Hay ông nghèo mà nghĩ quẩn. Xin thưa có thể ông chưa phải là tỷ phú dola nhưng chắc chắn ông đã có nhà cao, cửa rộng, ô tô riêng. Thủ hỏi ở nước ta đã có bao nhiêu người có được cái “nghèo” như thế?
Có người bảo: Hay tại ông không giỏi làm quản lí nên dẫn đến cơ sự. Xin thưa điều ấy là có thể. Nhưng một khi ông không còn đủ sự tỉnh táo để nhận biết đúng về con người mình, để cho tình cảm lấn át đi lí trí thì hậu quả đến với ông là tất yếu.
       Đã làm quản lí là dính vào trăm thứ “ hằm bà lằng ”, còn đâu ra thời gian để đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Là một nhà khoa học chân chính họ chỉ toàn tâm, toàn ý cho nghiên cứu khoa học mà không màng đến những hư vinh khác. Nếu ông Tuấn có đủ can đảm từ chối cái ghế Giám đốc bệnh viện Tim mạch để tập trung cho chuyên môn thì chắc chắn hôm nay ông vẫn đang ngẩng cao đầu với tư cách là một Nhân tài đất Việt đứng đầu ngành y về chuyên khoa tim mạch.
       Nhớ lại hồi năm 1967 trong một lần nói chuyện về việc làm khoa học, GS Tôn Thất Tùng đã từng nói đại ý: Làm khoa học, làm chuyên môn thì phải tập trung vào công việc mà mình theo đuổi, kệ mọi thứ diễn ra xung quanh. Cứ nhấp nha nhấp nhổm thì chẳng làm được gì.
       Ông chia sẻ: Họ bảo với tôi làm Thứ trưởng Bộ y tế nhưng tôi nói cái đó ai làm cũng được, hãy để yên cho tôi làm chuyên môn. Rồi ông bảo: Tôi làm Giám đốc bệnh viện nhưng cũng chỉ tập trung làm chuyên môn thôi, mọi việc về nhân sự, tài chính, hội họp, báo cáo thì ông Phó kiêm Bí thư Đảng ủy làm hết. Nếu bảo tôi kí giấy thì tôi nói: Ông kí trước đi, ông chịu trách nhiệm nhé, tôi không chịu trách nhiệm đâu. Ông nói đi nói lại: phải say xưa, phải tập trung vào chuyên môn, phải hết sức tỷ mỷ, chính xác mới làm khoa học được.
       Với quan niệm ấy, với cách sống ây GS Tôn Thất Tùng thật sự là một thầy thuốc, một nhà khoa học thiên tài. Con người, sự nhiệp, đức độ và tài năng của ông sẽ còn lưu danh mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam chúng ta.
       Phải công bằng nhìn nhận, với tài năng, sự tận tâm và nhiệt huyết của mình, trong 8 năm ( 2012 – 2020 ) làm Giám đốc Bệnh viện Tim HN ông Nguyễn Quốc Tuấn đã có nhiều công lao, cống hiến cho Bệnh viện nói riêng và nền y học VN nói chung.
       Mong rằng sau khi cơ quan điều tra kết luận, những sai lầm của ông Tuấn chỉ do sơ xuất, thiếu kinh nghiệm trong quản lí chứ không dính dáng gì đến tư lợi cá nhân làm ảnh hưởng đến phẩm chất, đạo đức của người thầy thuốc.
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan