Công an Hà Nội cảnh báo sau hàng loạt vụ cướp manh động
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Liên tiếp những vụ cướp tài sản xảy ra chỉ trong ít ngày, Công an Hà Nội đã xác định phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, đồng thời đưa ra những cảnh báo với người dân.
Theo Công an thành phố Hà Nội, chỉ trong tháng 1/2022, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra liên tiếp 5 vụ cướp tài sản.
Chiều 8/1, một vụ cướp xảy ra tại căn hộ ở chung cư Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), nơi nạn nhân sinh sống và làm công việc mua bán điện thoại di động cũ qua internet.
Quá trình truy xét, sau 4 ngày, Công an Hà Nội đã lần lượt bắt giữ 3 nghi phạm gây án là Nguyễn Tùng Lâm (SN 1987, quê Hưng Yên), Tô Văn Tình (SN 1993, quê Quảng Ninh) và Lê Duy Dự (SN 1994, quê Thanh Hóa).
Qua điều tra, cơ quan công an xác định, tuy không quen biết nhau từ trước nhưng cùng tham gia nhóm facebook "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều", các đối tượng đã chủ động liên lạc với nhau để rủ nhau đi cướp tài sản.
Phát hiện anh Trần T.A. sử dụng tài khoản facebook để rao bán điện thoại di động cũ qua mạng internet, các đối tượng đã bàn bạc và lên kế hoạch. Ngày 8/1, các đối tượng đi cầu thang bộ lên nhà nạn nhân để tránh camera.
Tại phòng của anh T.A., các đối tượng sử dụng bình xịt hơi cay tấn công chủ nhà, dùng băng dính, dây nhựa để bịt miệng, trói chân tay, khống chế nạn nhân, chiếm đoạt 4 điện thoại di động.
Vụ cướp thứ 2 xảy ra tối 14/1 tại một ngôi nhà ở đường Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm. Do không có nghề nghiệp ổn định, nợ tiền của nhiều người không có khả năng chi trả, Đỗ Ngọc Tú (SN 1991, ở Nam Từ Liêm) nảy sinh ý định đi cướp tài sản.
Tối 14/1, phát hiện một ngôi nhà chỉ có người phụ nữ cùng 2 con nhỏ, Tú đột nhập vào nhà, dùng dao bầu đe dọa, lấy đi một điện thoại iPhone 11 Promax và thẻ ATM cùng mật khẩu. Đối tượng sau đó rút được 3 triệu đồng từ thẻ ATM và bán chiếc điện thoại được 6 triệu đồng trước khi bị bắt.
Manh động hơn là vụ cướp xảy ra rạng sáng ngày 16/1 tại thôn 4, xã Hạ Bằng, Thạch Thất. Thông qua mạng xã hội, 2 đối tượng Trần Văn Hào (SN 1987, trú tại Can Lộc, Hà Tĩnh) và Phan Ngọc Trăm (SN 1999, ở Chi Lăng, Lạng Sơn) bàn bạc cùng chuẩn bị súng bắn đạn bi để đi cướp tài sản.
Phát hiện chị H.T.H. thường xuyên bán hàng online và đăng tải nhiều hình ảnh tiền mặt, hai đối tượng đã theo dõi một thời gian dài, xác định địa chỉ chị này livestream (phát trực tiếp) là tại Công ty cổ phần Thanh Hà, thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội.
Khoảng 1h30 ngày 16/1, Hào và Trăm đột nhập vào phòng bảo vệ công ty, rút súng khống chế bảo vệ, sau đó đạp cửa đi vào phòng ngủ của vợ chồng chị H. Hào cầm súng, Trăm cầm dao đe dọa, bắn súng lên trần nhà, khống chế vợ chồng chị H., yêu cầu đưa 100 tỷ đồng.
Đối tượng đã lục soát cướp đi 2 cọc tiền (khoảng 200 triệu đồng). Trước khi rời khỏi hiện trường, hai đối tượng yêu cầu vợ chồng chị H. phải chuẩn bị 5 tỷ đồng để tiếp tục nộp cho bọn chúng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Hai vụ án khác đều là các vụ cướp tài sản của lái xe taxi với thủ đoạn thuê taxi rồi cướp tài sản của tài xế.
Tối 14/1, Lê Văn Trường (SN 1991, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) từ ghế sau rút dao kề cổ tài xế taxi đe dọa, cướp 500 nghìn đồng rồi tẩu thoát. Chưa đầy một ngày sau, tối 15/1, Trường đã bị cảnh sát bắt giữ.
Với thủ đoạn tương tự, tối 15/1, Vũ Hoàng Huân sau khi chuẩn bị dao đã thuê taxi từ Hưng Yên lên Hà Nội. Đến đoạn đường vắng ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Huân dùng dao cứa vào cổ tài xế, lấy đi một triệu đồng rồi bỏ trốn về quê.
Làm sao để không thành mục tiêu của tội phạm?
Quá trình khám phá các vụ cướp tài sản trên, Công an Hà Nội xác định được phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội. Theo đó, các đối tượng lợi dụng triệt để môi trường trên không gian mạng, thành lập các hội nhóm kín trên mạng xã hội, kết bạn, cùng nhau thống nhất biện pháp, cách thức thực hiện hành vi cướp tài sản.
Các đối tượng rà soát, nhắm đến những người kinh doanh online, chọn làm mục tiêu để phạm tội; theo dõi, tìm hiểu kỹ địa điểm kinh doanh, đợi thời cơ thuận lợi để thực hiện hành vi cướp tài sản.
Đối với những nạn nhân ở chung cư, nhà cao tầng, các đối tượng đi cầu thang bộ để tránh camera phát hiện, lưu giữ hình ảnh. Các đối tượng đi lại tại khu vực, địa bàn, tìm nhà có sơ hở, vắng người để khống chế, cướp tài sản.
Đối với các vụ cướp xe ôm, xe taxi, đối tượng thuê xe, yêu cầu lái xe đi lòng vòng trên nhiều tuyến đường, đến đoạn đường vắng thì thực hiện hành vi cướp tài sản. Thời gian thực hiện vào đêm tối.
Theo Công an Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do ý thức cảnh giác của người dân trong tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản cá nhân còn thấp. Một số vụ án có nguyên nhân từ việc bị hại tự khoe khoang, thể hiện tài sản cá nhân trên các trang mạng xã hội nhằm mục đích quảng cáo sự giàu có để bán sản phẩm.
Đối với các vụ cướp tài sản của lái xe taxi, mặc dù lái xe đã được cơ quan công an tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn nhận và chở khách đi lòng vòng qua nhiều tuyến đường, không rõ điểm đến, để đối tượng lợi dụng gây án.
Công an Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, phòng, chống và tham gia tố giác tội phạm; tự trang bị các kiến thức cần thiết để hạn chế thấp nhất các nguyên nhân do chủ quan để tạo điều kiện cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội.
Người dân không công khai các thông tin cá nhân, địa chỉ, hình ảnh của bản thân, con cái, người thân trong gia đình, không hiện sự giàu có trên các hội, nhóm mạng xã hội để làm mục tiêu cho đối tượng gây án để ý, theo dõi.
Đối với những người hành nghề xe ôm, lái xe taxi, cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, hạn chế trường hợp bắt khách dọc đường, bắt khách không thông qua ứng dụng; chủ động phát hiện các trường hợp khách có biểu hiện nghi vấn đi lòng vòng, đi đến khu vực vắng người, không có điểm đến rõ ràng.
Khi bị các đối tượng khống chế, đe dọa để cướp tài sản, tài xế phải thật bình tĩnh, chấp hành các yêu cầu của đối tượng, không nên chống lại, lợi dụng sơ hở của đối tượng thì thoát ra khỏi xe, hô hoán để người dân hỗ trợ.
Đối với các ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, doanh nghiệp, không nên trưng bày quá nhiều vàng bạc, đá quý làm đối tượng chú ý, làm mục tiêu gây án; nên đóng cửa hàng trước 18h hàng ngày.
Chủ động tổ chức lắp đặt hệ thống chuông báo động kết nối cơ quan công an và camera giám sát; định kỳ kiểm tra chất lượng hoạt động của hệ thống chuông báo động và camera giám sát…
( C. H sưu tầm)