Bầu Đức tâm sự thật lòng: Tất cả đều có thể 'ngã ngựa', ngày mai không nói trước được

Ngày đăng: 07:06 10/04/2022 Lượt xem: 164

Bầu Đức tâm sự thật lòng: Tất cả đều có thể 'ngã ngựa', ngày mai không nói trước được

                                   Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Bầu Đức đặt mục tiêu xuất chuồng 1 triệu con heo vào năm 2023, tập trung vào thị trường nội địa. Nhưng không ít nỗi lo khi đại gia này từng thất bại với cao su, nuôi bò, trái cây...

 

Năm 2022 lợi nhuận gần gấp 10 lần 

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho thấy, lợi nhuận sau thuế của DN là 128 tỷ đồng. Trong năm qua, ngành cây ăn trái đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu hoạt động của Tập đoàn với sản phẩm chủ lực là chuối. Tính đến cuối năm, diện tích cây ăn trái vào khoảng 10.000ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong đó, diện tích chuối khoảng 5.000ha. Loại quả này chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, từ năm 2020, HAGL bắt đầu tham gia đầu tư chăn nuôi heo. Năm 2021, Tập đoàn xây dựng 7 cụm chuồng trại chăn nuôi với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm. Doanh thu từ ngành này cũng chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu doanh thu của HAGL.

Tại Đại hội Cổ đông thường niên mới diễn ra, Tổng Giám đốc HAGL - ông Võ Trường Sơn cho biết, kế hoạch năm 2022, tổng doanh thu là 4.820 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với doanh thu năm 2021 (2.097 tỷ đồng).

Bầu Đức trao đổi với các cổ đông tại Đại hội ngày 8/4 (ảnh: Trần Chung)

Trong cơ cấu tổng doanh thu, doanh thu đến từ cây ăn trái là 2.732 tỷ đồng; chăn nuôi heo 1.500 tỷ đồng; các ngành khách 588 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Tập đoàn tính toán lợi nhuận sau thuế năm 2022 sẽ đạt 1.120 tỷ đồng, tăng 8,75 lần so với năm 2021.

Kế hoạch năm nay, HAGL đầu tư trồng thêm 2.000 ha chuối, nâng tổng diện tích chuối sở hữu lên 7.000 ha. Đồng thời, DN xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt, gồm 2 cụm tại Lào; 2 cụm tại Campuchia. Từ đó, nâng tổng số cụm chuồng trại lên 16 cụm với công suất hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm, kể từ năm 2023.

1 triệu con xuất chuồng

Sau hơn 15 làm nông nghiệp từ trồng cây cao su; chanh dây; nuôi bò, đến nay, Chủ tịch Tập đoàn HAGL - ông Đoàn Nguyên Đức đang đi theo công thức “Một cây -– Một con”, tập trung trồng cây chuối và nuôi heo. 

Dẫu vậy, không phải là không có khó khăn thời điểm này cho xuất khẩu chuối. Bầu Đức thừa nhận, chi phí logistics hiện nay tăng. Trung Quốc đang áp dụng chính sách “Zero Covid” nên tàu bè rất khó vào một số cảng. Chi phí hiện bị đẩy từ 1.200 lên 3.000 USD/container. Nhưng giá vận chuyển sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới khi Trung Quốc không còn áp dụng chính sách nghiêm ngặt như hiện tại.

Đại hội Cổ đông HAGL ngày 8/4 đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ, tổng giá trị dự kiến thu được từ đợt chào bán khoảng 1.700 tỷ đồng, số lượng cố phiếu chào bán là gần 162 triệu cổ phiếu. Số tiền thu được để bổ sung nguồn vốn tập trung đầu tư vào mảng chăn nuôi và trồng cây ăn trái của Tập đoàn. Ngoài ra, khoảng 500 tỷ huy động được dự kiến trả nợ gốc với khoản trái phiếu mà HAGL phát hành từ năm 2016.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ông nhận định, Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 35 triệu con heo. HAGL đặt mục tiêu xuất chuồng khoảng 1 triệu con vào năm 2023 là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế trong nước. Cùng với đó, Tập đoàn hướng đến xây dựng lò mổ công suất 3.000 con/ngày và nhà máy chế biến sản phẩm từ heo như xúc xích, chả giò, giăm bông…

Hiện HAGL xây dựng giá “heo ăn chuối” thành phẩm bán ra từ 53.000-55.000 đồng/kg; giá chuối 10.500 đồng/kg.

Để thêm nhân sự chuyên môn, ông Trần Văn Dai - một chuyên gia về thức ăn chăn nuôi, người từng làm việc tại CP Group Thái Lan và Tập đoàn Hòa Phát - đã được bầu bổ sung tham gia HĐQT Tập đoàn HAGL nhiệm kỳ 2020-2025.

Tuy nhiên, cũng có cổ đông còn hoài nghi về con số lợi nhuận đặt ra năm 2022 của HAGL cũng như hướng đi “Một cây - Một con” với mục tiêu 1 triệu con heo thịt năm 2023. Bởi, bản thân bầu Đức từng nếm mùi thất bại từ kế hoạch nuôi bò tuy lợi nhuận cao nhưng mất thanh khoản thời điểm đó bởi đầu tư lớn vào cây cao su. 

“Liệu ông có sợ bị “ngã ngựa” lần nữa như kế hoạch nuôi bò trước đây không”, một cổ đông đặt câu hỏi.

Trả lời, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho rằng, tất cả các công ty đều có thể ngã ngựa. Đây là quy luật trong kinh doanh, không ai có thể tự xưng duy trì mãi mãi được. Tuy nhiên, theo ông Đức, HAGL đã từng “ngã ngựa” và biết đau nên không chủ quan. Tập đoàn này ngã từ năm 2016, trong vòng 5 năm nay gần như không có quan hệ với khối ngân hàng, tổ chức tín dụng do bị cấm vận trong vay vốn. Dẫn đến, HAGL phải duy trì hoạt động trong tình trạng “liệu cơm gắp mắm” và thực hiện tái cấu trúc mạnh bộ máy thời gian qua.

“Ngày mai ra sao không nói trước được nhưng tôi có kinh nghiệm thất bại. Có người tin và cũng có người không tin vì tôi đã thất bại. Nhưng ngã lần thứ hai đối với HAGL là hơi khó. Tập đoàn xuống sâu rồi, giờ đến lúc phải lên”, bầu Đức nói.

( C.H sưu tầm)

tin tức liên quan