“Cái gì cũng đúng nhưng nơi này nơi kia nhìn đâu cũng thấy sai sai”. Bài thứ 2 – Góc nhìn của Hoàng Văn Kính.

Ngày đăng: 09:12 28/06/2022 Lượt xem: 284
CÁI GÌ CŨNG ĐÚNG NHƯNG NƠI NÀY NƠI KIA
NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY SAI SAI
Hoàng Văn Kính

     
 BÀI 2: LỖI HỆ THỐNG

 
       Đảng và Nhà nước ta có cả một hệ thông các cơ quan kiểm tra, thanh tra giám sát từ TW đến cơ sở được vận hành theo một cơ chế thống nhất, chặt chẽ nhưng có thể nói rằng hệ thống này không phát huy được tác dụng – Trừ hoạt động hiệu quả của Uỷ ban KTTW, UB Phòng chống tham nhũng-tiêu cực TW nhiệm kì gần đây - Đặc biệt là hệ thống kiểm tra, thanh tra giám sát ở các tỉnh thành, các Bộ , các ban bệ ở nhiều nơi nếu không muốn nói là tất cả đã bị tê liệt.
       Lỗi hay nói cách khác sự yếu kém nằm trong cả một hệ thống gồm các cơ quan làm nhân sự, các cơ quan thanh tra, kiểm tra giám sát và ở các cơ chế trong đó có cả cơ chế quản lí cán bộ, cơ chế quản lí tài chính, cơ chế đấu thầu… dĩ nhiên yêu tố chủ quan vẫn do tự thân những người phạm tội gây ra.
       Tất cả những vụ tham nhũng tiêu cực vừa qua đều có tổ chức, có dây dợ liên minh ma quỷ, thành những nhóm lợi ích lớn bé hàng chục, hàng trăm người trên một địa bàn trải rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức nhưng có mấy vụ được các cơ quan chức năng trực tiếp phát hiện mặc dù năm nào cũng được kiểm tra, thanh tra rất bài bản. Có cảm giác lá chắn, tấm khiên vững chắc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ đã mất uy lực.
       Tại sao lại như vậy? Bởi những người này đã bị chi phối bởi quá nhiều các mối quan hệ cùng chung lợi ích. Dĩ nhiên họ cũng là con người nhưng là con người của con người, sự khác biệt ở họ với những người bình thương ở quan điểm, lập trường, bản lĩnh, nhân cách, năng lực… Bởi thiếu những điều ấy nên họ thiếu công tâm, mất tính độc lập. Nhất nhất cái gì cũng phải lắng nghe từng hơi thở, ánh mắt, giọng nói và thái độ của anh, nói và làm bất cứ điều gì cũng phải đón ý anh ( nhưng rất đáng tiếc nhiều anh chẳng ra anh ). Họ đã tự biến mình thành con rối cầu lợi trong thực thi nhiệm vụ bởi vậy nên sâu bọ cứ lổn nhổn, càng diệt càng sinh sôi nẩy nở.
       Công tác cán bộ mà bỏ qua mọi quy tắc ràng buộc, to bé đều đội Ệ lên đầu ( Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ và cuối cùng mới là trí tuệ ) thì sâu bọ nhiều là phải; đi kiểm tra, thanh tra mà trống rong cờ mở, lên kế hoặch thông báo trước cả năm, cả tháng thì khác gì rủ nhau đi bát gái, đánh chén, nhận bao lì xì. Điều ấy giải thích tại sao những vụ việc xẩy ra ngay trong cơ quan, đơn vị, để kéo dài từ năm này qua năm khác, từ nhiệm kì này qua nhiệm kì khác mà không bị phát hiện. Một loạt vụ việc vừa qua dư luận đã xầm xì từ lâu, năm nào chả có kiểm tra thanh tra nhưng buồn thay lại không thấy gì.
       Việc bổ nhiêm sai nguyên tắc con gái bà Hoàng Thị Thúy Lan Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc hoặc bổ nhiệm theo kiểu đi tắt đón đầu ông Nguyễn Nhân Chính con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến… là những điển hình coi thường kỉ cương phép nước và những quy định của Đảng. Họ đều biết cả nhưng vẫn cố tình làm sai và buồn thay tất cả đều vẫn ung dung tại vị. Có cảm giác Đảng và Nhà nước ta bất lực trước một bộ phận quan chức đang coi thường vương pháp, luật lệ của Đảng, của Nhà nước. Điều đó lí giải tại sao tiêu cực tham nhũng không hề suy giảm.
       Có người bảo: Nếu kỉ luật hết thì lấy ai mà làm việc. Xin nhớ từ năm 1428 Cụ Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: nước Nam ta: Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có. Hoặc: Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu. Vấn đề ở chỗ có biết tìm, biết dùng và dám dùng hiền tài hay không.
       Trước những sai phạm của cán bộ nhiều người luôn cho rằng tại họ kém tu dưỡng. Xin thưa điều ấy là đúng nhưng chưa đủ. Lòng tham là bản chất tự thân của muôn loài trong đó có con người, để khắc chế được điều đó chỉ bằng lời kêu gọi là không đủ mà phải có một cơ chế để kiểm soát quyền lực. Cơ chế ở ta không thiếu nhưng xem ra nó không đủ mạnh, còn nhiều lỗ hổng, nhiều kẽ hở, thiếu những con người có đủ tâm, đủ tầm để vận hành cơ chế đó, đặc biệt việc kiểm tra, thanh tra giám sát không tốt, xử lí không nghiêm đã kích thích, dung dưỡng cho lòng tham.
       Không thể nói các ông Chu Ngọc Anh và dàn lãnh đạo Bộ KH&CN, Nguyễn Thành Long và dàn lãnh đạo Bộ Y tế, Trung tướng Nguyễn Quyết và dàn lãnh đạo Học viện Quân y… là những người ngu si, ít chữ, gia đình nghèo khổ mà làm càn, vấn đề ở chỗ lòng tham ở họ đã vượt lên trên cả lí trí, vượt trên tất cả các cơ chế kiểm soát quyền lực hiện hành, thậm chí họ còn lợi dụng các cơ chế đó để làm bậy.
       Mới đây ngày 26-5 phát biểu ý kiên về Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuan Phúc đã nói: Thanh tra cấp cơ sở ngồi chơi xơi nước nhiều, ít phát hiện ra tiêu cực.
       Vấn đề ở chỗ ai kiểm tra và kiểm tra ai. Nếu vấn đề này không được làm chặt chẽ, công tâm, rõ ràng, minh bạch trước hết ở khâu nhân sự thì xem ra bao nhiêu văn bản quy định cũng chỉ là tờ giấy mà thôi.
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
tin tức liên quan