Cạnh tranh sức mạnh Mỹ - Trung qua hội nghị khí hậu quốc tế
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Bất đồng về các cam kết đối phó với biến đổi khí hậu là điểm nóng mới nhất trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc
Trong những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, nói rằng việc Chủ tịch Tập Cận Bình không đến dự hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc là một "sai lầm lớn" vì nó sẽ khiến ảnh hưởng của Bắc Kinh suy giảm. Trung Quốc sau đó đã đáp trả.
Theo tạp chí The Hill, điều này cho thấy ngay cả trong những vấn đề đòi hỏi sự hợp tác quốc tế như biến đổi khí hậu, mối quan hệ vốn đã bị kéo căng lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đứng trước rất nhiều sóng gió.
|
Ảnh: Reuters |
Các nhà lãnh đạo thế giới cũng như các nhà đàm phán hàng đầu tập trung tại Glasgow, Scotland, nơi họ đưa ra các thông báo về khí hậu và làm việc để hoàn thiện các quy tắc thực thi cho thỏa thuận Paris. Tổng thống Biden tham dự hội nghị trong 2 ngày và cử một phái đoàn gồm các bộ trưởng đến đây. Trung Quốc cũng có một phái đoàn nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình không có mặt.
"Trung Quốc, đang cố gắng khẳng định một vai trò mới trên thế giới với tư cách là một nhà lãnh đạo thế giới, lại không xuất hiện?... Điều quan trọng nhất thu hút sự chú ý của thế giới là khí hậu, ở khắp mọi nơi. Đó là một vấn đề lớn, và họ đã bỏ qua…", ông Biden nói với các phóng viên hôm 2/11.
Phía Trung Quốc lập tức phản pháo. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố "hành động mạnh hơn lời nói". "Điều chúng ta cần để đối phó với biến đổi khí hậu là hành động cụ thể chứ không phải những lời nói suông. Hành động của Trung Quốc để ứng phó với biến đổi khí hậu là thiết thực", ông Uông khẳng định.
Tại hội nghị ở Glasgow, Tổng thống Biden cũng chủ trì một phiên họp về sáng kiến Xây dựng Thế giới Tốt đẹp hơn - một kế hoạch về hạ tầng toàn cầu mà ông khởi xướng với các nhà lãnh đạo khác hồi mùa hè, được coi như một lựa chọn thân thiện với môi trường thay cho sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc.
Jennifer Turner, Giám đốc Diễn đàn Môi trường Trung Quốc của Trung tâm Wilson, cho rằng tuy Chủ tịch Tập Cận Bình không có mặt ở hội nghị, nhưng Trung Quốc vẫn "ngồi ở ghế lái". "Thế giới phải tương tác với họ", bà Turner bình luận, chỉ ra rằng Trung Quốc hiện là nước phát thải lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, đó có thể là cơ hội để chính quyền ông Biden "vun đắp lại tất cả mối quan hệ năng lượng sạch" đã bị tổn hại dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Và chính sách khí hậu của Mỹ có thể thay đổi tùy vào người lên nắm quyền. Trao đổi với tạp chí The Hill, Morgan Bazilian, cựu đại diện của Liên minh châu Âu (EU) trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, cho rằng thực tế này khiến cho sự xuất hiện của phía Mỹ trở nên quan trọng. "Ông Biden phải xuất hiện tại COP năm nay để chứng tỏ Mỹ đã trở lại bàn thương lượng", ông Bazilian nhận định.
Tuy nhiên, Charles Kupchan - người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Obama - lại chỉ ra rằng, sự vắng mặt của cả Trung Quốc và Nga tại cuộc họp của nhóm G20 và COP26 là một dấu hiệu mang tính cảnh báo.
"Tôi nghĩ rằng thực tế cả Nga và Trung Quốc đều không tham dự G-20 hay COP26 thể hiện mức độ mà chúng ta đang gặp vấn đề, và vấn đề đó là quản trị toàn cầu ngày nay đòi hỏi sự hợp tác vượt qua các ranh giới phân chia ý thức hệ, và chúng ta chưa có được điều đó, và liệu chúng ta đạt được hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ", ông Kupchan nêu quan điểm.
Thời gian qua, giới chức Mỹ đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc chưa hành động đủ về khí hậu. Nước này đặt mục tiêu đạt đỉnh lượng khí phát thải vào năm 2030 và đưa con số này về 0 vào năm 2060. Bắc Kinh cũng thông báo sẽ cắt giảm lượng tiêu thụ than từ năm 2026 và "hạn chế nghiêm ngặt" việc gia tăng sử dụng than cho đến mốc thời gian này.
Mục tiêu năm 2060 của Trung Quốc là đi sau một thập niên so với Mỹ cùng nhiều quốc gia phát triển khác. Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc lý giải, để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, thế giới cần đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng năm 2050. Theo giới chuyên gia, hạn chế nóng lên ở mức độ này sẽ giúp tránh được những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Bắc Kinh lập luận rằng Mỹ đã có nhiều thời gian hơn để phát triển trong khi Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phát triển, do đó xứng đáng có thêm thời gian để ngừng sử dụng than. Một nhóm các nước, trong đó có Trung Quốc, đã ra tuyên bố cho rằng nỗ lực toàn cầu đưa mức khí phát thải về 0 vào năm 2050 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
Mới đây, Mỹ và EU cũng đẩy Trung Quốc vào thế bất lợi về thương mại khi nhắm vào thép "bẩn". Họ công bố một mối quan hệ đối tác, dự định sẽ đàm phán một thỏa thuận nhằm giải quyết "cường độ carbon và tình trạng dư thừa toàn cầu" của các sản phẩm thép và nhôm. Theo bà Turner, động thái này sẽ "đóng cửa" Trung Quốc trong lĩnh vực buôn bán thép.
Tổng thống Biden đã vạch ra một chiến lược chính sách đối ngoại rộng lớn hơn hướng đến Trung Quốc, trong đó cần phải quản lý và thành công trong cạnh tranh với Trung Quốc và tránh xung đột. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước vẫn bùng phát trên nhiều mặt.
Trước cuối năm nay, Tổng thống Biden dự kiến sẽ có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với Chủ tịch Tập Cận Bình. Washington cho biết họ có thể vừa đối đầu với Trung Quốc ở những lĩnh vực bất đồng hoặc lo ngại, vừa tìm cách để hợp tác ở các lĩnh vực mà đôi bên cùng quan tâm.
( C. H sưu tầm)