Cha mẹ phạm pháp, con ngồi ghế nóng lèo lái cơ đồ nghìn tỷ

Ngày đăng: 01:28 23/08/2022 Lượt xem: 195

          Cha mẹ phạm pháp, con ngồi ghế nóng lèo lái cơ đồ nghìn tỷ

                                                          Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Đại gia làm mưa làm gió một thời phải vào tù, con cái bất đắc dĩ phải ngồi vào ghế nóng lèo lái khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng.

 

Mới đây, CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS) thông báo, ông Lê Xuân Tùng được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT thay thế ông Trần Kiên Cường cho các năm còn lại của nhiệm kỳ 2018-2023, đồng thời ông Lê Xuân Tùng sẽ là người đại diện pháp luật của công ty.

Trước đó, hôm 3/8, HĐQT HBS nhân được đơn từ nhiệm chức vụ của ông Trần Kiên Cường với lý do cá nhân. Ông Cường làm chủ tịch HĐQT của HBS sau khi người tiền nhiệm trước đó là bà Nguyễn Thị Loan bị khởi tố vì những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng vào ngày 9/11/2021.

Ông Tùng sinh năm 1995, là con trai của bà Loan. Ông được bầu vào HĐQT HBS từ tháng 4 nhưng không hề năm giữ cổ phiếu HBS. Đổng thời, ông Tùng cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex ( HoSE: VMD) sau khi HĐQT VMD miễn nhiệm chức Phó Tổng giám đốc vào tháng 6 và nắm giữ 7,4% cổ phần VMD.

Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Vimedimex - trước khi bị bắt

Vimedimex là một trong những công ty kinh doanh thuốc lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Về phía bà Loan, trước khi bị bắt, ngoài lĩnh vực chứng khoán, bà Loan đồng thời là Chủ tịch HĐQT VMD. Do sai phạm thuộc về cá nhân bà Loan, mọi hoạt động kinh doanh của Chứng khoán Hòa Bình vào Vimedimex vẫn diễn ra bình thường.

Theo kết quả điều tra, bà Loan đã có hành vi thông đồng với cán bộ của Ban quản lý cùng với các bị can thuộc công ty thẩm định giá, can thiệp để điều chỉnh trị giá khu đất tại Đông Anh xuống thấp hơn giá trị thực.

Như vậy, chỉ trong vòng 9 tháng kể từ khi bà Loan bị bắt, ông Tùng đứng vài trò là con trai nhanh chóng thừa kế vị trí quan trọng nhất của hai doanh nghiệp mà bà Loan làm Chủ tịch HĐQT.

Tương tự, hồi tháng 4, ông Đỗ Hoàng Minh - con trai ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - khi đó đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh - đã được ủy quyền thay cha điều hành tập đoàn ngay sau khi ông Đỗ Anh Dũng bị bắt về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ông Đỗ Hoàng Minh bắt đầu làm việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ tháng 10/2014 với vị trí ban đầu là cán bộ vật tư. Sau đó, ông trải qua nhiều vị trí quan trọng của tập đoàn này.

Ông Minh sinh năm 1986, là con trai cả của ông Dũng, tốt nghiệp đại học Sorbonne, Pháp chuyên ngành Quản trị kinh doanh và có bằng MBA Đại học Buckingham, Anh. 

Nổi tiếng một thời, vợ ông Trần Phương Bình, đại gia kim tiền bậc nhất Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Dung lèo lái khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng sau khi ông này bị hai lần kết án chung thân vào năm 2018 và 2020 vì những sai phạm làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Á - DongA Bank (DAF)

Thời gian đầu sau khi ông Bình bị án, bà Cao Thị Ngọc Dung đảm nhận vai trò Chủ tịch DongABank, sau đó lui về làm cố vấn và tập trung công việc tại CTCP ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongA Bank thời điểm năm 1992, sở hữu 40% vốn ngân hàng này. ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 hồi tháng 4 của PNJ đã miễn nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT của bà Dung do kết thúc nhiệm kỳ 2017-2022. Cũng tại ĐHCĐ, bà Dung tiếp tục được bầu bổ sung vào HĐQT của PNJ nhiệm kỳ 2022-2027.

Mấy năm gần đây, PNJ giữ kết quả kinh doanh tốt và có sự phát triển mạnh, vững vị thế đơn vị kinh doanh vàng - trang sức hàng đầu Việt Nam. Cổ phiếu PNJ gần đây quanh vùng đỉnh lịch sử nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng, với lợi nhuận 4 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 45% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 4, lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ 2021.

Thị trường thận trọng

Theo CTCK Rồng Việt, thị trường tiếp tục theo chiều hướng thận trọng và lùi bước. Với diễn biến hiện tại của thị trường, tín hiệu hỗ trợ tại vùng 1.263 điểm trong phiên trước đã không được xác nhận do dòng tiền vẫn thận trọng và khá bị động tại vùng này. Mặc dù VN-Index có động thái đảo chiều hồi phục khi lùi về gần ngưỡng 1.255 điểm nhưng tín hiệu hỗ trợ này chưa đủ mạnh và chưa được xác nhận.

Thị trường vẫn còn tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh và chúng ta cần chờ tín hiệu xác nhận vùng hỗ trợ 1.255 điểm của VN-Index hoặc tín hiệu hỗ trợ khác mạnh hơn. Nhà đầu tư nên chậm lại để quan sát tín hiệu cung cầu, tạm thời nên hạn chế vị thế mua và cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro do yếu tố hỗ trợ chưa rõ ràng của thị trường.

Theo CTCK SSI, mốc 1.262 điểm là mốc quan sát trong phiên tới. Nếu chỉ số VNIndex chinh phục lại mốc này, nhiều khả năng đà hồi phục trên chỉ số sẽ quay lại với vùng mục tiêu gần là 1.280-1.285 điểm. Ngược lại, nếu thoái lui từ mốc 1.262 điểm kể trên, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng hỗ trợ gần 1.250-1.246 điểm.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan