Thứ trưởng Công an nói về việc người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài
Thứ trưởng Công an nói về việc người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài
Nguồn: Báo Điện tử Dân trí
Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, tội phạm buôn bán người, mại dâm liên quan đến người Việt xảy ra ở nhiều quốc gia. Ở Nhật Bản, người Việt vi phạm pháp luật đứng top đầu so với các nước...
Vấn đề trên được Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an - nêu ra tại Hội nghị quán triệt và triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, diễn ra mới đây.
Loạt vi phạm của người Việt
Trao đổi về thực trạng và giải pháp đấu tranh nhanh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo lực lượng công an tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó thường xuyên nắm chắc tình hình, trao đổi với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương những giải pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam ở nước ngoài vi phạm pháp luật. Thông qua các cơ chế hợp tác Interpol, ASEAN Pol và các kênh hợp tác chuyên ngành để đấu tranh ngăn chặn từ sớm, ngay từ nước sở tại các đường dây, đối tượng lôi kéo, dụ dỗ ép buộc người Việt Nam ở nước ngoài...
"Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã phối hợp điều tra, xử lý gần 800 vụ việc theo yêu cầu của các nước liên quan đến công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài; đã xác minh và tiếp nhận hơn 25.000 trường hợp, phối hợp đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm, tuyên truyền nâng cao nhận thức đi đôi với nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, kiểm soát biên giới, góp phần phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, qua công tác đấu tranh cho thấy tình hình người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, người Việt ở nước ngoài trở thành đối tượng kiểm tra chủ yếu của các cơ quan chức năng sở tại trong các chiến dịch truy quét người nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp, thường xuyên bị phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều nước. Hình ảnh sinh hoạt, lao động bị ảnh hưởng tiêu cực" - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Những vi phạm chủ yếu của người Việt ở nước ngoài được ông Quang dẫn chứng: Tình trạng cư trú bất hợp pháp xảy ra ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, châu Âu (chủ yếu là Anh, Pháp, Đức); gần đây có xu hướng gia tăng ở Úc, khu vực Trung Đông và châu Phi.
Cơ quan chức năng các nước đã liên tục bắt giữ những đối tượng, đường dây đưa người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp hoặc quá cảnh sang nước thứ ba, tạo bức xúc lớn trong người dân và chính quyền sở tại, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Tội phạm buôn bán người, mại dâm liên quan đến người Việt xảy ra ở nhiều quốc gia. Thời gian gần đây xuất hiện hành vi lừa đảo, lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, đưa người Việt Nam sang một số nước để lao động, nhưng thực chất là bán cho các công ty đánh bạc trực tuyến" - ông Quang thông tin.
Trong khi đó, tội phạm ma túy do người Việt Nam thực hiện ở nước ngoài chiếm tỷ lệ cao trong số tội phạm người nước ngoài bị bắt giữ ở nước sở tại, chủ yếu diễn ra ở Séc, Úc, Trung Quốc, Mỹ... Tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại như trộm cắp, đánh bạc, mại dâm, tín dụng đen, buôn bán và vận chuyển sản phẩm từ động vật hoang dã bị cơ quan chức năng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, một số nước Trung Đông, châu Phi phát hiện, xử lý diễn ra thường xuyên.
"Ở Nhật Bản, người Việt Nam vi phạm pháp luật đứng top đầu các nước có dân vi phạm pháp luật" - Thứ trưởng Bộ Công an nói.
Vì sao người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài?
Đề cập tới nguyên nhân của tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài, Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết chủ yếu do một số khó khăn, vướng mắc làm giảm hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài.
Cụ thể, quy định pháp luật hiện hành thiếu tính răn đe, chưa quy định hậu quả pháp lý cụ thể đối với công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ngoài; chưa có chế tài nghiêm khắc đối với doanh nghiệp để xảy ra tình trạng người Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng vi phạm pháp luật nước sở tại. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nước sở tại chưa sâu rộng.
Việc phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong giải quyết tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài còn chậm, hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, hành vi vi phạm pháp luật tại các nước ngoài thuộc quyền tài phán nước sở tại việc thu thập xác minh thông tin, củng cố tài liệu xử lý theo pháp luật Việt Nam rất khó khăn.
Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, giữa Việt Nam và một số nước chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hình sự hay dẫn độ tội phạm. Nhiều trường hợp sau khi bị nước ngoài xét xử thì bị đẩy, đuổi bí mật qua đường mòn lối mòn gây khó khăn cho công tác bảo hộ công dân, phối hợp điều tra, xét xử thu hồi tài sản phạm tội và quản lý công dân Việt Nam.
Một nguyên nhân khác được nêu ra là hoạt động tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép ngày càng tinh vi, chặt chẽ xuyên quốc gia, với sự phân công theo từng công đoạn giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài, sự đồng thuận giữa các đối tượng tổ chức môi giới ngoài nước với thân nhân gia đình và bản thân đối tượng có nhu cầu ra nước ngoài. Các đối tượng bị ngăn chặn hoặc bị trục xuất về nước bất mãn, không hợp tác với các cơ quan chức năng.
( C. H sưu tầm)