“Ukraina vì đâu nên nỗi” - Góc nhìn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 09:47 27/02/2022 Lượt xem: 345


UKRAINA VÌ ĐÂU NÊN NỖI

Hoàng Văn Kính
 
       Những ngày qua tình hình an ninh ở nước Công hòa Nhân dân Ukraina nói riêng và lục địa già nói chung căng như dây đàn, nhiều chính trị gia, báo chí phương Tây dự đoán xa hơn rất có thể đấy là sự khởi đầu cho cuộc chiến tranh Thế giới mới – Thế chiến thứ 3.
       Cầu mong điều ây không xẩy ra.
      Công hòa nhân dân Ukraina vốn là một thành phần của Liên bang Xô-viết bị tan rã và tuyên bố độc lập năm 1991. Với diện tích; 603.700km2, dân số 43,9 triệu người ( năm 2019 ) là nước lớn thứ 44 trên thế giới và lớn thứ 2 trong khối Liên-xô ( sau Liên bang Nga ) xét cả về diện tích đất đai, dân số, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng, từng là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất Đông Âu, thu nhập của người dân gấp 100 lần ( 1990 ) giờ chưa bàng ¼ thu nhập bình quân của người dân Việt Nam.
       Họ được thừa hưởng kho vũ khí khổng lồ. Có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, máy bay ném bom chiến lược, đóng được tầu sân bay, từng là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới về số lượng và chất lượng chỉ sau Mỹ và Nga.
       Nga và Ukraina là 2 dân tộc anh em ( tuy cũng không ít thăng trâm ). Người Nga chiếm 17,3 % dân số, chủ yếu sống ở phía đông và đông nam Ukraina. Họ có cùng nguồn gốc Đại công quốc Kievan Rus từ thế kỉ thứ 9 đến thế kỉ thứ 13, cùng với Belarus họ là 3 quốc gia thuộc hệ thống Slav.
       Tổng thống Nga V.Putin từng tuyên bố: Nga và Ukraina là một dân tộc cùng chia sẻ không gian lịch sử và tinh thần chung. Từ năm 1917 Ukraina là một thành phần trong đại gia đình Liên bang Xô-Viết kéo dài mãi đến năm 1991 khi Liên-Xô tan rã. 38 năm sau ngày tuyên bố độc lập, Nga và Ukraina có hai thập kỉ đầu tiên hợp tác tương đối chặt chẽ trên tinh thần láng giềng hữu nghị dù ở Ukraina luôn tồn tại hai khuynh hướng tư tưởng hoàn toàn đối lập: một ngả theo phương Tây, gia nhập NATO và Liên minh châu Âu ( EU ), một bên là duy trì quan hệ gần gũi với Nga song không có mâu thuẫn lơn nào nổ ra trong giai đoạn này.
       Chỉ đến cuối năm 2013 khi Tổng thông Victor Yanukovich người được cho là có quan điểm thân Nga bị lật đổ trong một cuộc bạo loạn, tình hình đất nước mới trở nên bất an kéo dài. Các Chính phủ sau này đều điên cuồng chống Nga thân phương tây. Bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý với trên 90% ủng hộ trở lại với nước Nga, Donetsk và Luhansk gọi chung là vùng Donbass ở miền đông bỏ phiếu tuyên bố độc lập, tách ra khỏi lãnh thổ Ukraina.
       Chiến tranh nổ ra giữa quân Chính phủ và hai vùng li khai đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng. Đến ngày 21/2/2022 nước Nga mới công nhận nền độc lập của 2 vùng lãnh thổ này. Và rạng sáng 24/2 Nga động binh, chiến tranh thật sự đã nổ ra trên đất Ukraina.


Một binh sĩ Ukraine tại vị trí giao tranh bên ngoài thành phố Kharkov
ở phía đông bắc nước này ngày 24/2. Ảnh: 
Reuters.

 
       Sự mù quáng ngả theo phương Tây điên cuồng chống lại Nga của giới lãnh đạo Ukraina đã phải trả một cái giá quá đắt bằng cảnh chết chóc tang thương, đất nước bị chia cắt, bị tàn phá.
       Nội bộ đất nước nào cũng vậy luôn tồn tại những quan điểm và khuynh hướng tư tưởng khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Tuy nhiên không phải ở đâu cũng xẩy ra cảnh huynh đệ tương tàn như những gì đang diễn ra ở Ukraina. Cái tài và sự khôn khéo của những người lãnh đạo là biết lắng nghe, biết dung hòa, cân bằng các mối quan hệ, các lợi ích của mọi tầng lớp trong xã hội để hướng tới sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Nhưng Kiev không làm như vậy, bằng đường lối thân phương Tây họ đã khuyến khích sự chia rẽ giữa các vùng miền, giữa những người nói tiếng Nga với dân bản địa, cô lập, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế, mọi liên hệ với hai vùng li khai, chặn kênh đào đưa nước vào bán đảo nuôi sống người dân Crimea...
       Sau đảo chính lật đỏ Tổng thống Yanukovich giới lãnh đạo sau này đều là những người có tư tưởng chống Nga một cách mù quáng, nghiêng hẳn về lập trường của phương Tây. Họ cổ xúy, ve vãn phương Tây và ra mặt bài Nga, nhiều lần công khai tuyên bố Ukraina là tiền đồn chống Nga của phương Tây, kêu gọi Mỹ và phương Tây đưa quân và trang thiết bị quân sự vào đất nước họ. Mơ về thế giới phương Tây họ tìm mọi thủ đoạn để đoạn tuyệt với Nga, đưa cả vào Hiến pháp điều luật khảng định mục tiêu gia nhập NATO và EU.
       Mù quáng theo phương tây để rồi phải nhận cái kết đắng, khi đất nước lâm nguy những anh cả, anh hai, anh ba…đều quay lưng lại.
       Ngày 25/2 Tổng thống Ukraina ông Zelenski đã phải chua chat thừa nhận: “ Chúng tôi đã bị bỏ rơi một mình trong cuộc chiến bảo vệ nhà nước của chúng tôi… Ai sẵn sàng chiến đấu cùng chúng tôi? Không ai cả. Ai sẵn sàng đảm bảo tư cách thành viên NATO cho Ukraina, ai cũng lo sợ… Hôm nay tôi đã trực tiếp hỏi 27 lãnh đạo châu Âu liệu Ukraina có được đảm bảo gia nhập NATO hay không, mọi người đều lo sợ không trả lời”.
       Bài học quá đắt cho tư tưởng thù hận, thiếu đường lối đối ngoại độc lập-tự chủ, mù quáng, ngây thơ tin vào những lời hứa đường mật của các nước phương Tây. Xem ra giới lãnh đạo Ukraina hôm nay đã quên bài học lịch sử đắng ngắt ở Gruzia cách đây 14 năm ( 8/8/2008 ).
       Bài học xương máu cho lãnh đạo tất cả các quốc gia trên thế giới.

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội

tin tức liên quan