Chiều 5/7, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết số nhân viên y tế của thành phố nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng (1/2021-6/2022) gần 900, tập trung ở một số bệnh viện lớn như Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang. "Đó là những người có bằng đại học, tay nghề cao và đa số dịch chuyển sang khối y tế ngoài công lập", ông Hưng nói.
Phần lớn nghỉ do công việc quá vất vả sau hai năm chống dịch Covid-19. Mặt khác, khi các cơ sở y tế tập trung phòng chống dịch thì không có thêm nguồn thu, nhất là với những nơi tự chủ, từ đó cán bộ y tế không có thu nhập thêm, chủ yếu sống bằng tiền lương. Hiện cán bộ, nhân viên trung tâm y tế thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng; khối bệnh viện lớn 11-12 triệu/tháng. "So với bệnh viện tư là quá thấp", ông Hưng đánh giá.
Đào tạo được một bác sĩ phải mất 6 năm, sau đó thực hành ở bệnh viện 15 tháng mới được phép hành nghề. Ngoài ra, họ còn phải học thêm chuyên khoa 1, 2, học thạc sĩ, tiến sĩ... "Cá nhân tôi mất khoảng 15 năm học mới có thể trở thành bác sĩ cứng tay nghề, nhưng thực tế thu nhập và đãi ngộ vẫn chưa tương xứng", Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội bộc bạch.
Nhiều quận, huyện trả lại tiền mua thiết bị y tế
Cũng tại phiên họp tổ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nêu thực trạng các quận, huyện "sợ trách nhiệm, sợ vi phạm" không dám mua trang thiết bị y tế cần thiết để phòng, chống dịch.
Năm 2021, Mặt trận Tổ quốc thành phố phân bổ kinh phí mua tủ lạnh đựng vaccine cho trạm y tế cấp xã. Theo rà soát và báo cáo của Sở Y tế cần 1.009 tủ, nhưng đến nay chỉ 7 quận huyện mua tủ lạnh bảo quản vaccine là Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Thường Tín, Mê Linh, Long Biên và Phú Xuyên. 23 quận huyện gửi lại tiền với lý do "không có nhu cầu".
"Chúng tôi rất băn khoăn với lý do này. Phải chăng Sở Y tế thành phố khảo sát chưa chính xác? Hay một số quận, huyện không khó khăn về trang thiết bị y tế phục vụ cho y tế cơ sở?", bà Hương nêu vấn đề.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng cho biết, dù có kế hoạch mua 12 máy xét nghiệm PCR giá gần 50 tỷ đồng, các đơn vị đều hoàn trả tiền vào quỹ phòng, chống Covid-19. Không đơn vị nào mua được, trong khi lúc cao điểm Hà Nội một ngày rất nhiều ca bệnh và các cơ sở y tế rất cần máy xét nghiệm.
"Nếu cứ là tâm lý e ngại, sợ thanh tra, kiểm tra thì cuối cùng người thiệt thòi là nhân viên ngành y tế và nhân dân thủ đô", bà Hương nêu ý kiến.
Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội dự kiến diễn ra trong 4 ngày (từ 5 đến 8/7) để xem xét 16 báo cáo. Trong đó có 5 báo cáo chuyên đề liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân sách, nhà đất, vốn đầu tư công.
Võ Hải
(PS st theo VnExpress)