“Cái gì cũng đúng nhưng nơi này nơi kia nhìn đâu cũng thấy sai sai” – Góc nhìn của Hoàng Văn Kính.

Ngày đăng: 05:30 20/06/2022 Lượt xem: 203
CÁI GÌ CŨNG ĐÚNG NHƯNG NƠI NÀY NƠI KIA
NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY SAI SAI

Hoàng Văn Kính

     
 BÀI 1: CÔNG TÁC NHÂN SỰ

  
       Dù muốn hay không thì mỗi người trong chúng ta đều thừa nhận một thực tế từ ngày bác Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tiêu cực- tham nhũng công cuộc “ đốt lò ” làm trong sạch nội bộ Đảng đã gặt hái được rất nhiều thành công, giảm được phần nào bức xúc xã hội, bước đầu đã lấy lại được niềm tin trong dân chúng. Nhiều củi to củi bé, củi khô củi tươi đã lần lượt phải vào lò, chịu những hình phạt thích đáng khác xa với những giai đoạn trước đó đất nước bị khuynh đảo, lòng dân bất an bởi bọn quan tham vụ lợi, cướp bóc, đục khoét, tàn phá.
       Bên cạnh niềm vui cũng còn một sự thật mà ai cũng thấy, cũng băn khoăn đặt câu hỏi: Tại sao công cuộc đốt lò diễn ra quyết liệt như vậy mà tiêu cực, tham nhũng không hề giảm thậm chí còn gia tăng cả về tính chất, mức độ và quy mô. Riêng trong năm 2021 đã xử lí 32 cán bộ thuộc diện Bộ chính tri, Ban Bí thư quản lí ( tăng 15 trường hợp so với năm 2020 ). Toàn những vụ đình đám dính dáng đến rất nhiều quan chức của Đảng, công bộc của dân.
       Nhiều người đặt câu hỏi: Tham nhũng có phải đã phát triển đến giai đoạn lũng đoạn Nhà nước?
      Đảng và Nhà nước đã có nhiều Nghị quyết và rất nhiều văn bản chỉ đạo, quy định quản lí, giáo dục, răn đe, ngăn chặn cán bộ, đảng viên làm những điều sai trái nhưng xem ra nhiều văn bản còn thiếu tính khả thi, đâu đó vẫn còn nhiều lỗ hổng để lũ sâu mọt hoành hành.
       Để xẩy ra tình trạng đó, công tác nhân sự có lẽ đang là khâu yếu nhất. Ai cũng biết tham những, tiêu cực chỉ xẩy ra ở một bộ phận người có chức, có quyền, được quản lí bởi cả một hệ thống công tác tổ chức, công tác cán bộ từ trên xuống đến cơ sở.
       Người ta tìm mọi thủ đoạn mua bán, đổi chác, bợ đỡ, luồn lách, rũ bỏ cả liêm sỉ, danh dự… để có được chức quyền bời vì nó gắn liên với bổng lộc. Bất kì cái ghế nào cao hoặc thấp, to hoặc bé ít nhiều cũng có thể cho bổng lộc, bởi vậy cán bộ từ cao cấp đến thấp cấp bất chấp cả luân thường đạo lí cứ trơ trơ coi trời chỉ bằng cái vung méo là một thực trạng kéo dài trong nhiều năm qua. Nếu công tác nhân sự tốt thì không thể có chuyện nguyên cả một bộ sậu điều hành chứng khoán quốc gia phải dắt dắt tay vào lò rồi cả một bộ sậu chóp bu từ trên xuống dưới thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ, Cục Điều tra chống buôn lậu, cả một dàn tướng tá của Học viện Quân y, Cảnh sát biển… ấy là chưa kể đến các vụ việc tầy đình trước đó.
       Thoái hóa, biến chất, tham những ngày nay không còn là hiện tượng đơn lẻ, cá biệt, nó mang tính hệ thống, cứ thấy mùi tiền là ruồi nhặng bu vào, mang danh vừa hồng vừa chuyên họ đã tự biến thành tắc kè hoa. Tất cả họ đều là những công dân “ ưu tú”, đã có một quá trình công tác lâu dài trong hệ thống Đảng, hệ thống công quyền ấy vậy mà chẳng ai hiểu rõ bản chất thật trong con người họ, đó là cái lỗi của hệ thống. Quy hoạch cán bộ theo cách làm lâu nay có mặt tích cực là để nắm bắt, đào tạo bồi dưỡng, giáo dục rèn luyện có chiều dài và chiều sâu nhân sự, tuy nhiên đấy cũng là kẽ hở để nhiều kẻ cơ hội cố ý chạy chọt, núp danh con cháu các cụ luồn lách chui sâu, leo cao vào bộ máy.. Nếu không phải con cháu các cụ cả thì mấy ai được vào diện quy hoạch, tốp này được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi so với các tầng lớp khác.
       Thực tế này đã tạo ra một lớp cán bộ an phận, triệt tiêu động lực tích cực, núp ô coi thường vương pháp, tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu công bằng, không quy tụ được tài năng trong xã hội. Trước kia vào Đảng để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân còn ngày nay một số không ít đã nằm trong quy hoạch thì phải vào Đảng bằng bất kì giá nào, phải lo chạy chọt ( kể cả mua bán, lừa lọc, dối trá ) để thành đảng viên mong có cơ hội luồn sâu, leo cao.
       Công khai thi chọn nhân tài, tuyển dụng nhân sự đưa vào quy hoạch có tốt hơn, công tâm hơn cách làm quy hoạch trước rồi mới đào tạo bồi dưỡng sau. Đã có những thế lực ngầm, đã có những cái bắt tay cấu kết giữa quyền lực và tiền bạc thực hiện chủ trương luân chuyển, trẻ hóa cán bộ để đưa người thân, phe nhóm, cánh hẩu vào bộ máy lãnh đạo nhằm mưu đồ hậu thuẫn cho kế hoạch thâu tóm quyền lưc, lợi ích nhóm. Người ta gọi nhiều trường hợp luan chuyển cán bộ là ‘ tráng men”, điển hình như trường hợp anh Nhân Chinh con ông Nguyên bí thứ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, chỉ trong vòng 6 tháng anh ta chuyển đến 3 vị trí, từ cán bộ đoàn được luân chuyển làm bí thư Thành ủy, bị dư luận lên án lại chuyển qua là Phó Giám đốc Sở, ngồi chưa ấm đít đã ôm trọn cái chức danh Giám đốc. Sự thăng tiến còn nhanh hơn cả một nước cờ vua!
       Thi công chức là việc làm tốt được dư luận hoan nghênh nhưng chưa phổ biến bởi còn quá nhiều rào cản mà các quan chức cũng chẳng ai thích cả. Nếu không có một Hội đồng thật công tâm, nếu không loại bỏ được tư tưởng cục bộ, cánh hẩu, vụ lợi, nếu chỉ chăm chắm vào cái đáp án được chuẩn bị sẵn thì những cuộc thi ấy cũng chỉ là hình thức. Nên chăng kết hợp giữa quy hoạch với tổ chức thi sàng lọc theo định kì. Phải coi đó là một điều kiện bắt buộc với tất cả các quan chức từ cấp tỉnh, cấp Bộ và tương đương trở xuống. Không thể để tồn tại một ông Bí thư Tỉnh ủy phải có người nhắc bài khi bị Thủ tướng truy vấn, một ông Bộ trưởng phải để Thủ tướng cầm tay chỉ việc…Tuy nhiên nói thi thì dễ, nhưng thi làm sao cho đúng, cho thật khách quan để chon được hiền tài với cơ chế như hiện nay thì quả là rất khó. Cái thời của chủ nghĩa lí lịch đã qua rồi, nhưng ngày nay nó vẫn là cái cớ hợp pháp để phân biệt đối xử, tạo sự bất công.
       Không ưa thì dưa có dòi, ngược lại nếu đã vào guồng, hợp cạ lại có Ệ, có 5 C thì tất cả đều O.K. Để có một bản lí lịch đẹp, đáp ứng sự mong mỏi của các tiêu chí nên người ta mới nghĩ ra và bảo vệ thành công cái luận án Tiến sỹ mà đến bác nông dân chân ướt mắt toét cũng phải buồn cười như cái luận án: “ Nghiên cứu giải pháp môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La” và khi tìm hiểu từ khóa của chuyên trang này ta thấy có tới 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công đề tài tương tự. Rồi Tiến sỹ cờ vua. Tiến sỹ yoga, tiến sỹ bóng rổ…Nếu để tính thành tích thì nước ta là một trong những quốc gia thuộc hàng có nhiều luận án Tiến sỹ nhất tính theo tỷ lệ đầu người nhưng số luận án xếp xó tủ cũng thuộc hàng đứng đầu hành tinh.
       Việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ hiện nay dù to hay bé tất cả đều được sàng lọc theo nguyên tắc tập thể theo đa số. Bên cạnh tính ưu việt, nguyên tắc này lại bộc lộ một lỗ hổng “ chết người”, đã là tập thể thì sẽ có tình trạng “ Vận động hành lang”, “cha chung không ai khóc”, không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cuối cùng về nhân sự được bổ nhiệm. Nếu “ có biến” rút kinh nghiệm xong là huề cả làng.
       Trường hợp ông Nguyễn Văn Nam Bí thư Bình Dương và một số quan chức gần đây lọt lưới vào ban lãnh đạo các cấp là điển hình, mực chưa kịp ráo đã ngã ngựa một cách nhục nhã. Ai đã đưa ông này vào diện quy hoạch cán bộ, ai đã duyệt đề cử để ông ứng cử vào đại biểu Quốc hôi? . Vụ việc tiêu cực ở Cảnh sát biển Việt Nam, vụ việc ở Việt Á, ở biên phòng Bà Rịa-Vũng tầu, ở Tổng lãnh sự Bộ ngoại giao… chẳng lẽ những người đứng đầu Bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… ở thời điểm đó lại vô can, không chịu trách nhiệm gì trước Đảng, trước dân!. Cấp trên kiểu ấy thì ai chả làm được, miễn là được cơ cấu! Xem ra quy định số: 41-QĐ/TW của Bộ chính trị : “ Sẽ miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lí, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xẩy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Còn trường hợp xẩy ra nghiêm trọng thì xem xét từ chức” không đủ sức răn đe, không tạo ra được phép mầu.
       Cách xử lí: Phạt cho tồn tại; điều động qua vị trí tương đương hoặc đẩy lên vị trí khác cao hơn chẳng khác gì khuyến khích tiêu cực tham nhũng.
       Thể chế nào, đất nước nào cũng có tham nhũng tiêu cực, chỉ ít hay nhiều mà thôi nhưng theo kiểu các quan tham không biết sợ, lôi cả họ hàng, anh em vào cuộc, sẵn sàng trà đạp lên tất cả, sẵn sàng trả bất kì giá nào; vụ việc sau tính chất quy mô phức tạp hơn vụ trước, tham nhũng theo hệ thống, liên kết nhiều ngành, nhiều địa phương trong một thời gian dài…thì có lẽ chỉ ở ta mới có.
       Tham nhũng là khốn nạn, nhưng trực tiếp ăn chặn ngay cả trên xương máu, sự bất hạnh của đồng bào mình trên hầu khắp các tỉnh thành cả nước trong đại dịch Covit-19 vừa qua thì sự khốn nạn ấy chẳng có gì so sánh được cả. Có nên nghiêm túc xem xét tư cách, năng lực của những người làm nhân sự các cấp có cán bộ vi phạm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã từng đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó. Hay có một thành viên trong Ban chỉ đạo đặt vấn đề: Lò đấu tranh chống tham những, tiêu cực phừng phừng như thế nhưng hành vi tham nhũng tiêu cực vẫn ngang nhiên, trắng trợn, quy mô lớn, tính chất rất nghiêm trọng, có tổ chức thì có ai chống lưng, có ai là chỗ dựa không?

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội

tin tức liên quan