'Nghèo mong chi Tết' - Góc nhìn của Nhà Báo Lê Tuyết

Ngày đăng: 05:44 16/01/2023 Lượt xem: 142
GÓC NHÌN

'Nghèo mong chi Tết'

Lê Tuyết

Lê Tuyết

Nhà báo

Được nghỉ một tháng, vợ chồng anh Tòng, công nhân nhà máy gỗ, chưa biết lấy tiền đâu để về quê, ở lại Bình Dương thì thương hai con không có Tết.

Từ giữa năm, công ty đã giảm đơn hàng nên phải cắt giờ làm của lao động. Mấy tháng cuối năm tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ dừng ở mức 5 triệu đồng vì mỗi tuần chỉ được đi làm 2-3 ngày.

Công ty thông báo nghỉ Tết hơn 30 ngày nhưng không nói gì về thưởng hay bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Cặp vợ chồng quê An Giang không dám trách vì biết rõ tình hình nhà máy đang quá khó khăn. Hai tháng qua, mang tiếng đi làm nhưng công nhân chỉ đến xưởng dọn dẹp cho máy móc đỡ bám bụi. Công ty không cho nghỉ hẳn, cố vẽ việc ra làm để có cớ "bao cơm", trả một ít lương để người lao động duy trì cuộc sống.

"Nghèo mong chi Tết", vợ anh chen ngang vào câu chuyện của chúng tôi.

Mấy hôm trước, người hàng xóm ở quê gọi lên thông báo căn nhà lá của anh chị ở quê đã sập, nhanh về dựng lại ăn Tết. Ngày quyết định rời quê, đưa cả nhà lên Bình Dương, vợ chồng anh quyết tâm kiếm tiền trở về xây lại bức tường gạch, lợp mái tôn.

Thế nhưng cuộc ra đi không như mong đợi. Ngay cả lúc nhà máy nhộn nhịp đơn hàng, tiền lương của những gia đình công nhân như anh Tòng cũng chỉ vừa đủ chi tiêu ở mức cơ bản. Hơn ba năm bỏ ruộng đồng, rời quê đi làm công ty, vợ chồng anh không dư được đồng nào. Cơn lốc thiếu đơn hàng bất ngờ quét qua, cả nhà lâm vào cảnh túng thiếu.

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cả nước có gần 530 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chiếm số lượng lớn là nhóm có vốn đầu tư nước ngoài và dân doanh ở khu vực phía Nam. Tổng số lao động bị mất việc, giảm việc là trên 637.000 người. Nhiều nhà máy lựa chọn phương án cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng với lao động để bảo tồn vốn, chờ thị trường phục hồi. Với công nhân, điều này đồng nghĩa với việc họ đang bước vào một mùa giáp hạt.

Một khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) với trên 6.200 công nhân tham gia, thực hiện tháng 11/2022, cho kết quả 59% công nhân không có tích lũy. Ngay cả với những người có chút ít để dành, nếu mất việc thì chỉ 11,7% cầm cự được dưới một tháng; 16,7% duy trì được 1-3 tháng và 12,7% được trên ba tháng.

Những ngày cuối năm âm lịch, đi qua Bình Dương, thủ phủ công nghiệp phía Nam, tôi mới thấm thía không khí ảm đạm của một năm khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nhiều con đường quanh các khu công nghiệp vắng vẻ, im lìm. Hàng quán đóng cửa, nghỉ Tết sớm vì giảm hẳn người mua. Chủ tiệm phở lâu năm trong khu cư xá 1.700 phòng trọ công nhân ở phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên (Bình Dương), nói, dù đã được giảm 30% tiền mặt bằng, anh vẫn không gồng nổi khi mấy tháng qua lượng khách giảm đến 50%, càng bán càng lỗ. Công nhân giờ đây chỉ ưu tiên gạo, mì. Tô phở 30.000 đồng trở thành món ăn xa xỉ.

"Nghèo mong chi Tết", câu nói trong tiếng thở dài của vợ anh Tòng, tôi nghe được cả sự bất lực với hoàn cảnh anh chị đang chịu đựng. Bất kể giàu nghèo, với người xa quê, Tết là dịp để trở về; và nó sẽ trở nên nhói lòng, khắc khoải khi hy vọng lớn nhất của cả một năm trời không thể thực hiện được.

Hơn 450.000 công nhân chọn ở lại Bình Dương dịp Tết Nguyên đán 2023, theo thống kê của các cấp công đoàn.

Nỗi sợ Tết, sợ không đủ tiền trở về, trong một năm thất bát như năm nay, đã lấn át mọi ngóng trông về Tết. Những người lao động như vợ chồng anh Tòng thậm chí mong Tết qua nhanh để họ có cơ hội đi làm, kiếm tiền trở lại.

Nhưng năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục suy thoái cục bộ và ngắn hạn. Các chuyên gia trong nước nhận định, điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến những nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, nhất là lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính - tiền tệ. Đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp, xuất khẩu giảm đà tăng trưởng từ tháng 8 đến nay. Những lĩnh vực giảm nhiều đơn hàng lại đang thuê nhiều nhân công nhất, như dệt may, da giày, gỗ, điện tử - điện máy...

Ngành lao động dự báo, tới hết quý 1/2023, lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí tiếp tục khó khăn, thiếu việc làm, do phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Cuộc chờ đợi để hội nhập trở lại vào nền kinh tế của những lao động như vợ chồng anh Tòng có thể sẽ không chỉ qua Tết, mà tới hết Quý I.

Cơn bĩ cực nào rồi cũng qua nhưng để những hoàn cảnh như gia đình anh Tòng không lặp lại, câu chuyện lâu dài cần tính đến là phải đảm bảo thu nhập của người lao động, xây dựng một mức lương đủ sống, giúp họ có tích lũy khi nền kinh tế tăng trưởng tốt.

Khi có tiền để dành, không sợ đói thì chẳng cần phải chờ đến Tết, người lao động cũng thấy vui.

Lê Tuyết
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan