Vừa kết thúc cung đường Xuân Lộc - Long Khánh đầy ắp cây trái và hồ tiêu, vợ chồng tôi dừng chân ở một quán nước mía ven đường thị trấn Võ Xu (Bình Thuận), trước khi men theo quốc lộ 55 đến thành phố Bảo Lộc.
Quán nước mía nhỏ, bày bàn ghế nhựa đủ màu sắc. Vài cái võng dù được mắc sẵn trong khoảng sân phía trong để khách đường xa có thể chợp mắt giây lát. Chị chủ quán chào chúng tôi bằng câu "Chúc mừng Năm mới" quen thuộc, thể hiện sự vui mừng vì đầu năm được khách Tây "mở hàng" rồi nhanh nhẹn mang đến hai ly nước mía mát lành. Gió xuân thổi nhẹ, ánh nắng vàng khiến cội mai già trước nhà thêm rực rỡ và nụ cười của những em nhỏ đang nô đùa trong sân thêm rạng ngời.
Những hình ảnh tươi đẹp bắt gặp trên đường ấy đã trở thành một ký ức khó quên của vợ chồng tôi trong nhiều chuyến xuất hành đầu xuân.
Một Tết khác, chúng tôi cùng trải nghiệm nấu bánh tét với dân làng ở Quảng Ngãi. Cả thôn chỉ có vài nhà nên mọi người ngồi thành vòng tròn, ở giữa bày thịt heo ướp sẵn với lá dong đã rửa sạch, gạo nếp đã ngâm trước, đậu xanh đã đồ chín. Năm đó, chúng tôi đón giao thừa bên nồi bánh tét khổng lồ, cùng nghe những câu chuyện lý thú ở làng. Đến sáng, những chiếc bánh vừa chín thơm nức được vớt ra, một phần đặt lên bàn thờ gia tiên, phần còn lại đem ra thưởng thức. Về sau, dù được thử nhiều bánh tét ở các vùng khác ở Việt Nam, hương vị bánh tét Quảng Ngãi với tôi vẫn là số một.
Có lần, điểm đến đầu năm của chúng tôi là một ngôi chùa ở Nha Trang vào một sáng sớm tĩnh lặng. Ngôi chùa nằm trên ngọn đồi hình con dơi đang sải cánh, hoa lá xanh tươi bao quanh. Tôi đã không cầu nguyện gì mà chỉ ngồi lặng im dưới chân bức tượng Phật lớn. Trong khoảnh khắc đôi mắt từ từ khép lại, tôi thấy mình dường như đang nhè nhẹ tan ra như làn khói từ chiếc lư đồng hòa vào khung trời xanh ngát.
Chúng tôi luôn có những trải nghiệm tốt đẹp trong những chuyến xuất hành đầu năm, vì thế, tôi rất thích tục lệ này của người Việt. Thời xa xưa, tổ tiên người Việt ra khỏi nhà vào những khung giờ khác nhau là để chiêm nghiệm thời tiết, giúp ích cho mùa màng. Theo đó, việc đi theo hướng nào, vào giờ nào để gặp may mắn có lẽ là không quan trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhiều người sẽ không cùng quan điểm này. Một anh bạn làm ăn của tôi đổ lỗi cho những thất bại kinh doanh trong năm cũ là do anh đã không đi theo hướng xuất hành có tài thần. Sự hối tiếc khiến anh buồn bực, cay cú, làm ảnh hưởng cả vợ con và những người xung quanh. Vậy việc anh chọn xuất hành hướng có hỷ thần xem ra cũng trở nên vô nghĩa.
Đối với vợ chồng tôi, hướng xuất hành tốt là hướng đến nơi mà mình cảm thấy hứng khởi nhất vào thời điểm đó. Chỉ cần bạn ra đường với tâm trạng cởi mở, thưởng thức thời tiết đẹp, gặp những con người tươi vui, chúc nhau những lời tốt đẹp và thưởng thức nhiều món ngon thì đó là ngày may mắn. Lượng dopamine sản sinh ra trong trí não bạn lúc này cao gấp nhiều lần so với việc lo lắng xuất hành có đem lại may mắn cho mình hay không. Những trải nghiệm mới mẻ còn giúp tái cấu trúc não bộ của con người, liên kết tế bào và kích thích các chất nền thần kinh của các trạng thái như hạnh phúc, yêu thương, biết ơn, trắc ẩn... Có lẽ nhờ những chuyến đi dọc đất nước Việt Nam, gặp gỡ những con người hồn hậu mà tình yêu Việt Nam trong tôi luôn được bồi đắp và tươi mới.
Mong ước lớn nhất của tôi lúc này là cuộc sống mau chóng trở lại như những ngày trước đại dịch. Lúc đó, gia đình tôi sẽ cùng nhau thăm nhiều nơi mới mẻ trên dải đất xinh đẹp này.
Jan Rybnik (Nguyên tác Tiếng Việt)
(PS st theo VnExpress)