“Trông người mà ngẫm đến ta” – Góc nhìn sự kiện của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 11:27 08/02/2023 Lượt xem: 148

TRÔNG NGƯỜI MÀ NGẪM ĐẾN TA 
Hoàng Văn Kính
 
       Nhiều quan chức ở ta thường có thói “khôn lỏi” mỗi khi không hoàn thành nhiệm vụ, có thiếu sót, mắc khuyết điểm bị chỉ mặt vạch tên, chất vấn, phê bình nhắc nhở hoặc nặng hơn là dính vòng lao lí là dở bài ca muôn thủa trốn tránh trách nhiệm, phủi tay đổ lỗi cho cấp dưới, cho cơ chế, cho khách quan. Rất ít người dám nhìn thẳng sự thật, dám chịu trách nhiệm cá nhân, có cách ứng xử văn minh như huấn luyện viên người Hàn-quốc Park Hang Seo của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Sau khi thua đội tuyển Thái Lan ở lượt về trận chung kết AFF Cup 2022 tại xứ sở Chùa Vàng, HLV Park đã nhận trách nhiệm hoàn toàn về thất bại này và khẳng định: “Tôi chưa đủ năng lực, nên kết quả hôm nay không được như ý. Các cầu thủ đã cố gắng hết sức rồi, đừng phê phán họ”.
       Thông điệp của thầy Park là thông điệp của đấng trượng phu, người có lòng tự trọng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai, đấy là phẩm chất cao quý, là bản lĩnh, là văn hóa của người đứng đầu.
       Tương tự như vậy, Thủ tướng Anh ông Rishi Sunak vừa bị Sở Cảnh sát Quận Lancashire phạt khoảng 620 USD vì không thắt dây an toàn khi ngồi trên ghế sau xe ôtô lúc xe đang di chuyển trong chuyến đi công tác. Sau đó một phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết: “ Thủ tướng hoàn toàn chấp nhận đây là một sai sót và đã xin lỗi”. Cat Smith, nhà lập pháp của Công đảng Anh, viết trên Twitter :"Cảm ơn cảnh sát Lancashire vì những gì họ đã làm trong việc đảm bảo an toàn đường bộ. Họ cũng nhắc nhở chúng ta rằng không ai đứng trên luật pháp”.
       Câu chuyện văn hóa nhận trách nhiệm nêu trên của thầy Park hoặc không lảng tránh sai phạm của Thủ tướng Anh đáng quý bao nhiêu, đáng để các quan chức nước ta soi rọi bản thân. Nhìn lại mình, chúng ta không khỏi hổ thẹn về cách hành xử thiếu văn hóa, đổ lỗi, thái độ trốn tránh trách nhiệm của không ít quan chức các cấp trong bộ máy công quyền hiện nay. Có những vụ việc sai trái, thất bại chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, nhưng những người “cầm cân nảy mực” lại cố tình “đánh trống lảng” theo kiểu “đánh bùn sang ao” nhằm né tránh trách nhiệm của bản thân. Ký văn bản quy phạm pháp luật có lỗi sai thì bảo “do nhân viên đánh máy nhầm lẫn”; đá lát vỉa hè bị nứt vỡ thì cho rằng “do trời mưa nhiều nên đá tự giãn nở, tự vỡ ”; hàng loạt nhân viên đăng kiểm “ăn tiền” của dân thì lại đổ: Do dân hối lộ làm hư cán bộ...
       “Năng lực” né tránh, đổ lỗi của một số quan chức đã đạt đến mức “siêu đẳng”, trước bàn dân thiên hạ họ cũng kịp thời xin lỗi, nhận trách nhiệm, hứa nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, nhưng rồi sau đó quên ngay, đâu lại vào đấy. Vấn đề quy hoạch treo, dự án treo diễn ra từ năm này qua năm khác, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ khiến người dân trong vùng vô cùng khổ sở, bức xúc. Đến mức một đại biểu Quốc hội từng than phiền: Quy hoạch treo nhiều năm là “treo” cuộc sống của dân; để việc của dân tồn đọng cũng là một thứ “nợ xấu”, một món nợ gây mất niềm tin của dân. Thế nhưng, khi tiếp xúc, đối thoại với dân, có quan chức vẫn khéo léo quanh co cho rằng, đó là lỗi do lịch sử để lại, do yếu tố khách quan nên mong bà con sẻ chia, thông cảm (!). 
       Lại nữa, khi có sai sót, khuyết điểm, thất bại cấp trên bao giờ cũng phùng mang, trợn mắt đổ mọi tội lỗi, quy trách nhiệm cho cấp dưới, cho cơ sở với những lời chê bai gần như mang tính định kiến, nào là: Trình độ, năng lực hạn chế; ý thức, trách nhiệm non kém; thiếu nhạy bén sáng tạo; thiếu kinh nghiệm, vốn sống... Không thấy phần yếu kém, trách nhiệm của bản thân, đổ lỗi cho khách quan, cho cấp dưới là một tật rất  xấu của các quan chức đương thời! Thói quen đổ lỗi cũng là một một biểu hiện suy thoái về đạo đức và lối sống.
       Thay vì “văn hóa đổ lỗi”, trước hết và trên hết cán bộ, đảng viên cần thực hiện “văn hóa nhận lỗi” và “văn hóa học tập từ sai lầm” để tránh vết xe đổ của chính mình và người khác. Đó là dũng khí, bản lĩnh, trách nhiệm chính trị của những người “đầy tớ, công bộc” của dân. Phải tránh bằng được tư tưởng bàng quan, vô cảm khi quan niệm: “Mất mùa bởi tại thiên tai/ Được mùa bởi tại thiên tài... cấp trên”, hay thái độ ứng xử lạnh lùng: “Trăm tội đổ đầu nhà oản”!

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
 

tin tức liên quan